1 người chết, 3 người vào tù vì... chỗ để mũ bảo hiểm

Nhậu vào, từ trẻ đến già ai nấy đều muốn chứng tỏ “ta hơn người khác về mọi mặt”. Thế là từ một “chuyện giời ơi đất hỡi”, một vụ giết người man rợ đã xảy ra và ngay sau đó, những “người trong cuộc” đã phải ân hận trong muộn màng tiếc nuối.

Nhậu vào, từ trẻ đến già ai nấy đều muốn chứng tỏ “ta hơn người khác về mọi mặt”. Thế là từ một “chuyện giời ơi đất hỡi”, một vụ giết người xảy ra và ngay sau đó, những “người trong cuộc” ân hận thì đã muộn...

Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm
Các bị cáo tại phiên tòa phúc thẩm

Lấy mạng người vì chuyện không đâu

Tạm biệt quê nhà tại một tỉnh vùng núi phía Bắc, 3 thanh niên gồm Nông Hồng Định (21 tuổi), Nông Hồng Khải (19 tuổi), 2 anh em ruột cùng Nông Văn Thắng (19 tuổi) theo gia đình vào Bình Phước lập nghiệp.

Nhưng ở “miền đất hứa”, cuộc mưu sinh của họ cũng chẳng đỡ hơn nơi quê nhà là mấy, tất cả vẫn phải đầu tắt mặt tối làm rẫy trồng cà phê, hạt tiêu... để bán lấy tiền mua gạo. Tuy cuộc sống còn khó khăn, song 3 chàng trai này vẫn chí thú làm ăn để vun vén cho tương lai của mình. Thế nhưng, rượu đã phá hỏng tương lai của họ.

Câu chuyện buồn xảy ra vào khoảng 11h ngày 23/8/2010, khi ông Nông Văn Viên (42 tuổi, ngụ thôn 4, xã Đăng Hà, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước) cùng một số người quen tổ chức nhậu tại nhà.

Chén tạc chén thù đến 15h cùng ngày, bàn nhậu đón tiếp thêm Hứa Văn Liêm và Nguyễn Khương Duy (21 tuổi, ngụ cùng xã) đến góp vui. Có thêm “chiến hữu”, chẳng mấy chốc họ đã “xử” hết 2 két bia. Để thể hiện mình là chủ nhà “rộng rãi”, ông Viên bảo con trai là Nông Hồng Khải và Nông Văn Thắng (bạn của Khải) đi mua bia về nhậu tiếp.

Sau khi Khải và Thắng đem bia về, Liêm và Duy chơi trò oẳn tù tỳ với điều kiện ai thua phải uống 1 ly bia. Thấy hai gã “trai tơ” gây ồn ào, ông Nông Văn Hiện (35 tuổi, em ruột ông Viên) bảo Liêm: “Đừng chơi trò trẻ con nữa”. Mắng “trẻ con” xong, sẵn trong người có hơi men, ông Hiện lớn tiếng truy xét ai dám treo mũ bảo hiểm vào xe của mình.

Thấy ông Hiện “khó tính”, Liêm buột miệng: “Người ta thích thì treo!”. Tưởng câu nói bâng quơ của Liêm không ảnh hưởng gì, nào ngờ ông Hiện chửi xa xả Liêm vì cho rằng thanh niên này “hỗn láo với người lớn”. Vừa bị ông Hiển phá ngang trò “oẳn tù tỳ”, nay lại nhận thêm lời mạt sát từ ông này, Duy nổi khùng cãi nhau tay đôi với đối phương.

To tiếng một hồi, Liêm đã lấy lại được bình tĩnh nên chủ động xin lỗi ông Hiện. Nhưng ông Hiện không mở lòng tha thứ cho Liêm. Đã vậy, để bênh vực ông Hiện là chú ruột mình, Nông Hồng Định (con ông Viên) còn xông vào đánh Liêm và Duy khiến Duy hoảng sợ chạy ra ngõ.

Lúc đó Khải và Thắng đi mua bia về đến nơi, thấy Định đuổi theo Duy và la: “Chặn thằng áo đen lại đánh nó”. Duy chạy đến ruộng nước thì không may bị ngã nên không thể thoát thân. Khải nhào tới nắm tóc đánh nhiều cái vào mặt, kéo Duy vào bờ ruộng đánh tiếp khiến Duy ngã hai tay chống xuống đất. Thấy vậy, Thắng cầm cây củi đánh mạnh một cái vào gáy làm Duy bất tỉnh và tử vong sau đó.

Nhậu say, được... đi tù

Sau khi gây án, biết không thể trốn tránh pháp luật, cả 3 bị cáo đã đến công an đầu thú và khai nhận hành vi giết người. Xét thấy, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, chỉ vì mâu thuẫn không giống ai mà các bị cáo đã tước đi sinh mạng một con người, Công an tỉnh Bình Phước đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát đề nghị truy tố các bị cáo ra trước vành móng ngựa về tội “Giết người”.

Ngày 25/4/2012, TAND tỉnh Bình Phước đã đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt Nông Hồng Định, Nông Văn Thắng mỗi bị cáo 8 năm tù, phạt Nông Văn Khải 7 năm tù đều về tội “giết người”. Ngoài ra, các bị cáo còn phải bồi thường cho gia đình người bị hại hơn 50 triệu đồng.

Sau khi tòa tuyên án, cha mẹ các bị cáo thở dài lo lắng bởi họ mới bồi thường được 34 triệu đồng, hơn 16 triệu còn lại chưa biết xoay sở ra sao. Và họ còn lo lắng hơn nữa khi phía bị hại kháng cáo bản án theo hướng yêu cầu tăng nặng hình phạt dành cho các bị cáo và tăng mức bồi thường.

Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP.Hồ Chí Minh yêu cầu công an dẫn giải các bị cáo từ Bình Phước về TP.Hồ Chí Minh để xét xử theo trình tự phúc thẩm. Từ xe chở phạm bước ra, cả 3 bị cáo nhớn nhác nhìn xung quanh để tìm kiếm người thân. Tuy nhiên, đã không có một người thân nào của các bị cáo có mặt trong phiên tòa này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các bị cáo đã cúi đầu nhận tội và mong nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Hội đồng xét xử nhận định: Định, Khải và Thắng phạm tội rất côn đồ, chỉ vì chuyện nhỏ nhặt là ai treo mũ bảo hiểm vào xe của người khác mà “đánh hội đồng” sát hại anh Duy, gây ra nỗi đau không gì có thể bù đắp được cho gia đình nạn nhân.

Riêng bị cáo Định là người khởi xướng hành vi giết người bằng cách hô hoán hai em đuổi đánh anh Duy nên phải nhận hình phạt thích đáng. Đối với bị cáo Khải và Thắng, mặc dù mâu thuẫn không liên quan đến mình, nhưng cả hai đã đuổi theo dùng tay, khúc gỗ đánh chết bị hại một cách hết sức tàn nhẫn (theo kết quả giám định pháp y, anh Duy bị gãy cột sống cổ, tụ máu sọ và dập gãy tủy dẫn đến tử vong). Vì các lẽ trên, Hội đồng xét xử cho rằng cần nghiêm trị các bị cáo để phòng ngừa tội phạm nói chung.

Tuy nhiên, Hội đồng xét xử cũng xét đến việc khi phạm tội, Khải và Thắng đều là vị thành niên, tính đến ngày phạm tội Khải mới 17 tuổi 2 tháng, còn Thắng 16 tuổi 8 tháng; ngoài ra, cả 3 đều là người dân tộc thiểu số nên nhận thức pháp luật còn hạn chế, lại phạm tội lần đầu và gia đình các bị cáo đã tích cực bồi thường cho gia đình người bị hại; hơn nữa, sau khi phạm tội, các bị cáo đã ra đầu thú và thành khẩn khai báo.

Xét những tình tiết này, Tòa thấy cần phải có sự khoan hồng trong khi áp dụng mức án nên về trách nhiệm hình sự đối với các bị cáo, Tòa phúc thẩm đã tuyên y án sơ thẩm. Riêng phần bồi thường thiệt hại, xét thấy yêu cầu tăng mức bồi thường của mẹ Duy là có căn cứ, cấp phúc thẩm đã buộc các bị cáo bồi thường thêm cho gia đình anh Duy hơn 30 triệu đồng.

Phiên tòa khép lại cũng là lúc các bị cáo lầm lũi theo cảnh sát ra xe chở phạm về trại. Trước khi bước lên chiếc xe bít bùng, cả ba gã liếc nhìn ông Đ, bác của anh Duy, đại diện của người bị hại (được mẹ nạn nhân ủy quyền dự Tòa), với ánh mắt đầy ân hận, mong được tha thứ.

Đáp lại, người bác này chỉ biết lắc đầu không nói gì rồi cố nén tiếng thở dài. Cháu ông mất, ông đau buồn và giận các bị cáo lắm nhưng ông cũng thấy tiếc cho họ có tuổi đời còn rất trẻ, nay chỉ vì chút men rượu mà vừa phải gửi tuổi xuân phía sau song sắt, vừa để lại tiếng xấu và những khoản nợ không phải là nhỏ cho gia đình nghèo khó của mình...

Vương Hồng Cơ

Đọc thêm