15 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô Hà Nội: Giữ vững vị trí động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ

(PLVN) - Ngày 29/5/2008, Quốc hội khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính TP Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. 15 năm qua (2008 - 2023), Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, tận dụng lợi thế, vượt qua thách thức, triển khai có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội; kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và đối ngoại của Thủ đô đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Diện mạo Thủ đô Hà Nội thay đổi từng ngày. Ảnh Sở VHTT Hà Nội

Tổng sản phẩm trên địa bàn TP (GRDP) tăng gấp 1,12 lần mức chung cả nước

Thủ đô Hà Nội thời điểm được hợp nhất (tháng 8/2008) có diện tích 3.328,89km2 với dân số 6,230 nghìn người, gồm 29 quận, huyện, thị xã và 577 xã, phường, thị trấn. Qua 15 năm phát triển (từ 2008 - 2023), dân số đến nay (ước tính đến tháng 6/2023) là 8.564,5 nghìn người (gấp 1,37 lần so với thời điểm mới hợp nhất), có 30 quận, huyện, thị xã (huyện Từ Liêm tách lập thành 2 quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm) và 579 xã, phường, thị trấn (tăng 2 phường).

Từ năm 2008 đến nay, kinh tế Thủ đô giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với kinh tế của cả nước. GRDP giai đoạn 2008 - 2010 (theo quy mô chưa thay đổi) đạt 9,68%/năm. Giai đoạn 2011 - 2022 (theo quy mô GRDP điều chỉnh) GRDP tăng bình quân 6,67%/năm; trong đó, dịch vụ tăng 6,77%; công nghiệp - xây dựng tăng 8,19%; nông nghiệp tăng 2,87%. Hà Nội luôn duy trì tăng trưởng cao, bình quân giai đoạn 2011 - 2022, GRDP tăng gấp 1,12 lần so với mức tăng chung cả nước.

Du lịch được chú trọng phát triển, dần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, được xếp hạng trong nhóm 10 TP có tăng trưởng du lịch nhanh nhất thế giới, đứng thứ 15 trong danh sách 25 điểm đến du lịch phổ biến nhất trên thế giới. Lĩnh vực dịch vụ tài chính, ngân hàng phát triển lành mạnh. Năm 2022, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của TP Hà Nội là hơn 58 tỷ USD (gấp 1,93 lần so với năm 2008).

TP Hà Nội luôn chú trọng phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, là địa phương dẫn đầu cả nước về doanh thu công nghiệp ICT (đạt khoảng 320 nghìn tỷ đồng), với khoảng gần 8.500 doanh nghiệp công nghệ thông tin và có 2/5 khu công nghiệp công nghệ thông tin tập trung của cả nước. Cùng với đó, TP đặc biệt quan tâm phát triển nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, đã có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới (còn 3 huyện Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì đang hoàn thiện hồ sơ); 382/382 (100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; đã có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Diện mạo nông thôn đổi thay tích cực theo hướng ngày một văn minh, hiện đại, các giá trị bản sắc văn hóa truyền thống vẫn được lưu giữ và phát huy.

Về phát triển văn hóa, xã hội, phong trào văn hóa, nghệ thuật quần chúng trên địa bàn tiếp tục phát triển. Công tác chăm lo cho con người và xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh chuyển biến tích cực; các giá trị văn hóa truyền thống được gìn giữ và phát huy. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật được TP tập trung đầu tư xây dựng, quản lý đô thị, bảo vệ môi trường được tăng cường. Tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được tăng cường. Công tác đối ngoại và hợp tác phát triển, hội nhập kinh tế quốc tế được mở rộng.

Xây dựng, hoàn thành cơ chế, chính sách định hướng phát triển Thủ đô

Hà Nội phấn đấu hoàn thành dự án Vành đai 4 trước năm 2027. Ảnh Chinhphu.vn

Với những kết quả nổi bật đã đạt được, trong những năm tiếp theo, TP Hà Nội sẽ tạo sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trái tim của cả nước, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trung tâm, động lực phát triển của vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Cùng với đó, TP sẽ phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, đơn vị liên quan thực hiện tổng kết, đánh giá kết quả thi hành Luật Thủ đô năm 2012 và báo cáo Trung ương xem xét sửa đổi, bổ sung Luật Thủ đô. Hoàn thành Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065. Đồng thời, đẩy nhanh phát triển kinh tế, phát huy vị trí là một trong những đầu tàu kinh tế của cả nước.

Về quy hoạch, quản lý quy hoạch; xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển và quản lý đô thị; khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường, TP đặt mục tiêu hoàn thành và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội (điều chỉnh) đến năm 2045 và tầm nhìn đến năm 2065 sau khi được phê duyệt. Phấn đấu hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng đường Vành đai 4 và xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Phấn đấu đến năm 2025 có 3 đến 5 huyện phát triển thành quận; đến năm 2030 có thêm 1 đến 2 huyện phát triển thành quận...

Đọc thêm