Giảm 1 huyện và 161 xã sau sắp xếp 12 tỉnh, thành

(PLVN) - Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, sau sắp xếp, 12 tỉnh, Thành phố (TP) giảm được 1 đơn vị hành chính cấp huyện và 161 đơn vị hành chính cấp xã.
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 39. (Ảnh: Phạm Thắng)
Chủ tịch Quốc hội phát biểu khai mạc Phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thứ 39. (Ảnh: Phạm Thắng)

Sáng 14/11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH) Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ (UBTV) QH khai mạc Phiên họp thứ 39.

Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch QH Trần Thanh Mẫn cho biết, Phiên họp thứ 39 của UBTVQH diễn ra trong 2 ngày 14-15/11 và dự phòng sáng 19/11. “Phiên họp này có ý nghĩa hết sức quan trọng để thông qua rất nhiều nội dung, nhất là UBTVQH sẽ cho ý kiến để tiếp thu, giải trình các dự án luật đã được QH thảo luận ở tổ, hội trường và dự kiến sẽ thông qua tại đợt 2 của Kỳ họp thứ 8, QH khóa XV”, Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Về những nội dung của Phiên họp thứ 39, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan của QH chủ trì nội dung tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ, kịp thời báo cáo Phó Chủ tịch QH phụ trách để nêu những nội dung thực sự cần thiết, các vấn đề cần xin ý kiến để UBTVQH tập trung thảo luận.

Một số nội dung có thể được thông qua tại Kỳ họp thứ 8 theo quy trình tại một kỳ họp nếu đủ điều kiện như Luật Dữ liệu; Luật Điện lực (sửa đổi); Luật Đầu tư công (sửa đổi)... Do đó, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan chủ trì nội dung thể hiện quan điểm rõ ràng có bảo đảm đủ điều kiện để trình QH thông qua tại đợt 2 hay chưa, làm cơ sở để UBTVQH cân nhắc, xem xét.

“Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhiều lần nhắc nhở chúng ta phải kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, ách tắc đang cản trở sự phát triển kinh tế xã hội, Trung ương Đảng đã có Nghị quyết, QH phải thể chế hóa, cụ thể hóa để Chính phủ chỉ đạo, điều hành, khơi thông nguồn lực để phát triển”, Chủ tịch QH lưu ý.

Khẳng định các nội dung đều rất gấp, cần phải thật khẩn trương tiến hành hoàn thiện, chỉnh lý để trình QH tại đợt 2 của Kỳ họp, Chủ tịch QH đề nghị các cơ quan phải tham mưu để ban hành sớm kết luận của từng nội dung và triển khai nghiêm túc theo kết luận được ban hành.

Ngay sau khai mạc, UBTVQH xem xét, quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 của 12 tỉnh, TP, bao gồm: An Giang, Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ Chí Minh, Phú Thọ, Sơn La, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc.

Quang cảnh Phiên họp thứ 39. (Ảnh: Phạm Thắng)

Quang cảnh Phiên họp thứ 39. (Ảnh: Phạm Thắng)

Trình bày Tờ trình của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà nêu rõ, Chính phủ đề nghị thực hiện sắp xếp, thành lập đối với 6 ĐVHC cấp huyện và 361 ĐVHC cấp xã để hình thành 5 ĐVHC cấp huyện và 200 ĐVHC cấp xã mới của 12 tỉnh, TP. Sau sắp xếp, giảm 1 ĐVHC cấp huyện và 161 ĐVHC cấp xã.

Về số lượng ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, TP không thực hiện sắp xếp do có yếu tố đặc thù và chưa thực hiện sắp xếp do có các lý do khác có 5 tỉnh, TP (Hà Nội, Hà Tĩnh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị) đề nghị không thực hiện sắp xếp 8 ĐVHC cấp huyện. Đồng thời, có 10 tỉnh, TP (Đồng Tháp, Hà Nam, Hà Nội, Hà Tĩnh, TP Hồ chí Minh, Phú Thọ, Quảng Ngãi, Quảng Trị, Trà Vinh, Vĩnh Phúc) đề nghị không thực hiện sắp xếp 258 ĐVHC cấp xã .

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cũng cho biết, sau sắp xếp, số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách tại các ĐVHC, cấp huyện có 136 người dôi dư; cấp xã có 3.342 người dôi dư. Đồng thời, cấp huyện có 9 trụ sở dôi dư; cấp xã có 329 trụ sở dôi dư. UBND 12 tỉnh, TP đã xây dựng phương án chi tiết để bố trí, sắp xếp và giải quyết đối với số cán bộ, công chức, viên chức cấp huyện, cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã dôi dư; giải quyết trụ sở, tài sản công dôi dư theo đúng quy định.

Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành với các Đề án sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã của 12 tỉnh, TP.

Tuy nhiên, trong số 200 ĐVHC cấp xã hình thành sau sắp xếp ở 12 tỉnh, TP, có 111 đơn vị đáp ứng tiêu chuẩn và điều kiện của công tác sắp xếp ĐVHC, có 89 đơn vị thuộc 7 tỉnh, TP chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên hoặc quy mô dân số theo quy định (đại đa số là chưa đạt tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên). Trong đó, nhiều nhất là TP Hà Nội (42 đơn vị), TP Hồ Chí Minh (31 đơn vị), tỉnh Vĩnh Phúc (8 đơn vị). Chính phủ đã có Báo cáo giải trình, tiếp thu, trong đó nêu rõ lý do không thể tiếp tục sắp xếp đối với các ĐVHC này và đề nghị được áp dụng quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35, coi đây là “các trường hợp khác” để trình UBTVQH xem xét, quyết định đối với từng trường hợp cụ thể.

Căn quy định tại điểm d khoản 1 Điều 4 của Nghị quyết số 35, hồ sơ Đề án và Báo cáo giải trình, tiếp thu của Chính phủ, Ủy ban Pháp luật đề nghị UBTVQH cho phép thực hiện việc sắp xếp đối với 89 ĐVHC này như phương án Chính phủ đã trình theo thẩm quyền. Đồng thời, đề nghị Chính phủ, chính quyền các tỉnh, TP rút kinh nghiệm trong việc xây dựng và phê duyệt phương án tổng thể về sắp xếp ĐVHC của địa phương để thực hiện tốt hơn trong giai đoạn tiếp theo, bảo đảm mục tiêu và yêu cầu của công tác sắp xếp ĐVHC.

Đọc thêm