Hành vi táo tợn
Công an huyện Quế Sơn (Quảng Nam) đã làm rõ vụ cướp tài sản táo tợn xảy ra trên địa bàn xã Quế Long (huyện Quế Sơn).
Trước đó, tối ngày 20/4, cụ bà Phan Thị Xuyến (SN 1935, trú thôn Lãnh An, xã Quế Long) đang xem TV ở trong nhà thì bất ngờ nghe tiếng động lạ trước sân. Cụ Xuyến mở cửa ra xem có chuyện gì thì lập tức bị một đối tượng lạ mặt lao vào kẹp cổ. Liền sau đó, cụ Xuyến thấy một đối tượng khác xuất hiện, cả 2 tên nhanh chóng lôi cụ Xuyến vào trong nhà.
Tuổi cao, sức yếu, cụ Xuyến không thể nào chống cự nổi hai tên thanh niên trẻ. Sau khi lôi cụ già vào trong nhà, 2 đối tượng lục lọi trên người cụ và lấy đi chiếc túi ni-lông, bên trong có hơn 800 ngàn đồng. Sau khi cướp tài sản, 2 đối tượng chạy ra xe máy để sẵn bên ngoài tẩu thoát. Về phần cụ Xuyến, khi 2 đối tượng đã đi khỏi cụ mới hoàn hồn, cố lê ra sân cầu cứu bà con xung quanh.
Nhận được tin báo, Công an huyện Quế Sơn đã khẩn trương vào cuộc điều tra làm rõ. Quá trình khám nghiệm hiện trường và khai thác thông tin ban đầu, các điều tra viên không thu được nhiều kết quả. Bởi, vụ việc xảy ra vào ban đêm, không có dấu vết gì. Nạn nhân lúc ấy ở nhà một mình, lại tuổi cao nên không thể nhận dạng được 2 đối tượng nói trên.
Tiến hành xác minh, sàng lọc các đối tượng hình sự nổi trên địa bàn, cơ quan công an đưa vào diện nghi vấn đặc biệt 2 đối tượng Lê Công Hiếu (SN 2003) và Nguyễn Tấn Trung (SN 1999, cùng trú thôn Lãnh An, xã Quế Long). Sau khi thu thập đầy đủ chứng cứ, Công an huyện Quế Sơn đã tiến hành mời 2 đối tượng này về làm việc.
Tại cơ quan công an, lúc đầu cả Hiếu và Trung đều tỏ ra “ngơ ngác” không biết nguyên nhân bị triệu tập. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa bằng chứng ngoại phạm trong buổi tối ngày 20/4, cả hai đều không thể trả lời rành mạch. Biết không có đường thoát, hai gã thanh niên đã cúi đầu khai nhận hành vi phạm pháp.
Theo lời khai của các đối tượng, khoảng 18h15 ngày 20/4, Hiếu đi bộ đến nhà của Trung thì gặp lúc Trung vừa đi làm đồng về, Hiếu liền rủ Trung đi đến nhà bà Nga (trú cùng thôn) để lấy trộm tiền. Trung đồng ý và điều khiển xe máy của gia đình để chở Hiếu đến nhà bà Nga.
Đối tượng Hiếu |
Tuy nhiên, khi đến nơi thì nhà người phụ nữ này đóng cửa. Quyết thực hiện bằng được kế hoạch trộm tiền, biết cụ Xuyến cùng thôn thường ở nhà một mình nên Trung điều khiển xe máy chở Hiếu đến để ra tay.
Đến nơi, Trung dựng xe máy gần cổng nhà cụ Xuyến rồi cả hai đi bộ vòng ra phía sau nhà người phụ nữ này. Tại đây, Hiếu nhặt một hòn đá và nói với Trung: “Mi vào nấp vào sau cánh cửa, tao ném hòn đá xuống nền sân, bà Xuyến nghe tiếng động sẽ ra mở cửa. Lúc đó, mi kẹp cổ khống chế bà Xuyến, tao sẽ chạy vào lấy tiền trong túi áo bà ấy”.
Sau khi bàn bạc kỹ, hai đối tượng thực hiện y kế hoạch. Khi nghe tiếng động lạ, cụ Xuyến cẩn thận ra xem để đề phòng kẻ gian thì bị rơi vào “bẫy” của 2 gã thanh niên cùng làng.
Cuớp được bao đựng tiền của cụ Xuyến, Hiếu và Trung kiểm tra thấy bên trong có 837 ngàn đồng. Sau khi thống nhất sáng hôm sau sẽ chia nhau số tiền cướp được, cả hai tên quay về nhà ngủ như chưa có chuyện gì xảy ra. Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, ngay ngày hôm sau, Trung và Hiếu đã bị lực lượng chức năng vạch mặt.
Đã đến lúc báo động tình trạng trẻ hóa tội phạm
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trẻ hóa tội phạm, có thể xuất phát từ hoàn cảnh gia đình của người phạm tội. Cha mẹ thiếu trách nhiệm trong việc chăm sóc, dạy dỗ con cái; quá nuông chiều hoặc quá kỳ vọng vào con cái đều có thể dẫn đến tình trạng trẻ hóa tội phạm. Đáng nói là cha mẹ nghiện ngập, cờ bạc, làm ăn phi pháp, có tiền án tiền sự, ly hôn, đánh đập con cái... cũng có thể dẫn đến việc các em bị lôi kéo vào con đường phạm pháp.
Đặc biệt, đối với tâm lý của các hung thủ còn ở tuổi vị thành niên cũng là một nguyên nhân quan trọng. Tuổi này đang phát triển về tâm sinh lý và nhân cách, còn non nớt về nhận thức nên dễ bị tác động từ môi trường sống. Do đó, khi không được gia đình, nhà trường quan tâm giáo dục, dạy dỗ sẽ dẫn tới dễ bị lôi kéo, lợi dụng để phạm tội.
Bên cạnh đó là sự thay đổi quá nhanh của môi trường xã hội, cùng với các loại hình tội phạm như: Trộm cắp, ma túy, mại dâm... Sự bùng nổ của công nghệ thông tin đã khiến một bộ phận giới trẻ lâm vào tình trạng sống ảo, nhận thức lệch lạc về giá trị cuộc sống, bị lôi cuốn vào các trò chơi thiếu lành mạnh, bạo lực, nhận thức về hành vi pháp luật kém.
Và hậu quả, tồn tại trong xã hội hiện nay là một bộ phận giới trẻ có tư tưởng coi thường pháp luật, coi thường mạng sống của người khác và của chính mình. Họ sẵn sàng làm mọi việc để có thể thỏa mãn các nhu cầu của bản thân, bất chấp nhu cầu đó có chính đáng hay không, việc làm của mình có phạm pháp hay không.
Đây là một thực trạng đáng báo động đối với các gia đình, nhà trường và toàn xã hội khi không có những biện pháp giáo dục, định hướng cho giới trẻ một cách đầy đủ trong môi trường hội nhập và toàn cầu hóa mạnh mẽ như hiện nay. Hệ quả tất yếu là những vụ thảm án như chúng ta đã biết.
Từ tình trạng tội phạm ngày một trẻ, phức tạp và đang gia tăng ở mức “báo động”, cùng tính chất hung bạo của đối tượng gây án khi tuổi đời còn khá trẻ đang thực sự là một “vấn nạn”, một bài toán hóc búa đặt ra cho toàn xã hội.
Thiết nghĩ, để nhận biết và phòng ngừa những sát thủ ở độ tuổi này, thì vai trò của gia đình, nhà trường, các tổ chức đoàn thể xã hội là yếu tố quan trọng. Chúng ta phải kịp thời nắm bắt được tâm lý của con em mình, giúp cho các em vượt qua những cú sốc về tâm lý và tình cảm, trong đó có tình yêu nam nữ.
Đặc biệt, không nên quá nuông chiều về vật chất cũng như tinh thần; đồng thời cần đẩy mạnh tuyên truyền giáo dục, nâng cao nhận thức pháp luật trong nhà trường, xã hội, đặc biệt đối với giới trẻ. Bên cạnh đó, các cơ quan an ninh, cơ quan bảo vệ pháp luật cần tiếp tục tăng cường hơn nữa các biện pháp nghiệp vụ trong công tác đảm bảo an ninh trật tự, trấn áp tội phạm nhằm bảo vệ cuộc sống bình yên cho nhân dân.