Chủ tịch Thành phố Đà Nẵng chia sẻ kinh nghiệm thành công

 “Chủ trương thu hút nhân tài mà để anh em người ta nói “nhân tài gì, anh em nhà ông học dở quá mà ông cứ xếp vào”, là “bể” hết. Làm lãnh đạo là phải tránh được cái lợi cá nhân",  ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chia sẻ.

“Chủ trương thu hút nhân tài mà để anh em người ta nói “nhân tài gì, anh em nhà ông học dở quá mà ông cứ xếp vào”, là “bể” hết. Làm lãnh đạo là phải tránh được cái lợi cá nhân” - ông Trần Văn Minh, Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng chia sẻ về một  "bí quyết" khiến Đà Nẵng đạt được những bước tiến vượt bậc về phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian qua.

- Đà Nẵng được biết đến như một thành phố mạnh dạn trong việc áp dụng các giải pháp đột phá về kinh tế - xã hội. Để đạt được những bước tiến vượt bậc đó, trong quá trình áp dụng, nhất là khi áp dụng thí điểm, Đà Nẵng đã phải vượt qua những khó khăn nào không, thưa ông?.

- Có nhiều khó khăn, nhất là khi người dân, thậm chí là một bộ phận cán bộ, công chức chưa quen với cách làm mới. Thực tế, có một số ý tưởng mới khi Thành phố đưa ra là nhận được sự ủng hộ ngay, nhưng một số ý tưởng chưa nhận được nhiều sự ủng hộ. Làm thế nào để giải được bài toán này khi lãnh đạo Thành phố tin rằng đó là chủ trương đúng?.

Ông Trần Văn Minh trả lời phỏng vấn phóng viên Báo PLVN
Ông Trần Văn Minh trả lời phỏng vấn Báo PLVN

Vấn đề công chứng tư là một ví dụ. Đó là chủ trương đúng, nhưng người dân lâu nay vẫn tin tưởng hơn vào công chứng Nhà nước. Chúng tôi tiếp thu ý kiến từ phía người dân, từ phía các cơ quan Nhà nước rồi đưa ra giải pháp triển khai từng bước, nơi nào có đủ điều kiện thì làm trước. Kết quả là trong một thời gian ngắn, các Văn phòng công chứng đã tạo lập được niềm tin đối với người dân và được mở rộng ra các địa bàn của Thành phố.

- Khi chứng kiến Đà Nẵng áp dụng các cơ chế đặc biệt để thu hút đầu tư, chỉnh trang đô thị, thu hút nhân tài..., đột phá vào những lĩnh vực khó khăn, không ít người băn khoăn tự hỏi tại sao Đà Nẵng làm được những việc như vậy, trong khi nhiều địa phương khác không làm được? Thực ra là Đà Nẵng có bí quyết nào không, thưa ông?.

- Đà Nẵng khác các tỉnh, thành khác ở chỗ là đơn vị mới được tách ra từ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, cho nên Đảng bộ và nhân dân đều thấy rằng xuất phát của mình còn thấp và phải quyết tâm. Hơn nữa, Trung ương đã trao cho Đà Nẵng cơ chế thành phố trực thuộc Trung ương, bởi vậy, Đà Nẵng phải cố gắng. Cố gắng rồi, quyết tâm rồi nhưng phải làm đúng.

Chẳng hạn, khâu quy hoạch mình làm đúng thì khâu vận động nhân dân dễ nhận được sự đồng tình, ủng hộ. Chúng ta hay gọi đó là “đồng thuận”. Có thể chưa phải là 100%, nhưng đa số người dân đồng thuận là chính quyền đã thành công. Từ sự đồng thuận ấy, người dân lại thấy những việc mà Thành phố làm thể hiện cách làm đúng, có kết quả thật thì khi tiếp tục mở rộng ra, người dân sẽ tiếp tục đồng tình.

Ngay trong lĩnh vực chỉnh trang đô thị, lĩnh vực thu hút nhân tài..., ban đầu cũng không ít câu hỏi đặt ra là tại sao anh không giải quyết công ăn việc làm cho nguồn nhân lực tại chỗ của Thành phố mà đi thu hút ở đâu đâu. Quan điểm của chúng tôi là Đà Nẵng muốn phát triển thì phải có con người, phải có nhân tài làm hạt nhân phát triển, trong khi chỉ sử dụng nguồn nhân lực tại chỗ thì không đáp ứng được. Thu hút ở đây là thu hút có chọn lọc, mời cán bộ có tài năng về với Đà Nẵng. Chúng tôi phân tích để người dân hiểu và qua thời gian thì người dân thấy chính sách thu hút nhân tài của Đà Nẵng phát huy tác dụng.

Nhưng theo tôi, có một điều rất quan trọng, là đừng để lợi ích cá nhân của mình xen vào lợi ích chung. Nói thu hút nhân tài mà để anh em người ta nói “con cháu ông học dở quá mà ông cũng xếp vào” là mất lòng tin ngay. Phải tránh trường hợp ấy.

- Với cương vị Chủ tịch UBND Thành phố, ngoài việc vượt qua những lợi ích cá nhân để vì cái chung thì ông còn có phương pháp nào để tạo lập và duy trì sự đồng thuận?

- Tôi nghĩ trước hết phải có sự dân chủ, đoàn kết, thống nhất trong tập thể. Trước khi áp dụng một chủ trương, chính sách mới, lãnh đạo Thành phố cần đưa ra thảo luận dân chủ, công khai trong tập thể để anh em thống nhất khi thực hiện. Nhưng khi đi vào thực hiện rồi thì phải sát cơ sở. Lãnh đạo chính quyền các cấp phải thường xuyên xuống với dân để trình bày, thuyết phục, tuyên truyền, vận động, chứ mà nếu chỉ nói ở cuộc họp, nói với phương tiện thông tin đại chúng không thì tôi nghĩ không đủ và không hiệu quả như mong đợi.

- Ông có thường xuyên trực tiếp đối thoại với người dân không?

- Có chứ. Khi có vấn đề vướng mắc thì tôi phải là người trực tiếp đối thoại. Gặp gỡ trên Thành phố, gặp gỡ ở quận, huyện, gặp gỡ qua các buổi tiếp dân để giải quyết dứt điểm những vướng mắc phát sinh.

- Trong nhiệm kỳ 2011-2015 này, ngoài các giải pháp toàn diện để thực hiện các nhiệm vụ chung về  phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, Đà Nẵng còn tập trung vào giải pháp đột phá nào nữa?

- Vừa qua, Đại hội đại biểu lần thứ XX Đảng bộ TP.Đà Nẵng đã thông qua Nghị quyết về phương hướng, nhiệm vụ nhiệm kỳ mới với mục tiêu tổng quát của 5 năm 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2010. Theo đó thì trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung vào năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế - xã hội gồm: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chúng tôi cũng hy vọng là với các giải pháp vừa đồng bộ, vừa đột phá này thì kinh tế - xã hội của Đà Nẵng ngày càng tốt lên.

- Những người đã từng làm việc với ông đều khẳng định ông là người đàn giỏi, hát hay, mang trong mình tố chất của người nghệ sỹ. Điều đó giúp gì cho ông trong khi giải quyết những bộn bề công việc của lãnh đạo một thành phố năng động như Đà Nẵng?

- Tôi nghĩ là nó giúp mình giải tỏa được căng thẳng trong những lúc gặp phải khó khăn, nhưng đồng thời cũng giúp cho mình gần gũi với anh em hơn. Những giây phút cùng cây đàn ngồi với anh em như vậy, anh em không chỉ chia sẻ bớt khó khăn với mình, mà còn giúp mình bật lên những ý hay.

Đồng nghiệp thì cũng có nhiều cách đánh giá, nhưng cái chung là người ta thấy công việc của Đà Nẵng phát triển thì cũng hoan nghênh, ủng hộ, đồng thời cũng mong mỏi mình nỗ lực nhiều hơn để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội của Đà Nẵng.

Chúng tôi luôn tâm niệm rằng, Đà Nẵng phát triển không phải chỉ riêng cho Đà Nẵng, mà Đà Nẵng phát triển để tác động, để các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên cùng phát triển. Đó không phải chỉ là mong muốn của người dân Đà Nẵng mà có lẽ đó cũng là mong muốn của người dân các tỉnh, thành phố lân cận Đà Nẵng.

- Xin cảm ơn ông!

 

Ông Trần Văn Minh sinh ngày 2/4/1955 tại xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng. Là người có trình độ Tiến sĩ kỹ thuật nhưng ông cũng là vị Chủ tịch UBND TP nổi tiếng đàn giỏi, hát hay, mang trong mình tố chất của người nghệ sỹ.

Năm 1973 đến năm 1978, ông Minh theo học và tốt nghiệp Đại học chuyên ngành Tạo tác thủy lợi. Từ năm 1978 đến năm 1998, ông làm việc tại các cơ quan chính quyền. Từ năm 1998 đến năm 2003, ông đảm nhiệm cương vị Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư. Năm 2003, ông được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ tịch UBND TP và từ tháng 7/2006 đến nay, ông là Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng đầy năng động.

Hồng Thúy (thực hiện)

Đọc thêm