Ký ức không quên về trận đánh giải phóng Xuân Lộc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày chiến thắng giải phóng Xuân Lộc (tỉnh Đồng Nai)- trận được coi là mở “cánh cửa thép” để bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, trong tôi vẫn vẹn nguyên ký ức 12 ngày đêm chiến đấu oanh liệt để làm nên chiến thắng thần kỳ.
Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc (ảnh tư liệu).
Xe tăng và bộ binh Quân đoàn 4 tiến công Xuân Lộc (ảnh tư liệu).

Thời điểm năm 1975, tôi và hầu hết anh em trong đơn vị thuộc Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 34, Sư 7 (công trường 7), Quân đoàn 4 Miền Đông Nam bộ đều là những người lính trẻ, chỉ mới 18 -20 tuổi. Chúng tôi đến từ nhiều miền quê khác nhau, nhưng có cùng ý chí và nhiệt huyết sục sôi chiến đấu, quyết tâm quét sạch giặc thù giải phóng quê hương đất nước.

Vậy nên khi biết đơn vị sắp được tham gia trận chiến đấu giải phóng Xuân Lộc – nơi được coi là “cánh cửa thép” ở phía đông Sài Gòn để quân ta thực hiện chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, phải nói tinh thần chúng tôi cực kỳ phấn chấn.

Mặc dù trước đó, đơn vị chúng tôi đã tham gia đánh hàng chục trận từ Chiến dịch giải phóng Phước Long từ mùa xuân năm 1975 đến thời điểm tháng 4/1975, nhưng chưa có trận nào "tầm vóc" và qui mô lớn như trận Xuân Lộc.

Bức ảnh kỷ niệm chụp sau giải phóng, tác giả Triệu Quang Định đừng ở hàng sau, vị trí thứ 2 từ trái sang (ảnh do tác giả cung cấp).

Bức ảnh kỷ niệm chụp sau giải phóng, tác giả Triệu Quang Định đừng ở hàng sau, vị trí thứ 2 từ trái sang (ảnh do tác giả cung cấp).

Tôi vẫn nhớ như in tối 8/4/1975, đơn vị bộ binh chúng tôi nhận lệnh hành quân vào chiếm lĩnh trận địa Xuân Lộc. Khoảng gần 1h sáng 9/4/1975, đơn vị tới sát hàng rào của Sư đoàn 18 bộ binh địch, chúng tôi nhận lệnh phải đào hầm trú ẩn. Nhưng quá trình đào vấp phải đất sỏi đá quá rắn, đến gần sáng hầm cũng chỉ sâu được khoảng 50cm. Thấy vậy tiểu đoàn trưởng của chúng tôi đã khóc vì thương anh em, và vì dường như ông linh cảm thấy điều gì đó.

Khoảng 5h30 sáng, pháo ta bắn 1 tiếng đồng hồ vào các cơ sở đóng quân của địch. Lúc đầu địch gần như tê liệt không hề phản ứng gì, nhưng khi tất cả hỏa lực mạnh của ta đặt gần sát với địch vừa đồng loạt nổ súng thì hỏa lực của chúng ở dưới hầm ngầm bất ngờ dội lên bắn trả quyết liệt...

Không quản nguy hiểm, đồng chí Nguyễn Văn Hực (Tiểu đoàn phó) ra lệnh: “Anh em ơi tiến lên!”. Tôi và mấy anh em chạy theo anh Hực, chạy lên khoảng 100m thì thấy có 4 chiếc xe tăng của ta đã nằm đó, địch vẫn bắn “rát”. Anh Hực vẫn tiến lên, chúng tôi đồng loạt chạy theo. Hỏa lực cùng đạn pháo địch dội xuống rào rào như mưa, khói mù mịt cả trận địa…

Khi trận địa ngớt tiếng pháo, chúng tôi phát hiện nhiều đồng chí bị thương, không ít người bị thương nặng. Tôi cũng bị sức ép bom và một số vết thương phần mềm nhưng do sức trẻ nên có thể di chuyển bình thường. Chúng tôi cố gắng sơ cứu cho anh em rồi hỗ trợ đưa các đồng chí về cứ cứu thương. Về đến cứ, tôi nghe chỉ huy nói Trung đoàn 141 của ta đã đánh và chiếm được Dinh tỉnh trưởng Đồng Nai, dù địch phản công quyết liệt. Mừng khôn kể xiết!

Bức ảnh lưu niệm của Đoàn Cựu chiến binh là thương binh quận Ba Đình, tác giả cũng là thương binh hạng 2/4.

Bức ảnh lưu niệm của Đoàn Cựu chiến binh là thương binh quận Ba Đình, tác giả cũng là thương binh hạng 2/4.

Ngày hôm sau, 10/4/1975, đơn vị chúng tôi được bổ sung thêm quân số và tiếp tục ra chốt trận, liên tiếp đánh nhau với quân dù và biệt động quân của địch. Lúc này tướng Trần Văn Trà về trực tiếp chỉ huy mặt trận, tình thế chiến trận đã thay đổi, tướng Trà cho quân bao vây và đánh thẳng vào sân bay Biên Hòa để làm giảm lượng bom đạn, tạo điều kiện cho quân ta chiến đấu với chiến đoàn 18 của địch do tướng Lê Minh Đảo chỉ huy. Xác định thời cơ đã chín muồi, thế trận đã xoay chuyển nên ta quyết tâm chiến đấu đến cùng để giải phóng bằng được Xuân Lộc.

Ngày 15/5/1975, địch đánh 2 quả bom loại 7 tấn, bom giãn khí nhằm chặn sức tiến quân của ta. Nhưng chúng ta vẫn quyết đánh, lúc này địch đã thấy không ổn, hơn nữa chúng đánh hơi được Binh đoàn Hương Giang quân giải phóng đã tiến vào giải phóng được Phan Rang – Phan Thiết và đang kéo quân vào Biên Hòa, nên đêm 20 rạng 21/4/1975 quân địch tháo chạy, ta bắt và thu rất nhiều súng đạn vũ khí để chuẩn bị bổ sung cho chiến dịch Hồ Chí Minh sắp tới. Chiến thắng Xuân Lộc đã mở “cánh cửa thép” để bộ đội ta tiến vào giải phóng Sài Gòn.

Một bức ảnh gặp mặt của tác giả và đồng đội năm xưa.

Một bức ảnh gặp mặt của tác giả và đồng đội năm xưa.

…Sau ngày đất nước giải phóng, chúng tôi trở về hậu phương, rồi mỗi người có công việc, sự nghiệp riêng. Tôi sau thời gian được đưa đi điều trị dưỡng thương, sức khỏe ổn định lại thì được Nhà nước cử đi học để trở thành người cán bộ ngành Kiểm sát nhân dân.

Cuộc sống mưu sinh và công việc bận rộn khiến tôi và những người đồng chí, đồng đội của mình không thường xuyên liên lạc với nhau. Nhưng hàng năm, mỗi dịp Kỷ niệm chiến thắng 30/4, dịp 27/7 hay 22/12 chúng tôi lại gặp nhau, ôn lại kỷ niệm những ngày cùng nhau vào sinh ra tử chiến đấu giải phóng đất nước. Và chúng tôi đều tâm niệm: Ngay cả khi rơi vào tình thế nguy nan nhất, nhưng nếu chúng ta trên dưới đồng lòng, tự tin và quyết tâm chiến đấu thì nhất định chiến thắng!

(*Tác giả Triệu Quang Định - Nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ, Viện Kiểm sát nhân dân Tối Cao, là một cựu chiến binh, thương binh hạng 2/4).

Đọc thêm