Dưới đây là 10 sự kiện tiêu biểu, tổng hợp những nỗ lực và thành tựu nổi bật của Báo Pháp luật Việt Nam trong năm 2024:
1. Phát động "Giải Báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất"
Lễ Phát động Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất. |
Hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, được sự đồng ý của Lãnh đạo Bộ Tư pháp, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức Lễ phát động “Giải báo chí toàn quốc về ngành Tư pháp lần thứ nhất”. Đây là lần đầu tiên Bộ tổ chức Giải Báo chí về Ngành và giao cho Báo Pháp luật Việt Nam, cơ quan thường trực Tiểu ban Truyền thông các hoạt động hướng tới kỷ niệm 80 năm thành lập ngành Tư pháp và Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI, chủ trì thực hiện.
Lễ phát động Giải được tổ chức long trọng tại Hà Nội với sự tham dự của đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam, các cơ quan Trung ương, Hà Nội, lãnh đạo và phóng viên các cơ quan báo chí Trung ương và Hà Nội. Giải là sự kiện ghi dấu ấn, khẳng định sự đánh giá cao của Lãnh đạo Bộ Tư pháp đối với vai trò của công tác báo chí trong việc tuyên truyền về vị trí, vai trò, những đóng góp to lớn của Bộ, ngành Tư pháp trong 80 năm xây dựng và trưởng thành đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; phát hiện, tuyên dương những tấm gương sáng tạo, cống hiến cho sự nghiệp Tư pháp, cho Bộ, Ngành và thông tin, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận trong xã hội đối với việc thực hiện nhiệm vụ công tác của Bộ, ngành Tư pháp.
2. Tổ chức thành công Tọa đàm "Đổi mới tư duy trong xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới” và nhiều hội thảo quan trọng
Ngày 1/11/2024, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tư pháp tổ chức Tọa đàm “Đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong Kỷ nguyên mới”. |
Tọa đàm có sự tham dự của nhiều chuyên gia về pháp luật, nhà khoa học, được Lãnh đạo Bộ, các cơ quan chức năng liên quan đánh giá cao về tính kịp thời, đúng trọng tâm, trọng điểm và có nhiều giá trị gợi mở cho việc triển khai chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về chuyển đổi tư duy xây trong dựng pháp luật.
Cùng với đó, Báo đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức hàng chục hội thảo, tọa đàm như “Tiếp tục hoàn thiện pháp luật xây dựng nhà nước pháp quyền trong kỷ nguyên mới"; “Luật Đấu thầu 2023: Những kỳ vọng và thách thức trong thi hành trên lĩnh vực đầu tư xây dựng”… cùng hàng trăm tọa đàm trên các nền tảng truyền thông đa phương tiện của Báo (videophapluat, phapluatmedia) để lại dấu ấn mạnh mẽ trong và ngoài Ngành, tạo ra những diễn đàn truyền tải ý kiến trao đổi giữa các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, tổ chức, người dân về những vấn đề được quan tâm trong xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tháo gỡ các nút thắt và hoàn thiện thể chế, xây dựng và hoàn thiện pháp luật, thi hành pháp luật, cải cách tư pháp, tạo động lực mới cho phát triển…
3. Xây dựng chuyên mục “Thể chế trong kỷ nguyên mới”, nhằm đóng góp ý kiến khoa học cho việc hoàn thiện pháp luật của đất nước
Chuyên mục “Thể chế trong kỷ nguyên mới” là diễn đàn hoàn thiện về thể chế, xây dựng pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam. |
Chuyên mục thực sự là diễn đàn về hoàn thiện thể chế, xây dựng pháp luật trên Báo Pháp luật Việt Nam hàng ngày và Báo Pháp luật Việt Nam điện tử. Cùng với các chuyên mục “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong kỷ nguyên mới”, “Phòng, chống lãng phí, tham nhũng, tiêu cực”, ‘Truyền thông chính sách”, “Văn hóa pháp luật”, “Gương sáng pháp luật”… với hàng trăm bài viết mang tính chuyên sâu, các chuyên trang, góp phần truyền thông chính sách pháp luật, xây dựng nhà nước pháp quyền, triển khai thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật trong kỷ nguyên mới.
4. Phát động "Chương trình Bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật” lần thứ ba
Ngày 1/7/2024, Báo Pháp luật Việt Nam phát động Chương trình bình chọn, tôn vinh “Gương sáng pháp luật” lần III, năm 2025. |
Tiếp tục thành công của năm 2021, 2023, năm 2024, Báo tiếp tục phát động Chương trình “Bình chọn Gương sáng pháp luật” lần thứ 3 với nhiều điểm mới cả về cách thức tổ chức, tiêu chí và đối tượng lựa chọn…, để thu hút sự tham gia đông đảo của các tổ chức và cá nhân trong cả nước.
Lễ tôn vinh sẽ được tổ chức trong năm 2025 nhân Kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống ngành Tư pháp Việt Nam (28/8/1945 - 28/8/2025) và chào mừng Đại hội thi đua yêu nước ngành Tư pháp lần thứ VI; Kỷ niệm 40 năm Ngày Báo Pháp luật Việt Nam phát hành số đầu tiên (10/7/1985-10/7/2025); Chào mừng Ngày Pháp luật Việt Nam 09/11/2025 và 100 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam.
Đây là sự kiện được tổ chức 2 năm 1 lần của Báo Pháp luật Việt Nam, đãnhằm biểu dương, tôn vinh các cá nhân tiêu biểu đại diện cho các ngành, lĩnh vực và địa phương đã có những đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, tổ chức và thi hành pháp luật, qua đó lan tỏa những hình ảnh tốt đẹp, những tấm gương anh dũng, đức hy sinh của công dân và cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong sự nghiệp xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
5. Phát động Cuộc thi "Chuyện nghề thi hành án dân sự lần thứ nhất"
Bà Vũ Hồng Thuý, Phó Tổng Biên tập Báo Pháp luật Việt Nam thông tin về Cuộc thi "Chuyện nghề thi hành án dân sự lần thứ nhất". |
Ngày 26/10/2024, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Báo Pháp luật Việt Nam đã phối hợp với Tổng Cục Thi hành án dân sự phát động cuộc thi “Chuyện nghề thi hành án dân sự lần thứ nhất”. Đây cũng là lần đầu tiên Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với một đơn vị thuộc Bộ tổ chức cuộc thi mang nhiều ý nghĩa trong việc nâng cao nhận thức của Nhân dân và toàn xã hội về chức năng, nhiệm vụ, vai trò, vị trí quan trọng của công tác Thi hành án dân sự; những đóng góp của lực lượng Thi hành án dân sự đối với ngành Tư pháp Việt Nam với công cuộc phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.
Qua đó, củng cố niềm tin, tinh thần phấn khởi, tự hào về công tác Thi hành án dân sự; tạo động lực tinh thần, cổ vũ, động viên cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hệ thống Thi hành án dân sự phát huy truyền thống, đề cao tinh thần trách nhiệm, tính chủ động, sáng tạo và trí tuệ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác, xây dựng lực lượng Thi hành án dân sự ngày càng vững mạnh, thực hiện thắng lợi yêu cầu nhiệm vụ của toàn ngành Tư pháp trong giai đoạn mới.
6. Phối hợp tổ chức thành công các hoạt động tuyên truyền pháp luật và an toàn giao thông tại Ninh Thuận, Thái Bình
Năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam tiếp tục phối hợp với Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia và Ban an toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận thực hiện hành trình tuyên truyền pháp luật và an toàn giao thôngvới Caravan “Tuyên truyền phổ biến pháp luật và an toàn giao thông học đường, thiện nguyện và xúc tiến thương mại tại Ninh Thuận” tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm. Báo cũng phối hợp với Ban an toàn giao thông tỉnh Thái Bình tổ chức chương trình “An toàn giao thông, hành trang vững bước tương lai” tại Trường Trung học cơ sở Đông Tiến, xã Đông Tiến, huyện Quỳnh Phụ (tỉnh Thái Bình).
Các hoạt động này đều thu hút được sự tham gia của đông đảo của nhiều tầng lớp nhân dân, qua đó đẩy mạnh công tác phổ biến giáo dục pháp luật về an toàn giao thông, lan tỏa tinh thần thượng tôn pháp luật, xây dựng văn hóa tham gia giao thông cho mọi người, nhất là tầng lớp học sinh, sinh viên.
7. Tổ chức nhiều hoạt động, tham gia có hiệu quả vào "Chương trình chung tay vì tình dân tộc, nghĩa đồng bào”
Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp Ủy Ban An toàn giao thông Quốc gia và Ban An toàn giao thông tỉnh Ninh Thuận tổ chức Chương trình Caravan “Tuyên truyền phổ biến pháp luật và an toàn giao thông học đường, thiện nguyện và xúc tiến thương mại tại Ninh Thuận”. |
Nhằm chung tay cùng cả nước hỗ trợ người dân, chính quyền ở những vùng bị thiên tai, lũ lụt năm 2024, Báo đã huy động được hàng trăm tấn hàng hóa cùng tiền mặt với tổng giá trị khoảng 20 tỷ đồng hỗ trợ cho người dân các tỉnh miền núi phía Bắc: Tuyên Quang, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lai Châu, Hà Giang, Yên Bái, Ninh Bình (tháng 9/2024) bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi); Báo cũng đã tổ chức đoàn đến tặng quà cho người dân tại tỉnh Quảng Bình (tháng 11/2024) bị ảnh hưởng bởi bão Trà Mi với số tiền hơn 300 triệu đồng.
Bằng nguồn lực xã hội hóa, năm 2024 Báo đã hỗ trợ triển khai xây dựng và bàn giao 17 “Mái ấm Tư pháp” cho cán bộ tư pháp và người dân có hoàn cảnh khó khăn, gia đình chính sách ở các địa phương; Hiện Báo tiếp tục triển khai xây dựng thêm 5 căn nhà cho gia đình chính sách tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo góp phần thực hiện chủ trương xóa nhà tạm, nhà dột nát do Đảng và nhà nước phát động vào năm 2025; Tiếp tục thực hiện Đề án “Chung tay xóa nghèo pháp luật, tuyên truyền pháp luật về biên giới, biển đảo”, đưa thông tin pháp luật đến với người dân ở vùng biên giới, hải đảo bằng các ấn phẩm của Báo Pháp luật Việt Nam cùng các hoạt động xã hội từ thiện.
8. Báo Pháp luật Việt Nam liên tiếp đạt Giải báo chí về xây dựng Đảng (Búa liềm Vàng)
Nhà báo Lương Thị Vân Anh, Báo Pháp luật Việt Nam (thứ 2 từ phải qua) cùng các tác giả, nhóm tác giả được Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thường trực Ban Bí thư Trương Thị Mai trao giải A giải Búa liềm Vàng lần thứ VIII. |
Năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam đã được trao giải A giải Búa liềm Vàng lần thứ VIII (năm 2023) và 2 Giải Báo chí về xây dựng đảng (Giải Búa liềm Vàng) TP Cần Thơ lần thứ 3 năm 2024 và giải 3 Búa liềm vàng tỉnh Quảng Quảng Trị, giải khuyến khích tỉnh Thừa Thiên Huế.
Cùng với đó, Phóng viên, biên tập viên của Báo tham gia và đạt nhiều giải báo chí cao của Trung ương và địa phương: Báo có 01 tác phẩm lọt vào Chung khảo Giải báo chí quốc gia năm 2023; 14 tác phẩm đạt giải báo chí do các cơ quan trung ương, địa phương, ban, ngành tổ chức, trong đó có các giải báo chí quan trọng như: 02 Giải C Giải báo chí toàn quốc về đại đoàn kết dân tộc lần thứ XVI, năm 2023 - 2024; 01 Giải Khuyến khích Cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của đảng trong Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương (thể loại báo in)
9. Báo hoàn thành việc xây dựng Đề án tinh gọn bộ máy theo Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 trình Bộ Tư pháp phê duyệt
Cơ cấu tổ chức và hoạt động của Báo đã được ổn định trên tinh thần tinh gọn, hiệu quả, chuyên nghiệp. Đảng ủy- Ban Biên tập, lãnh đạo chủ chốt các đơn vị của Báo tiếp tục thảo luận, đưa ra phương án cơ cấu, sắp xếp lại các đơn vị trực thuộc Báo, đúng yêu cầu “một đơn vị làm nhiều nhiệm vụ, mỗi nhiệm vụ đều có đơn vị chịu trách nhiệm”, không trùng lắp, chồng chéo trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao.
Trong năm 2024, báo đã ban hành gần 20 quy chế, quy trình quản trị nội bộ, nhất là những quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của các đơn vị trực thuộc, qua đó đưa hoạt động của Báo ngày càng chuyên nghiệp, khoa học, hiệu quả.
10. Số lượng người truy cập (view) trên các ấn phẩm và nền tảng mạng xã hội của Báo tăng mạnh
Năm 2024, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử được xếp hạng 54 trong số các trang web tin tức ở Việt Nam[1], với lượt đọc báo (lượng view) xu hướng tăng dần, trung bình khoảng 4-5 triệu view/tháng, tháng sau cao hơn tháng trước, đặc biệt trong Quý III, báo điện tử đã đạt 7-10 triệu view/tháng. Tính đến tháng 11/2024, Báo Pháp luật Việt Nam đạt trung bình hơn 10 triệu lượt view hàng tháng từ tất các ấn phẩm, chuyên trang điện tử.
Tính đến 31/11/2024, kênh tiktok baophapluatvietnam có 66 triệu lượt xem, 101.000 lượt bình luận và 258.000 lượt chia sẻ; trong đó có video có lượt xem lớn nhất là 5.4 triệu lượt; có 30 bài đăng (trong tổng số 226 bài) về các cuốn sách của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tuyên truyền chính sách pháp luật, hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp. Tài khoản Facebook chính thức của Báo Pháp luật Việt Nam đã được Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) chấp nhận yêu cầu xác nhận tích xanh (Stick Blue) và đang chờ hoàn thiện điều kiện. Tài khoản Youtube Báo Pháp luật Việt Nam có 6.100 người theo dõi với 3,6 triệu lượt view, trong đó tin có lượng view cao nhất đạt đến 1,4 triệu view.
[1] Năm 2023, Báo Pháp luật Việt Nam điện tử được xếp hạng 75 trong số các trang web tin tức ở Việt Nam