2 tỉ người trên thế giới uống nước ô nhiễm

(PLO) - Tổ chức y tế thế giới (WHO) ngày 13/4 khuyến cáo cần phải có những cải thiện nhanh chóng để đảm bảo người dân trên toàn thế giới tiếp cận được nước sạch và vệ sinh trong bối cảnh trên toàn cầu hiện có gần 2 tỉ người sử dụng nước nhiễm phân.  
Ảnh minh họa.

Theo WHO, hàng trăm ngàn người trên thế giới tử vong mỗi năm vì buộc phải uống nước bị ô nhiễm.

“Hiện nay, gần 2 tỉ người đang sử dụng nguồn nước bị nhiễm phân, khiến họ co nguy cơ mắc các bệnh tả, kiết lỵ, thương hàn và bại liệt”, bà Maria Neira, người đứng đầu bọ phận sức khỏe cộng đồng của WHO, nhấn mạnh trong một tuyên bố.

Bà Neira cho biết thêm rằng, ước tính, nước uống bị ô nhiễm là nguyên nhân dẫn tới hơn 500.000 trường hợp tử vong do tiêu chảy mỗi năm và là một yếu tố chính trong một số bệnh nhiệt đới khác như giun đường ruột, bệnh sáng máng và đau mắt hột.

Năm 2015, Đại hội đồng LHQ đã thông qua Các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs)b bao gồm một loạt những mục tiêu để xóa bỏ đói nghèo và tăng cường phúc lợi cho con người, trong đó có cam đảm bảo tiếp cận nước an toàn, hợp vệ sinh và giá rẻ cho mọi người vào năm 2030.

Tuy nhiên, theo báo cáo vừa được WHO công bố, các nước sẽ không thể đạt được mục tiêu này nếu không tích cực tăng cường đầu tư vào hệ thống nguồn nước.

Báo cáo nhấn mạnh khoảng 80% các nước trên thế giới hiện thừa nhận tài chính của họ vẫn chưa đủ để đáp ứng mục tiêu quốc gia về tăng cường khả năng tiếp cận nước sạch và vệ sinh cho người dân.

“Ở nhiều nước đang phát triển, mục tiêu quốc gia hiện có được đưa ra dựa trên việc tiếp cận các cơ sở hạ tầng cơ bản nhưng không yêu cầu nguồn cung phải liên tục và an toàn”, báo cáo cho hay.

Trong khi đó, theo Ngân hàng thế giới, đầu tư vào cơ sở hạ tầng của thế giới sẽ cần phải tăng gấp 3, lên thành 114 tỉ USD mỗi năm, mới có thể đảm bảo đạt được các mục tiêu SDGs.