Đây có thể coi là những bước đi đầu tiên về tổ chức bộ máy trong tiến trình cải cách hành chính mang tính chất thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, xem xét hiệu quả thực tế do sự thu gọn đầu mối này mang lại. Chính vì thế, tuy sáp nhập nhưng biên chế, hoạt động vẫn giữ nguyên, sử dụng cả hai con dấu. Có nghĩa là vẫn thực hiện những chức năng riêng biệt của hai cơ quan Đảng và Chính quyền, chỉ thu về một đầu mối và giảm được một “ghế” Trưởng phòng.
Tuy nhiên, với những nhiệm vụ tương đồng là cùng một hoạt động về công tác tổ chức cán bộ và thanh tra, kiểm tra, như vậy, sự thống nhất sẽ cao hơn và chí ít loại bỏ được sự chồng chéo, tiết kiệm thời gian. Từ đó, sẽ giảm được biên chế và tăng cường một cách thực chất hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cơ quan công quyền.
Từ lâu nay, ai cũng nhận ra sự cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ trong bộ máy quản lý nhà nước của chúng ta và liên tục có những ý kiến đề xuất, hiến kế nhằm thu gọn đầu mối, tinh giản biên chế. Song, trên thực tế thì mọi việc diễn ra có phần ngược lại. Giờ đây, tình trạng đó cần chấm dứt và phải chấm dứt thì đất nước mới có thể bứt phá mà “hóa hổ, hóa rồng”, bằng anh, bằng em trong khu vực. Chắc hẳn, những cán bộ tâm huyết với sự nghiệp “dân giàu, nước mạnh” đều nghĩ như vậy.
Quảng Ninh là hình ảnh thu nhỏ của Tổ quốc ta: Có rừng, có biển, có biên giới, hải đảo, có núi non và có đồng bằng, có khoáng sản và tài nguyên thiên nhiên, có danh thắng nổi tiếng thế giới, có các dân tộc khác nhau chung sống. Nay, Quảng Ninh đi đầu trong việc thực hiện chủ trương cải cách hành chính, ứng dụng vào thực tế với những điều kiện xã hội phù hợp, mong rằng, việc thí điểm này thành công và từ kết quả thu được ở Quảng Ninh nhân rộng ra cả nước.