Thực hiện chủ trương của ngành Giáo dục và Đào tạo về sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục, năm học 2024-2025, Phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông đã chỉ đạo các đơn vị trường tiến hành rà soát các lớp học ở thôn có khoảng cách gần trường, số học sinh học ít thì phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động phụ huynh thống nhất đưa con em về học tập ở trường trung tâm nhằm quản lý hơn việc giảng dạy, học tập của học sinh.
Khi các cháu về học tập ở điểm trung tâm thì sẽ được hưởng chế độ bán trú (ăn trưa) để tham gia học tập tốt hơn buổi thứ hai trong ngày. Sau thời gian vận động, đến nay đã có 4 đơn vị trường thực hiện sáp nhập 4 điểm trường thôn về trung tâm gồm: Trường TH-THCS BT xã Đắk Sao; Trường TH-THCS BT xã Tu Mơ Rông; Trường Mầm Non xã Đăk Na; Trường Mầm Non xã Tu Mơ Rông.
Tuy nhiên, việc sáp nhập cũng để lại một vấn đề khó tháo gỡ là một số điểm trường bị sáp nhập hiện vẫn chưa được sắp xếp sử dụng vào mục đích khác. Sau một thời gian bị bỏ trống, các điểm trường này có hiện tượng xuống cấp, hư hỏng; gây tình trạng lãng phí nguồn kinh phí Nhà nước đầu tư xây dựng các điểm trường trên…
Điểm trường Kạch Lớn 2 thuộc trường PTDTBT TH - THCS xã Đăk Sao; huyện Tu Mơ Rông đang bị bỏ trống. |
Ông Lê Văn Hoàng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tu Mơ Rông cho biết: Sau khi các đơn vị trường hoàn thành việc sáp nhập, phòng GD&ĐT đã chỉ đạo các đơn vị trường tiến hành đánh giá hiện trạng, làm việc với chính quyền địa phương và thôn để phối hợp quản lý cơ sở vật chất các điểm trường, đồng thời báo cáo bằng văn bản về phòng GD&ĐT về hiện trạng, nhu cầu và đề xuất hướng xử lý tài sản không còn sử dụng. Tuy nhiên, 2/4 điểm trường do được đầu tư từ lâu và thời gian dài không sử dụng, không có người trông coi, vệ sinh hàng ngày nên có dấu hiệu xuống cấp.
“Để đảm bảo các tài sản được tiếp tục khai thác, sử dụng, căn cứ đề xuất của các đơn vị trường, Phòng GD&ĐT đang hoàn thiện hồ sơ trình UBND huyện xem xét thống nhất phương án bàn giao các điểm trường về UBND cấp xã quản lý”, ông Hoàng nói.