13 giờ xuyên rừng cáng đồng đội bị thương đi cấp cứu

(PLVN) - Tháng 3/1975, Tiểu đoàn 5 Trung đoàn 34 , Sư đoàn 7 của chúng tôi nhận mệnh lệnh cùng bộ đội địa phương được giao nhiệm vụ đánh chiếm Chi khu quân sự Định Quán (Đồng Nai), giải phóng quốc lộ 20, cắt đứt con đường huyết mạch địch tiếp viện cho Tây Nguyên và ngăn chặn địch thất trận chạy từ Tây Nguyên về Sài Gòn.
Hình ảnh bộ đội Sư đoàn 7 tấn công chiếm lĩnh núi Ba Chồng - Định Quán ngày 18/3/1975 (ảnh tư liệu).

LTS: Tiến tới kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975- 30/4/2024), và Kỷ niệm Ngày giải phóng Chi khu Định Quán (Huyện Định Quán tỉnh Đồng Nai), Báo PLVN xin trân trọng giới thiệu bài viết của Cựu chiến binh Triệu Quang Định (nguyên Kiểm sát viên cao cấp, nguyên Phó Vụ trưởng vụ Tổ chức cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân Tối Cao) về một đoạn ký ức đẹp, bi hùng của những người lính Cụ Hồ đã dâng hiến tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng đất nước.

5h ngày 17/3/1975, đơn vị chúng tôi đồng loạt nổ súng tấn công Chi khu quân sự Định Quán và các căn cứ của địch tại La Ngà, Núi Tràm, đồi Đăng Ca… Quân địch chống trả quyết liệt làm cho các mũi tấn công của ta gặp rất nhiều khó khăn, đơn vị chúng tôi cũng bị tổn thất lực lượng. Đến 17h ngày 19/3/1975, bộ binh ta đang bao vây tấn công căn cứ La Ngà thì nghe tiếng xe tăng gầm rú, sau đó có tiếng anh em hô to mừng rỡ: “Xe tăng của ta, tiến lên đi anh em ơi!”. Lập tức hỏa lực của ta tập trung đánh thẳng vào căn cứ La Ngà, tiêu diệt lực lượng lớn quân địch trong căn cứ, số còn lại địch tháo chạy vào rừng.

Tác giả, Cựu chiến binh Triệu Quang Định.

Đơn vị chúng tôi tiến về cầu La Ngà thì bị dính pháo bầy của địch từ trên núi bắn xuống. Chúng bắn xối xả như mưa, tôi chỉ kịp nhảy xuống một cái hố sâu (do bọn địch đào để lại, giống như cái hầm) để trú ẩn. Xuống mới biết có anh Lâm Văn Kết - đồng đội, đồng hương với tôi cũng đang ẩn nấp dưới này.

Được một lúc, tranh thủ lúc địch ngớt bắn, tôi tạm biệt anh Lâm Văn Kết, chạy dọc theo quốc lộ 20 về đơn vị. Trong lúc chạy, tôi bị một quả pháo nổ sát phía sau khiến tôi ngã sấp mặt… Tuy tôi chưa dính đạn nhưng sức ép của pháo khiến đầu óc choáng váng, ngực đau, mặt và chân tay nóng rát. Tôi chạy thêm được chừng 100m nữa thì gặp một giao thông hào và ẩn nấp ở đó cho đến khi tình hình yên ắng mới quay về đơn vị.

Về đơn vị, lập tức tôi nhận mệnh lệnh cùng một đồng chí nữa tên Bình cáng một đồng đội bị thương nặng ở cánh tay phải về trạm tiền phương cấp cứu. Mặc dù vừa chiến đấu suốt một ngày đến kiệt sức, nhưng để cứu đồng đội, tôi và anh Bình lập tức lên đường.

Người đồng đội bị vết thương khá nặng ở cánh tay phải, mất nhiều máu khiến anh đau đớn, mê sảng, có lúc ngất lả... May mắn lúc nghỉ giải lao anh tỉnh táo, tranh thủ trò chuyện mới biết, thật vui mừng, tôi và anh là đồng hương với nhau. Anh tên là Lâm Văn Thạch, quê xã Nam Thắng, cùng huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định. Anh Thạch cũng nhập ngũ năm 1972, cùng đợt với tôi.

Hình ảnh cầu La Ngà sau chiến tranh (ảnh NVCC).

Sau 13 giờ liên tục băng rừng lội suối, cuối cùng tôi và anh Bình đã cáng được anh Thạch về trạm tiền phương an toàn, kịp thời. Tại đây, anh Thạch được cấp cứu, nhưng để bảo toàn tính mạng, anh Thạch phải tháo bỏ toàn bộ cánh tay bên phải.

Tôi và anh Thạch chuyện trò với nhau được ít phút rồi chia tay để tôi và anh Bình quay về đơn vị tiếp tục chiến đấu, chúng tôi hẹn ngày chiến thắng gặp nhau ở quê nhà. Về đơn vị, tôi bàng hoàng hay tin anh Lâm Văn Kết - người đồng hương, đồng đội trú ẩn cùng hầm với tôi hôm ấy đã hi sinh vào tối 19/3/1975, ngay trước ngày bộ đội ta giải phóng hoàn toàn Chi khu quân sự Định Quán, mở đường cho chiến thắng lịch sử 30/4/1975.

Như vậy, qua 4 ngày đêm ròng rã chiến đấu ác liệt, bộ đội ta đã giải phóng Chi khu quân sự Định Quán và làm chủ Quốc lộ 20 dài 50km từ ngã ba Dầu Giây (tinh Long Khánh cũ) đến Đức Trọng (Lâm Đồng).

Bức ảnh chụp tại thành phố Hồ Chí Minh lúc vừa giải phóng. Người bên trái là đồng chí Tạo - Chính trị viên trưởng Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 34, Sư đoàn 7, sau này anh Tạo hi sinh ở chiến trường Campuchia. Tác giả Triệu Quang Định đứng bên phải (Ảnh: NVCC).

…Sau ngày đất nước giải phóng, tôi và đồng đội mỗi người mỗi ngả, những bộn bề công việc và dự định cuốn chúng tôi đi. Thỉnh thoảng có dịp về quê, tôi nhiều lần tìm anh Lâm Văn Thạch ở xã Nam Thắng nhưng chưa lần nào gặp.

Mỗi năm gần đến ngày Lễ chiến thắng 30/4 và những dịp 27/7, 22/12, trong tôi lại cồn cào nỗi nhớ đồng đội, những ký ức về đồng đội vẹn nguyên tưởng như mới hôm qua chớp mắt mà đã gần 50 năm…

…Dịp 1/4/2024 vừa qua có dịp về quê, tôi lại một mình đi xe máy đến xã Nam Thắng tìm gặp anh Thạch. Về địa phương, khi tôi hỏi thăm anh Thạch thương binh thì nhiều người biết, tôi được một thanh niên tận tình dẫn đến tận nhà. Sau tiếng gọi “bác Thạch ơi, có đồng đội tìm bác”, anh Thạch từ trong nhà bước ra, lập tức tôi nhận ra anh bởi cánh tay bên phải bị cụt đến sát nách, tôi xúc động không nói lên lời.

Cựu chiến binh, thương binh Lâm Văn Thạch với cánh tay phải đã gửi lại chiến trường Định Quán (ảnh NVCC).

Nhưng anh Thạch không thể nhận ra tôi ngay, anh mời tôi vào nhà và nhanh nhẹn rót nước mời tôi bằng tay trái còn lại. Khi tôi nói “Triệu Định đây, anh nhớ không”, anh cũng chưa thể nhớ ra… Cũng phải thôi, đã gần 50 năm trôi qua rồi còn gì! Hồi gặp nhau ở chiến trường, chúng tôi đều mới 18-20 thanh niên trai tráng. Giờ gặp lại, chúng tôi đã vào tuổi lên ông lên bà, tóc đã pha sương.

Trò chuyện một lúc về trận chiến giải phóng Xuân Lộc, trận đánh giải phóng Chi khu Định Quán…, anh Thạch mới nhận ra tôi trong trận chiến sinh tử năm nào, anh ôm chầm lấy tôi bằng cánh tay còn lại, xúc động nghẹn ngào: “À, nhớ rồi, mày là Triệu Định - thằng cớm nắng!” (chẳng là ngày xưa tôi trắng trẻo thư sinh, dáng dong dỏng cao, lại bị sốt rét rừng nên da càng trắng xanh, tái mét nên đồng đội gọi đùa là cớm nắng, chứ không đậm người như bây giờ).

Hôm đó tại nhà anh Thạch, anh em chúng tôi hàn huyên với nhau suốt cả buổi vẫn chưa hết chuyện. Anh Thạch kể, đất nước giải phóng, anh trở về quê hương với tấm thẻ thương binh nặng, sau khi bỏ lại cánh tay phải ở chiến trường. Với quyết tâm tàn nhưng không phế, bằng cánh tay còn lại, anh Thạch tham gia lao động sản xuất ở địa phương, xây dựng gia đình và xin được công việc bảo vệ ở một xí nghiệp sản xuất gạch ngói, hiện anh cũng đã nghỉ hưu với mức lương khiêm tốn.

Trong câu chuyện, chúng tôi ngậm ngùi thương nhớ những đồng đội đã hi sinh và luôn động viên nhau rằng dù sao anh em mình vẫn còn may mắn, hạnh phúc hơn nhiều đồng đội khác…

Sau đó tôi và anh Thạch cùng sang nhà em trai anh Lâm Văn Kết thắp hương cho anh Kết. Điều khiến chúng tôi cảm động và khâm phục nhất là, trong điều kiện kinh tế còn khó khăn, nhưng em trai anh Kết và gia đình trong nhiều năm vẫn kiên trì bền bỉ đi tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Lâm Văn Kết, mãi đến năm 2016 mới tìm thấy hài cốt và đưa anh về quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ quê nhà.

Sắp đến ngày Lễ kỷ niệm chiến thắng 30/4, những ký ức về một thời hào hùng oanh liệt trong tôi lại hiện về cùng nỗi nhớ đồng đội khôn nguôi…

Ký ức không quên về trận đánh giải phóng Xuân Lộc

Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc (ảnh tư liệu).

(PLVN) - Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chiến thắng giải phóng Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai)- trận được coi là mở “cánh cửa thép” để bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong tôi vẫn vẹn nguyên ký ức 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt để làm nên chiến thắng thần kỳ.

Thời điểm năm 1975, tôi và hầu hết anh em trong đơn vị thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 34, Sư 7 (công trường 7), Quân đoàn 4 Miền Đông Nam bộ đều là những người lính trẻ, chỉ mới 18 -20 tuổi. Chúng tôi đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng có cùng ý chí và nhiệt huyết sục sôi chiến đấu, quyết tâm quét sạch giặc thù giải phóng quê hương đất nước.

Vậy nên khi biết đơn vị sắp được tham gia trận chiến đấu giải phóng Xuân Lộc – nơi được coi là “cánh cửa thép” ở phía đông Sài Gòn để quân ta thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, phải nói tinh thần chúng tôi cực kỳ phấn chấn.

(Đọc tiếp>>>>>>>)

Đọc thêm