10 sai lầm phổ biến khi xử lý chấn thương, bệnh thường gặp

0:00 / 0:00
0:00
Chườm đá trực tiếp lên vết bầm, tự nắn xương, khớp... sẽ khiến chấn thương nặng hơn.

1. Xoa bóp cho người ốm với cồn, rượu hoặc giấm

Lý do sai: Giấm và rượu sẽ ngấm vào máu. Rượu xoa bóp có thể gây say, còn giấm làm tăng nồng độ axit trong cơ thể, đặc biệt gây nguy hiểm cho trẻ.

Cách làm đúng là bạn có thể giúp người bệnh hoặc chính bạn hạ sốt bằng cách uống nhiều nước, nằm trong phòng mát.

2. Nâng cao đầu của người bất tỉnh

Lý do sai: Nếu ai đó ngất xỉu, bạn đừng cố nhấc cao đầu họ lên hoặc dội nước lạnh lên người họ, điều đó chỉ làm tình trạng của họ trở nên tệ hơn.

Cách làm đúng: Nâng chân của người đó lên, cởi cúc áo hoặc các món đồ khiến người đó cảm thấy chật chội. Không để họ đứng lên ngay sau khi họ bất tỉnh. Không cho họ uống cà phê hoặc nước tăng lực sau đó vì caffeine dẫn đến tình trạng mất nước.

3. Chườm đá trực tiếp lên vết bầm

Lý do cách làm này sai: Nước đá thực sự giúp giảm bầm tím nhưng bạn đừng chườm nó trực tiếp lên da nếu không sẽ bị bỏng lạnh.

Cách làm đúng là bạn cần đặt một miếng vải giữa da và đá. Bạn cần chườm lạnh trong 20 phút, thay đá và tiếp tục chườm trong 20 phút kế tiếp. Lặp lại vài lần tới khi hết bầm tím.

4. Dùng bơ hoặc kem để chữa bỏng

Lý do sai: Các chất này khi khô sẽ tạo một màng mỏng, làm gián đoạn quá trình trao đổi nhiệt, khiến vết bỏng tổn thương nặng hơn.

Quảng cáo

Cách làm đúng: Xối nước mát vào vết bỏng trong 15 phút. Bạn không được làm vỡ bong bóng của vết bỏng vì như vậy sẽ làm da mất đi lớp bảo vệ, khiến vết thương nhiễm trùng và dẫn tới mưng mủ.

5. Tự nắn xương, khớp

Lý do sai: Bạn không nên tự nắn khớp bị trật vì điều này có thể dẫn đến chấn thương nặng hơn.

Cách làm đúng: Cố định chi bị thương và đến bệnh viện. Chân tay không được băng, ép cố định gây khó chịu mà cần được băng sao cho người gặp nạn cảm thấy thoải mái, được giữ bất động không chỉ ở vị trí gãy, trật mà còn ở hai khớp gần nhất.

6. Chườm ấm khi bị bong gân

Lý do sai: Nhiệt độ nóng làm tăng lưu lượng máu, khiến tình trạng sưng tấy trở nên nghiêm trọng hơn.

Cách làm đúng: Chườm lạnh những ngày đầu sau khi bong gân. Điều này giúp làm giảm viêm và đau.

7. Tự móc họng để nôn mửa khi bị ngộ độc

Lý do sai: Cách làm này bị nghiêm cấm nếu bạn ngộ độc axit, kiềm hoặc các chất gây ăn da khác.

Cách làm đúng: Gọi cấp cứu ngay lập tức. Nếu bạn vẫn cần nôn mửa, đừng sử dụng mangan, baking soda hay sữa để gây nôn. Thay vào đó, hãy uống nhiều nước ấm.

8. Tự xử lý dị vật trong mắt

Lý do sai: Bạn có thể chuyển động tay sai và khiến dị vật gây thương tổn cho mắt nhiều hơn.

Cách làm đúng: Che mắt bằng gạc sạch và đến bác sĩ. Chỉ khi bị bỏng mắt bởi hóa chất, bạn mới nên rửa mắt ngay bằng nước.

9. Tự ý lấy dị vật khỏi vết thương

Lý do sai: Bạn có thể kéo mảnh vỡ từ ngón tay hoặc lấy mảnh thủy tinh nhỏ ra khỏi tay nhưng đừng cố lấy dị vật ra khỏi vết thương nghiêm trọng. Nếu không, máu sẽ chảy nhiều hơn và dẫn đến tử vong. Các bác sĩ thường giữ dị vật tại chỗ cho đến khi bệnh nhân được chuyển vào phòng phẫu thuật.

Cách làm đúng: Bạn có thể thấy sợ khi bị dao cứa vào chân hoặc bị mảnh vỡ lớn găm vào ngực. Khi đó, bạn cần nhờ người khác giúp đưa đến bệnh viện thay vì tự ý hoặc nhờ ai đó lấy dị vật khỏi cơ thể.

10. Bôi thuốc mỡ vào vết thương

Lý do sai: Vết thương chóng lành hơn trong điều kiện môi trường trong lành, khô ráo, còn thuốc mỡ sẽ tạo nên độ ẩm cao.

Cách làm đúng: Rửa sạch vết thương với nước mát và băng lại bằng băng khô sạch.

Đọc thêm