Đã tinh giản biên chế 34.663 người
Tại cuộc họp báo, Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, thời gian qua, công tác kiểm tra cải cách hành chính đã được các bộ, ngành, địa phương quan tâm chỉ đạo thực hiện. Trong quý I/2018, nhiều nơi đã tổ chức các đoàn kiểm tra công vụ đột xuất tại các cơ quan, đơn vị trực thuộc, qua đó đã phát hiện và kịp thời chấn chỉnh, xử lý đối với những trường hợp vi phạm giờ giấc làm việc, kỷ luật kỷ cương hành chính. Một số đơn vị làm tốt công tác này là Hà Nội, Cần Thơ, Bắc Kạn, Vĩnh Phúc, Hưng Yên, TP Hồ Chí Minh. Tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết từng bước được khắc phục, giảm 20,59% so với cùng kỳ năm 2017.
Về thực hiện Chỉ thị số 02/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho hay, báo cáo của 29 Bộ, ngành và 57 địa phương cho thấy, sau một năm thực hiện Chỉ thị số 02 của Thủ tướng Chính phủ, đến nay, đa số các Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế của từng cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý và Đề án tinh giản biên chế Bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016-2021 và của từng năm theo đúng chỉ đạo tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, Quyết định số 2218/QĐ-TTg và Chỉ thị số 02/CT-Thủ tướng.
Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số Bộ, ngành, địa phương chưa phê duyệt Đề án tinh giản biên chế Bộ, ngành, địa phương mình giai đoạn 2016-2021; một số Bộ, ngành, địa phương đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế nhưng kết quả thực hiện tinh giản biên chế đến hết năm 2017 còn thấp. “Tổng số người tinh giản biên chế theo Nghị định số 108/2014/NĐ-CP từ năm 2015 đến ngày 28/2/2018 là 34.663 người. Tính đến thời điểm 28/2/2018, theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương, số người nghỉ hưu đúng tuổi, thôi việc theo quy định của pháp luật là 6.832 người”, ông Thành thông tin.
Bộ Nội vụ cũng đề cập đến tình trạng một số địa phương sử dụng biên chế công chức vượt so với chỉ tiêu biên chế công chức được Trung ương giao hàng năm; tình trạng tự ký hợp đồng làm chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập vẫn diễn ra phổ biến ở các bộ, ngành, địa phương. Công tác thống kê, báo cáo về quản lý, sử dụng biên chế công chức, số lượng người làm việc trong đơn vị sự nghiệp công lập tại một số bộ, ngành, địa phương chưa kịp thời.
Điều tra dấu hiệu tiêu cực vụ 500 giáo viên tại Đắk Lắk
Cũng tại cuộc họp báo, Bộ Nội vụ đã thông tin về một số vấn đề dư luận quan tâm, trong đó có việc một số phương tiện thông tin, truyền thông có phản ảnh về việc 500 giáo viên tại huyện Krông Pắc, tỉnh Đắk Lắk sắp mất việc làm. Người phát ngôn Bộ Nội vụ Nguyễn Tiến Thành cho biết, Bộ Nội vụ đã kịp thời có Công văn số 1014 ngày 14/3/2018 đề nghị Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh Đắk Lắk khẩn trương kiểm tra, rà soát, báo cáo về nội dung của sự việc và các giải pháp xử lý. Ngày 15/3/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Báo cáo số 45 về tình hình liên quan đến hợp đồng lao động ngoài chỉ tiêu biên chế được giao tại đơn vị sự nghiệp giáo dục thuộc UBND huyện Krông Pắc.
Theo báo cáo của tỉnh Đắk Lắk, qua rà soát, UBND huyện Krông Pắc xác định trong 578 trường hợp hợp đồng lao động có 370 trường hợp đủ điều kiện để nộp hồ sơ đăng ký tuyển dụng, 208 trường hợp không có vị trí việc làm để nộp hồ sơ tuyển dụng (không đủ điều kiện nộp hồ sơ). Theo phương án tuyển dụng viên chức trong các cơ sở giáo dục công lập thuộc UBND huyện Krông Pắc năm 2017 đã được phê duyệt, đối với những giáo viên không đủ điều kiện nộp hồ sơ hoặc không có vị trí tuyển dụng, UBND huyện Krông Pắc thực hiện chấm dứt hợp đồng theo quy định.
Để giải quyết vấn đề trước mắt nhằm ổn định tình hình địa phương, đảm bảo quyền lợi cho người lao động theo quy định của pháp luật và không để các thế lực thù địch lợi dụng làm phức tạp tình hình, gây mất trật tự, an toàn xã hội, ngày 11/3/2018, UBND tỉnh Đắk Lắk đã có Công văn số 1824 về việc xử lý vấn đề liên quan đến việc chấm dứt hợp đồng giáo viên không được phân bổ chỉ tiêu tuyển dụng năm 2017 của huyện Krông Pắc. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Đắk Lắk, UBND huyện Krông Pắc đã tạm dừng việc thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đối với các trường hợp không đủ điều kiện nộp hồ sơ dự tuyển và không có vị trí tuyển dụng. UBND tỉnh Đắk Lắk đang tiếp tục đôn đốc UBND huyện Krông Pắc và các sở, ngành liên quan khẩn trương rà soát và đề xuất UBND tỉnh xem xét, báo cáo cấp có thẩm quyền phương án tối ưu nhất để giải quyết các vấn đề hợp đồng giáo viên ngoài chỉ tiêu biên chế của huyện Krông Pắc.
Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk khẩn trương xử lý vụ việc theo thẩm quyền, đồng thời bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đối với nội dung báo chí nêu là phát hiện có dấu hiệu tiêu cực để có suất dạy hợp đồng tại các trường trên địa bàn huyện Krông Pắc, Bộ Nội vụ đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc, kiểm tra, điều tra. “Nếu có sẽ xử lý theo quy định của pháp luật”, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nhấn mạnh.
Cũng tại cuộc họp báo, Người phát ngôn Bộ Nội vụ cho biết, trong thời gian qua, nhiều Bộ, ngành khi xây dựng Luật chuyên ngành đã đưa quy định về tiền lương (cả phụ cấp) làm phá vỡ thiết kế ban đầu của chế độ tiền lương trong hệ thống chính trị, làm phát sinh bất hợp lý giữa các ngành, nghề.
Hiện nay, Ban Chỉ đạo Trung ương về nghiên cứu cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công do Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ làm Trưởng ban đang xây dựng Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Hội nghị Trung ương 7 khóa XII. Vì vậy, đề nghị không quy định tiền lương của nhà giáo tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục để nghiên cứu, xây dựng ban hành đồng bộ với chế độ tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trong hệ thống chính trị, bảo đảm tương quan chung, phù hợp với khả năng ngân sách nhà nước.