191 học viên trốn khỏi cơ sở cai nghiện tại Sóc Trăng: Đại diện Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội đánh giá về sự việc

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Liên quan vụ việc gần 200 học viên tại cơ sở cai nghiện ma túy (CSCN) tỉnh Sóc Trăng phá cửa trốn khỏi cơ sở, đến 15h ngày 25/2, Sở LĐ-TB&XH tỉnh cho biết, hơn 100 học viên đã được đưa trở lại CSCN.
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH thăm CSCN Sóc Trăng hồi giữa năm 2020. (Ảnh: Tiến Trần)
Đoàn công tác của Bộ LĐ-TB&XH thăm CSCN Sóc Trăng hồi giữa năm 2020. (Ảnh: Tiến Trần)

Trao đổi với báo chí, bà Đàm Thị Minh Thu, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, ngay khi nhận được thông tin, Cục đã cử đoàn công tác đến địa phương.

Cục sẽ phối hợp chính quyền, các ngành chức năng địa phương bàn phương án, giải pháp khắc phục hậu quả; tập trung tuyên truyền, vận động, truy tìm đưa các học viên trở lại cơ sở; tăng cường cơ sở vật chất; củng cố, kiện toàn công tác tổ chức bộ máy và nhân sự của cơ sở; thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách cho học viên cai nghiện theo quy định...

Theo báo cáo của CSCN tỉnh Sóc Trăng, khoảng trưa 24/2, lợi dụng mâu thuẫn giữa học viên tại cơ sở, một số học viên đã kích động những học viên khác gây náo loạn. Đến khoảng 18h, nhiều học viên chạy ùa ra cổng. Lực lượng bảo vệ ngăn cản nhưng bị những người này khống chế, rồi phá khóa cổng tràn ra ngoài. Khi nhận tin báo, lực lượng cảnh sát cơ động sớm có mặt nhưng nhóm người cai nghiện đã chống lại và trốn chạy, tản đi nhiều hướng. Có một số cảnh sát bị thương khi ngăn giữ người bỏ trốn.

Đến khoảng 21h, tình hình an ninh trật tự cơ sở tạm ổn, qua kiểm tra sơ bộ các phòng ở học viên cửa và các ổ khoá đều bị hư. Số lượng học viên còn lại tại CSCN là 226 học viên, số học viên trốn là 191 học viên.

Đến 14h50 ngày 25/2, có trên 100 học viên đã được đưa trở lại CSCN. Có một số học viên trốn về nhà, được gia đình đưa trở lại.

Vài năm trước, tại CSCN này cũng xảy ra tình trạng hàng trăm học viên trốn cơ sở ra ngoài.

Bà Thu đánh giá, dù nguyên nhân đang được điều tra, làm rõ nhưng qua nhiều vụ học viên trốn khỏi CSCN từ trước đến nay, cho thấy cần phải nhìn nhận lại những khó khăn trong công tác cai nghiện tại các CSCN, trong đó sự quá tải và xuống cấp trầm trọng của cơ sở khiến cho các học viên có thể trốn ra ngoài.

Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, hiện cả nước có 110 CSCN, trong đó có 97 CSCN công lập. Hầu hết đều ở tình trạng quá tải và cơ sở vật chất xuống cấp trầm trọng.

Tổng công suất tiếp nhận của hệ thống CSCN bắt buộc hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu thực tế và không đồng đều ở các tỉnh, thành, khu vực.

Về chất lượng, do xây dựng đã lâu hoặc tiếp nhận cơ sở vật chất từ hệ thống khác nên không có thiết kế phù hợp với việc tổ chức cai nghiện ma túy. Mặt khác, do không được đầu tư, nâng cấp, sửa chữa thường xuyên nên đã xuống cấp nghiêm trọng.

Hơn 50% cơ sở không bảo đảm các yêu cầu, điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị tối thiểu để thực hiện quy trình chuyên môn về cai nghiện ma túy cũng như các điều kiện sinh hoạt cho người cai nghiện ma túy.

Đến nay, có rất ít tỉnh quan tâm, bố trí kinh phí cho việc nâng cấp, sửa chữa, đầu tư trang thiết bị cho CSCN theo quy định Nghị định 116/2021/NĐ-CP.

Số lượng viên chức, người lao động làm việc tại CSCN thiếu so với quy định, trong khi do tính chất đặc thù của công việc, nên viên chức, người lao động thường xuyên phải trực, làm việc nhiều thời gian hơn so với quy định; chính sách, chế độ thu hút người lao động vào làm việc tại CSCN còn hạn chế, chưa thực sự hấp dẫn… Nhiều địa phương không tuyển được người vào làm việc tại CSCN, không nâng cao được chất lượng, hiệu quả công tác cai nghiện bắt buộc.

Người nghiện ma túy vào cai nghiện phần lớn có trình độ hạn chế, gần 40% đã có tiền án, tiền sự và khoảng 25% nhiễm HIV, lao, viêm gan A, B… không có tính hợp tác trong cai nghiện nên việc quản lý, giáo dục học viên gặp khó khăn… Nhiều học viên thường xuyên có hành vi chống đối.

Để từng bước khắc phục, giải quyết cơ bản khó khăn trên, Cục đã tham mưu Bộ LĐ-TB&XH, Chính phủ có một số chỉ đạo.

Thứ nhất, UBND các tỉnh, thành rà soát, đánh giá thực trạng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện tại các CSCN; đánh giá nhu cầu cai nghiện, xây dựng phương án hoàn thiện CSCN theo đúng quy định.

Thứ hai, rà soát, đánh giá thực trạng viên chức, người lao động trong các CSCN, đồng thời xây dựng đề án vị trí việc làm, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ viên chức, người lao động tại các CSCN trong bối cảnh không được tăng biên chế.

Thứ ba, các CSCN phải chủ động, tăng cường phối hợp với cơ quan công an, y tế địa phương các tổ chức có liên quan nhằm bảo đảm an ninh trật tự; phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng thẩm lậu, mua bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy tại các CSCN; tăng cường kiểm tra, giám sát không để xảy ra tình trạng kích động, gây rối, bỏ trốn tập thể ra khỏi CSCN.

Đọc thêm