Mỗi năm, cả nước có khoảng 40.000 người tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá (trung bình 100 người/ngày). Con số này có thể tăng lên thành 70.000 người/năm nếu không có các biện pháp phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu quả.
Những con số này đã được đưa ra tại một hội thảo về Dự thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá như một cảnh báo đối với cộng đồng về tác hại của loại hàng hóa độc hại này, cũng như để minh chứng cho sự cần thiết có một đạo luật để thống nhất các biện pháp kiểm soát và phòng chống tác hại thuốc lá.
Hiện, Bộ Y tế đang chủ trì soạn thảo Luật Phòng chống tác hại thuốc lá với hy vọng có một “công cụ pháp lý” cho cuộc đấu tranh chống lại “tử thần mong manh” này. Mặc dù theo ông Phạm Tuấn Khải – Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Chính phủ) - đây là Dự án Luật “tương đối phức tạp về mặt quan điểm, do nội dung của Dự án Luật có sự xung đột về lợi ích của các nhóm đối tượng khác nhau, tác động khá lớn đến kinh tế - xã hội”, song ông Lý Ngọc Kính (Chuyên gia cao cấp Bộ Y tế) nhận định: “Sự xung đột lợi ích giữa ngành công nghiệp thuốc lá (nhóm người) và sức khỏe người dân (cộng đồng) là không khó để lựa chọn ban hành chính sách ưu tiên cho nhóm lợi ích nào”.
Trong khi đánh giá cao việc đóng góp vào ngân sách nhà nước của ngành công nghiệp thuốc lá, nhưng đến nay các chuyên gia vẫn nhận định số tiền đó “không thấm vào đâu so với những chi phí bị mất đi liên quan đến thuốc lá”. Năm 2010, ngành thuốc lá đóng góp hơn 14.000 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước, song số tiền điều trị cho 3 bệnh liên quan đến thuốc lá (ung thư phổi, bệnh mạch vành và bệnh phổi tắc nghẽn) đã là 2.034 tỷ đồng. Thuốc lá được xác định là nguyên nhân gây ra 25 bệnh khác nhau, không kể những chi phí phải bỏ ra để khắc phục các hậu quả về môi trường, cháy nổ, xã hội...
Huy Anh