Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2050

(PLVN) - Sáng 14/12, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương dự lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 .

Cùng tham dự sự kiện có bà Tôn Ngọc Hạnh - Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy; bà Trần Tuệ Hiền - Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước; đại diện lãnh đạo các tỉnh trong vùng Đông Nam bộ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2050  ảnh 1

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao Quyết định quy hoạch cho lãnh đạo tỉnh Bình Phước.

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định Bình Phước có vị trí địa lý chiến lược “đầu gối Trường Sơn”, “vai kề biên giới” với nước bạn Campuchia, giữ vai trò quan trọng trong hành lang kinh tế mới, kết nối kinh tế, văn hóa, là cửa ngõ giao lưu kinh tế, văn hóa, xã hội giữa Đông Nam Bộ với Tây Nguyên, tiểu vùng Mêkông và ASEAN.

Phó Thủ tướng cho rằng cơ sở pháp lý đã có, tiềm năng đã được nhận diện, định hướng phát triển đã được xác định, giải pháp đã rõ, Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, người dân của tỉnh Bình Phước cần tổ chức thực hiện tốt quy hoạch để hiện thực hóa khát vọng của Bình Phước.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2050  ảnh 2

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đề nghị Đảng bộ, chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp, người dân của tỉnh Bình Phước tổ chức thực hiện tốt quy hoạch để hiện thực hóa khát vọng của Bình Phước.

Bà Trần Tuệ Hiền, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước cho biết, quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung rất quan trọng được Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm chỉ đạo.

“Bình Phước xác định rõ đây là cơ hội lớn để tạo ra không gian phát triển mới, động lực phát triển mới và giá trị mới của đất nước, vùng và địa phương, phấn đấu đạt mục tiêu, khát vọng mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đã xác định, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Mục tiêu đến năm 2030 Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, hiệu quả và bền vững. Đến năm 2050, Bình Phước trở thành tỉnh công nghiệp hiện đại, phát triển giàu mạnh và văn minh, trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng Đông Nam Bộ… ”, bà Hiền khẳng định.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2050  ảnh 3

Các đại biểu dự Lễ công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước.

Quy hoạch tỉnh Bình Phước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 24-11-2023 và được điều chỉnh tại Quyết định số 1259/QĐ-TTg ngày 24-10-2024.

Theo quy hoạch, tỉnh Bình Phước xác định các đột phá phát triển gồm: ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông kết nối liên vùng, phát triển hạ tầng đô thị, thương mại cửa khẩu, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, phát triển hạ tầng số; ưu tiên đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững; hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành; xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, công khai, minh bạch.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ Công bố quy hoạch tỉnh Bình Phước đến 2050  ảnh 4

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà trao đổi với các đại biểu về định hướng phát triển của tỉnh Bình Phước

Về phương án phát triển hệ thống khu công nghiệp: Tỉnh huy động các nguồn lực để phát triển mạng lưới khu công nghiệp tại các địa phương trong vùng phía Nam và lân cận gồm: thành phố Đồng Xoài, thị xã Chơn Thành, huyện Đồng Phú, huyện Hớn Quản...

Đồng thời, tỉnh mở rộng và thành lập mới các khu công nghiệp khi được cấp có thẩm quyền giao bổ sung chỉ tiêu đất khu công nghiệp và đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đạt 18.105 ha. Đến năm 2030, tỉnh Bình Phước sẽ đạt tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân đạt trên 10%. Cơ cấu kinh tế công nghiệp - xây dựng chiếm khoảng 54%; thương mại - dịch vụ 35%; nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản khoảng 11%. Kinh tế số chiếm 30% trong cơ cấu nền kinh tế. GRDP bình quân/người đạt 180 triệu đồng (tương đương 7.500 USD), thu ngân sách đạt 30.000 tỉ đồng. …

Đọc thêm