12 loài linh trưởng sinh sản thành công tại Vườn quốc gia Cúc Phương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam (thuộc Vườn quốc gia Cúc Phương) cứu hộ và bảo tồn 14 loài linh trưởng quý hiếm, trong đó, có 12 loài đã sinh sản thành công với trên 200 cá thể…
Chuyên gia tình nguyện từ CHLB Đức làm việc tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm (ảnh: Thanh Thanh)
Chuyên gia tình nguyện từ CHLB Đức làm việc tại Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm (ảnh: Thanh Thanh)

Ngày 19/12 /2023 Vườn quốc gia (VQG) Cúc Phương phối hợp với Vườn thú Leipzig tổ chức Hội nghị “30 năm cứu hộ linh trưởng quý hiếm của Việt Nam, kết quả, bài học kinh nghiệm và định hướng đến 2050”.

Cách đây 30 năm, ngày 25/3/1993, Bộ Lâm nghiệp Việt Nam đã đồng ý cho phép Cục Kiểm lâm ký Thỏa thuận hợp tác với các Tổ chức quốc tế như Hội chuyên gia linh trưởng IUCN; Hiệp hội động vật học bảo tồn các loài và quần thể (ZSCSP), CHLB Đức; Hội động vật Hoàng gia Nam Úc về việc thành lập Trung tâm cứu hộ thú linh trưởng đang có nguy cơ bị đe dọa của Việt Nam tại VQG Cúc Phương.

Hội động vật Frankfurt (FZS) của CHLB Đức đã hợp tác với VQG Cúc Phương thực hiện Dự án "Chương trình bảo tồn VQG Cúc Phương". Chương trình được 3 đơn vị: Hội động vật Frankfurt, Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật và VQG Cúc Phương thực hiện.

Dự án tập trung vào nghiên cứu điều tra tình trạng của loài Voọc quần đùi trắng và xây dựng Trung tâm cứu hộ các loài linh trưởng nguy cấp (EPRC). Ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Dự án linh trưởng Việt Nam chia sẻ, một trong những kết quả nổi bật của Dự án là đã thành lập một Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam.

Trung tâm cứu hộ và bảo tồn các loài linh trưởng quý hiếm của Việt Nam đang cứu hộ và bảo tồn trên 180 cá thể của 14 loài và phân loài linh trưởng quí hiếm. Đáng chú ý, có 12 loài đã sinh sản thành công với trên 200 cá thể.

VQG Cúc Phương cũng là nơi duy nhất trên thế giới cứu hộ và chăm sóc 6 loài mới được phát hiện, trong đó có loài Chà vá chân xám.

Trên 150 cá thể của 5 loài linh trưởng được thả về môi trường tự nhiên: Khu bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ, VQG Phong Nha Kẻ Bàng, VQG Cúc Phương và Quần thể danh thắng Tràng An.

Dự án đã tăng cường thêm cơ sở vật chất cho công tác bảo vệ rừng như ô tô, xe máy, bộ đàm.. và tổ chức nhiều đợt nghiên cứu thực địa về sự phân bố, tình trạng của các loài Linh trưởng ngoài tự nhiên để xây dựng chiến lược bảo tồn loài này ở Việt Nam…,

Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp đầu tiên ở Đông Dương tại VQG Cúc Phương không chỉ là công trình có giá trị to lớn về mặt khoa học mà còn có giá trị rất cao về giáo dục, góp phần nâng nhận thức về cứu hộ, bảo tồn các loài linh trưởng nói riêng và động vật hoang dã nói chung.

Đọc thêm