Chiều 31/1, Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai thông tin về các ca tổn thương phổi cấp do thuốc lá điện tử.
Trường hợp thứ nhất là một nam bệnh nhân 32 tuổi nhập viện do đột ngột bị khó thở và cảm giác tức ngực. Bệnh nhân cấp cứu đến Bệnh viện Bà Rịa - Vũng Tàu và được chẩn đoán, theo dõi choáng tim, viêm cơ tim cấp, tổn thương thận cấp… Sau đó, bệnh nhân được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM trong tình trạng nhịp tim nhanh, suy hô hấp nặng hơn. Tại đây, bệnh nhân được đặt nội khí quản và thở máy.
Trước đó, bệnh nhân hoàn toàn khỏe mạnh, không có bệnh mãn tính. Tuy nhiên, thời gian gần đây, bệnh nhân mua và sử dụng thuốc lá điện tử nhiều hơn trước. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có đi chơi đêm trong một quán bar. Tại đây, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử suốt cả đêm. Đến gần sáng, bệnh nhân bị nôn mửa, mệt mỏi và phải nhập viện.
Trường hợp thứ hai là nam bệnh nhân 17 tuổi nhập viện do khó thở đột ngột, đau nặng ngực, choáng váng. Bệnh nhân được cấp cứu vào Bệnh viện Đại học Y dược TP HCM. Trước đó, bệnh nhân này hoàn toàn khỏe mạnh. Bệnh nhân ngừng hút thuốc lá điện tử được một năm. Gần đây, bệnh nhân hút thuốc lá điện tử trở lại khoảng 2-3 tháng với liều lượng tăng gấp đôi so với bình thường, thậm chí hút kết hợp cùng với thuốc lá điếu thông thường. Trước khi nhập viện, bệnh nhân có chơi game và hút thuốc lá điện tử liên tục trong phòng điều hòa.
Qua 2 ca bệnh trên, bác sĩ Doãn Uyên Vy, chuyên gia về độc chất của Bệnh viện Chợ Rẫy TP HCM cho biết, ban đầu khi tiếp nhận bệnh nhân, các bác sĩ chỉ nghĩ đến bệnh lý nội khoa. Sau khi khai thác tiểu sử mới biết bệnh nhân hút thuốc lá điện tử.
Các bác sĩ cũng đặt ra câu hỏi, tại sao trước đó bệnh nhân cũng hút thuốc lá điện tử mà không gây ra tình trạng trên. Sau khi tìm hiểu các bác sĩ nhận ra việc hút thuốc lá điện tử trong phòng kín, hay phòng điều hòa là yếu tố làm cho bụi mụn trong khói thuốc dễ đi vào sâu phế nang, phổi hơn khiến bệnh nhân bị EVALI (tổn thương phổi cấp liên quan đến thuốc lá điện tử).
Thông tin thêm về vấn đề này, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai, EVALI là bệnh nguy hiểm, tất cả bệnh nhân đều phải nhập viện với tỷ lệ 76% phải hỗ trợ thở oxy, 22% thở máy không xâm nhập, 26% đặt ống nội khí quản, một số ca phải can thiệp ECMO (hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể). Khi hồi phục, 25-85% bị di chứng xơ phổi với các mức độ khác nhau, rối loạn khuyếch tán kéo dài ít nhất 2 tháng.
Triệu chứng của EVALI xuất hiện hàng giờ, hàng tuần trước khi nhập viện, gồm khó thở, ho, đau ngực, tiêu chảy, đau bụng, sốt, mệt. Sau đó, các chỉ số như máu lắng, bạch cầu đều tăng, ảnh chụp X-quang cho thấy phổi tổn thương.
“Hút thuốc lá điện tử phát sinh các bệnh hay ngộ độc mới nổi, thậm chí y học chưa biết, không thể đoán trước, thay đổi liên tục, không thể giải quyết hậu quả và tăng gánh nặng xã hội”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trên thế giới chưa có bằng chứng chứng minh thuốc lá điện tử giúp cai nghiện thuốc lá. Tại Báo cáo về Đại dịch thuốc lá toàn cầu năm 2019, WHO cũng đã kết luận: “Không giống như các dược phẩm chứa và không chứa nicotine đã được thử nghiệm có tác dụng giúp bỏ thuốc lá, WHO không xác nhận thuốc lá điện tử giúp hỗ trợ cai nghiện".