100 năm báo chí cách mạng Việt Nam (1925 - 2025): Sức mạnh Phù Đổng lớn lên cùng dân tộc, vì dân tộc

(PLVN) -  Nhân dịp đầu Xuân Ất Tỵ, Báo Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trò chuyện cùng ông Hà Minh Huệ, nguyên Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam về những thành tựu của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong 100 năm qua, cũng như những thách thức và sứ mệnh của những người làm báo trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Hà Minh Huệ. (Ảnh: NVCC)

“Binh chủng đặc biệt”, đi đầu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng

Thưa ông, năm 2025, chúng ta kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, nhìn lại chặng đường đã qua, ông đánh giá thế nào về vị trí, vai trò của Báo chí Cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay?

- Báo chí Việt Nam xuất hiện từ năm 1865 với sự ra đời của tờ báo quốc ngữ đầu tiên Gia Định Báo, nhưng chỉ đến khi dòng báo chí cách mạng ra đời với tờ Thanh Niên do Lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập ngày 21/6/1925 thì sức mạnh của báo chí mới thể hiện như Thánh Gióng vươn mình, dùng sức mạnh của mình làm nên sự nghiệp. Sức mạnh Phù Đổng lớn lên cùng dân tộc, vì dân tộc đó đã có những đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong 100 năm qua.

Đó là chặng đường lịch sử gian nan, nhưng hào hùng của đất nước - dân tộc Việt Nam trong quá trình phát triển vươn lên từ một nước thuộc địa, nghèo nàn, lạc hậu thành một nước Việt Nam độc lập, có chủ quyền và “chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” như Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã khẳng định. Trong thành công đó, Báo chí Cách mạng Việt Nam và đội ngũ những người làm báo cách mạng đã có những đóng góp xứng đáng.

Nhìn lại chặng đường 100 năm qua, Báo chí Cách mạng Việt Nam đã phát triển vượt bậc cả về số lượng lẫn chất lượng. Trong đội ngũ nhà báo cách mạng thời kỳ đầu có nhiều bậc tiền bối đã trở thành các nhà Lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước. Họ dùng báo chí làm công cụ để hoạt động cách mạng, để đấu tranh chống thực dân, phong kiến. Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng Bí thư Trường Chinh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... đều từng là những nhà báo bậc thầy, sáng lập và rèn luyện nên đội ngũ những người làm báo cách mạng kiên trung. Báo chí cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành “binh chủng đặc biệt”, đi đầu trên mặt trận văn hóa, tư tưởng; bằng trái tim, khối óc, trí tuệ của mình sáng tạo ra những các tác phẩm báo chí có sức chiến đấu cao, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

Trong 100 năm qua, vai trò báo chí được phát huy cao độ, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước quan tâm, Nhân dân tin yêu. Để đạt được điều đó, về phần mình, báo chí và đội ngũ những người làm báo đã phấn đấu không ngừng nghỉ, đấu tranh gian khổ vì Nhân dân, vì Tổ quốc Việt Nam thân yêu; thậm chí hy sinh cả máu xương của mình. Đã có hơn 400 nhà báo hy sinh trên chiến trường, vừa cầm bút, vừa cầm súng chiến đấu trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ biên cương, hải đảo của Tổ quốc. Ngày nay, đội ngũ người làm báo cách mạng cũng rất dũng cảm, tiên phong trong cuộc chiến chống “giặc nội xâm”, phanh phui các vụ tham nhũng, tiêu cực và lãng phí, vì mục tiêu phát triển của đất nước.

Nhà báo phải tự tu dưỡng, rèn luyện

Như ông vừa chia sẻ, 100 năm qua, báo chí đã có những đóng góp rất to lớn trong công cuộc kiến thiết nước nhà, nâng tầm vị thế của đất nước. Tuy nhiên, hoạt động của báo chí vẫn còn những tồn tại, bất cập. Theo ông, trong những tồn tại đó, vấn đề nào là nhức nhối nhất cần phải quyết tâm khắc phục?

- Các tồn tại, bất cập, thậm chí cả sai sót, sai phạm của báo chí những năm qua đều đã được các cơ quan quản lý báo chí chỉ rõ và quyết liệt chỉ đạo khắc phục. Tiếc rằng, tình trạng sai phạm vẫn xảy ra ở một vài nơi. Theo tôi nghĩ, hầu hết những người bước chân vào nghề báo đều được đào tạo cơ bản, hiểu biết về luật pháp, đặc biệt là Luật Báo chí; hiểu về đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của người làm báo... Nhưng trên thực tế vẫn có những nhà báo mắc sai phạm.

Theo tôi, vấn đề nhức nhối nhất hiện nay là sự xuống cấp về đạo đức của một bộ phận người làm báo. Trước hết, bộ phận người làm báo đó, nhất là khi họ là đảng viên, đã không tự tôn trọng mình, không tôn trọng độc giả, không tuân thủ đạo đức nghề nghiệp, không thực hiện trách nhiệm của nhà báo đối với xã hội, nghĩa vụ của mình với tư cách một công dân, một nhà báo. Nghề báo là một nghề cao quý, được trao quyền phản ánh, lên án các hiện tượng tiêu cực trong xã hội, nhưng đã và đang có người tự tước bỏ nó, vi phạm nghiêm trọng các quy định về đạo đức nghề nghiệp, vi phạm luật pháp. Đây thực sự là vấn đề nhức nhối, không thể chấp nhận. Các cơ quan quản lý, cơ quan chủ quản báo chí cần tiếp tục làm trong sạch đội ngũ người làm báo; cần có những biện pháp trừng phạt thật nghiêm khắc.

Tôi luôn tin tưởng đội ngũ báo chí, nhưng cũng đau xót với những sai phạm của những nhà báo mất phẩm chất, làm xấu hình ảnh của đội ngũ những người làm báo cách mạng. Nhưng, những người mắc sai phạm chỉ là một bộ phận nhỏ của đội ngũ hơn 40.000 người làm báo trong cả nước. Vì đại đa số được đánh giá là những người làm báo có trách nhiệm, luôn tuân thủ luật pháp, đạo đức nghề nghiệp và hoạt động có hiệu quả. Tôi tin rằng, những nhà báo có bản lĩnh, có nhận thức chính trị vững vàng, có lương tâm, sẽ không bao giờ mắc sai phạm. Nhà báo phải tự giác tự tu dưỡng, rèn luyện.

Phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước tác nghiệp tại Trung tâm Báo chí Đại hội XIII của Đảng. (Ảnh: TTXVN).

Không chỉ “ghi chép lịch sử”, nhà báo còn tham gia phản biện xã hội

Để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, theo ông, những người làm báo cần phát huy sứ mệnh và trách nhiệm của mình trong thời gian tới như thế nào để góp phần cùng cả nước hướng tới mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045?

- Trong giai đoạn hiện nay, Đảng ta đang lãnh đạo đất nước thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII và chuẩn bị tổ chức Đại hội lần thứ XIV, hướng tới mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Để các mục tiêu, nhiệm vụ chiến lược của Đảng được thực hiện, thì điều cơ bản, chung nhất là báo chí cách mạng cần phát huy truyền thống tốt đẹp của mình, tiếp tục đồng hành cùng đất nước, dân tộc, kiên quyết khắc phục những tồn tại, khuyết điểm, xử lý nghiêm các sai phạm.

Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Quy định về đạo đức nghề nghiệp của người làm báo, trong đó nhấn mạnh nghề báo là một nghề cao quý, đòi hỏi người làm báo phải đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, phải nghiêm chỉnh tôn trọng pháp luật, hành nghề trung thực, nêu cao tinh thần nhân văn... Coi việc thực hiện các quy định là bổn phận, nguyên tắc hành nghề, là lương tâm và trách nhiệm. Vấn đề rất quan trọng, được đặt lên hàng đầu là ý thức tự thân của một nhà báo, một công dân có trách nhiệm, biết coi trọng danh hiệu cao quý - nhà báo của mình.

Trước mắt, đội ngũ báo chí hùng hậu hiện nay cần tuyên truyền mạnh mẽ và bản thân mình nêu gương trong việc thực hiện “cuộc cách mạng” về thể chế, tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có lĩnh vực báo chí; tiếp tục đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và lãng phí với mục tiêu đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới đang được quyết liệt triển khai thực hiện những ngày này.

Trong giai đoạn bùng nổ thông tin, nhất là khi các tin tức chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội, việc nâng cao chất lượng hoạt động của báo chí thực sự “chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại” luôn đòi hỏi những người làm báo phải nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Đặc biệt, báo chí không chỉ đưa tin một cách đơn thuần, mà phải luận giải vấn đề và đưa ra giải pháp. Vai trò của báo chí phải chăng được thể hiện ngay trong những vấn đề này, thưa ông?

- Ngay trong câu hỏi của bạn đã chứa đựng câu trả lời ngắn gọn, cô đọng và chuẩn xác rồi. Tôi hoàn toàn nhất trí. Nhờ sự phát triển và phổ biến các phương tiện thông tin đa phương tiện, thông qua các trang mạng xã hội, người dân tiếp cận nhanh, thông tin đa chiều, nhưng trong đó có những thông tin chưa được kiểm chứng, những thông tin xấu, độc, đôi khi làm một bộ phận độc giả hoang mang, lúng túng, mắc bẫy, tin vào những điều sai trái, sai sự thật, không có thật, làm giảm niềm tin vào hệ thống chính trị.

Những người làm báo cần phải nhanh nhạy hơn, chiếm lĩnh trận địa thông tin; những người tham gia mạng xã hội cần có trách nhiệm trong việc cung cấp, truyền đạt thông tin; độc giả cũng phải có ý thức cảnh giác với những luồng tin xấu, độc, tiếp thu có chọn lọc và tự kiểm chứng.

Nhà báo, kể cả những người tham gia thông tin trên mạng xã hội không chỉ là người ghi chép lịch sử, phản ánh trung thực những gì đã và đang diễn ra, mà còn tham gia phản biện xã hội. Chúng ta có những cơ quan báo chí chủ lực, cung cấp thông tin chính thống làm những công việc này. Đây là một trong những giải pháp đa chiều quan trọng và cần thiết.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đọc thêm