Nền tảng mới phát triển công nghiệp quốc phòng

(PLVN) - Luật Công nghiệp quốc phòng, An ninh và Động viên công nghiệp (CNQP,AN&ĐVCN) được Quốc hội khóa XV thông qua ngày 27/6/2024, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2025, được đánh giá có ý nghĩa chiến lược với nhiệm vụ xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng (CNQP) trong giai đoạn mới. Nhân dịp năm mới Xuân Ất Tỵ 2025, PLVN đã có cuộc trao đổi với Trung tướng, TS. Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP.
Trung tướng, TS. Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP.
Trung tướng, TS. Hồ Quang Tuấn, Chủ nhiệm Tổng cục CNQP.

Đạo luật mang nhiều ý nghĩa quan trọng

Trung tướng Hồ Quang Tuấn cho biết, việc xây dựng Luật CNQP, AN & ĐVCN là một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định; mục tiêu thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng, khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách, pháp luật liên quan, đáp ứng nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP.

Có thể coi đạo luật này là nền tảng mới trong nhiệm vụ xây dựng, phát triển CNQP Việt Nam, thể hiện ở 3 nội dung lớn.

Thứ nhất, hoàn thiện cơ chế, chính sách cho những lĩnh vực đặc biệt quan trọng của CNQP, AN; chú trọng thúc đẩy hoạt động khoa học - công nghệ (KH-CN), nguồn nhân lực và các nguồn lực khác để xây dựng CNQP, AN tự lực, tự cường, lưỡng dụng, hiện đại.

Thứ hai, phát huy vai trò, chức năng, nhiệm vụ của CNQP, công nghiệp an ninh và ĐVCN trong bảo đảm vũ khí trang bị khí tài (VKTBKT), phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ cho lực lượng vũ trang; đổi mới, sắp xếp hệ thống cơ sở CNQP, AN, ĐVCN gắn với phương thức tác chiến mới.

Thứ ba, phát triển CNQP lưỡng dụng theo cả hai chiều: Công nghiệp dân sinh tham gia sản xuất sản phẩm quốc phòng; và CNQP tham gia sản xuất sản phẩm phục vụ dân sinh, phấn đấu trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia.

Theo Trung tướng Tuấn, để tổ chức triển khai thực hiện thành công các mục tiêu nêu trên, cần một hệ thống giải pháp nhằm đạt được cả 2 tiêu chí “hiện đại” và “lưỡng dụng” trong phát triển CNQP.

Với phát triển CNQP hiện đại, phải vươn lên làm chủ thiết kế, công nghệ, chế tạo được các chủng loại vũ khí hiện đại cho các quân binh chủng, có tính năng chiến thuật - kỹ thuật cao, như các loại vũ khí thông minh, vũ khí tích hợp hệ thống, vũ khí công nghệ cao... đặc biệt là một số loại vũ khí chiến lược.

Để làm được điều này, cần tiếp cận và làm chủ các ngành công nghệ mới liên quan chế tạo vũ khí. Tiếp tục hiện đại hóa các dây chuyền công nghệ hiện có trong sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật; phương tiện kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, thiết kế và thử nghiệm trong ngành CNQP.

Thu hút nhân tài vào ngành CNQP

Theo Trung tướng Tuấn, với phát triển CNQP theo hướng “lưỡng dụng”, thời gian tới, cần đẩy mạnh lưỡng dụng hóa trong nghiên cứu phát triển, đầu tư công nghệ,... thông qua các phương thức hợp tác quốc tế đa dạng, linh hoạt, đồng bộ. Tăng cường chuyển giao công nghệ, liên doanh, liên kết, hợp tác cùng nghiên cứu phát triển mẫu các vũ khí mới; hợp tác về đào tạo nhân lực, phát triển thị trường quốc tế và xây dựng thương hiệu, xuất khẩu sản phẩm quân sự, lưỡng dụng và sản phẩm kinh tế.

Một số vũ khí, sản phẩm tác chiến hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. (Ảnh: Viettel, Hữu Thọ)

Một số vũ khí, sản phẩm tác chiến hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. (Ảnh: Viettel, Hữu Thọ)

CNQP Việt Nam cần phát huy lợi thế và vai trò mũi nhọn về công nghệ lưỡng dụng để có thể dẫn hướng công nghiệp quốc gia trong một số lĩnh vực đặc thù, sở trường. Công nghệ lưỡng dụng phải được hiện thực hóa thành hiệu quả của các sản phẩm kinh tế do CNQP chế tạo, có sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Đẩy mạnh sản xuất phục vụ xuất khẩu, gồm cả sản phẩm kinh tế dân sinh và sản phẩm vũ khí đúng quy định của pháp luật. Chuẩn bị điều kiện, phương án, xúc tiến triển khai một số đề án sản xuất theo phương thức hợp tác, liên doanh với đối tác nước ngoài.

Một giải pháp quan trọng để phát triển CNQP lưỡng dụng là phải đẩy mạnh kết hợp quốc phòng với kinh tế, kinh tế với quốc phòng, vận dụng hiệu quả thành tựu của nền kinh tế quốc dân phục vụ sản xuất vũ khí, trang bị kỹ thuật.

Một số vũ khí, sản phẩm tác chiến hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. (Ảnh: Viettel, Hữu Thọ)

Một số vũ khí, sản phẩm tác chiến hiện đại do Việt Nam nghiên cứu, sản xuất. (Ảnh: Viettel, Hữu Thọ)

Trung tướng Tuấn đánh giá, thời gian qua, công tác thu hút nhân tài vào làm việc trong ngành CNQP có bước phát triển, nhưng chưa được như mong muốn. Thời gian tới, cần tập trung đổi mới mạnh mẽ các chế độ và chính sách có liên quan, trong đó ưu tiên đồng bộ cả 2 yếu tố: đãi ngộ và trọng dụng nhân tài. Tạo cơ hội cho các nhà khoa học được phát triển chuyên môn, cập nhật thông tin KH-CN mới ở trong nước và nước ngoài phục vụ cho các chương trình, dự án, đề tài... từ nghiên cứu, thăm dò cho tới khi tạo ra sản phẩm quân sự cuối cùng ứng dụng trong lực lượng vũ trang.

Thời gian qua, các dự án đầu tư phát triển CNQP, nhất là các dự án trọng điểm, công nghệ cao được triển khai quyết liệt, bước đầu đem lại hiệu quả tích cực; năng lực nghiên cứu, thiết kế, sản xuất, sửa chữa VKTBKT có bước đột phá, khởi sắc. Ngành CNQP hiện đã từng bước làm chủ công nghệ sản xuất, sửa chữa, cải tiến, số hóa nhiều loại VKTBKT thế hệ mới, công nghệ cao, hiện đại, đáp ứng một phần nhu cầu VKTBKT cung cấp cho toàn quân. Ngoài ra, còn sản xuất được nhiều sản phẩm kinh tế có chất lượng cho thị trường trong và ngoài nước…

Đọc thêm