Phú Thọ: Nước suối Cái bị ô nhiễm người dân không dám rửa tay chân

(PLO) - Nhà máy giấy Thuận Phát thuộc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Thuận Phát và cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Đinh Tiến Lập đóng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình xả thải ra suối Cái các xã vùng hạ lưu thuộc huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) khiến người dân ngày đêm phải gồng mình sống chung với cảnh nguồn nước suối bị ô nhiễm kéo dài.
Nước Đập tràn suối Cái ô nhiễm. Ảnh: Xuân Hồng.
Nước Đập tràn suối Cái ô nhiễm. Ảnh: Xuân Hồng.

Suối Đập Tràn chảy từ xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, Hòa Bình - nơi có một nhà máy giấy nằm ngay đầu nguồn.

Trao đổi với PV, anh Nguyễn Trung Kiên, khu 1, xã Yên Lương, Thanh Sơn, chia sẻ: "Trung bình một tháng, từ thượng nguồn dòng nước đen và ngầu bọt (không có mùi) chảy xuống khoảng 3-4 lần. Khu 1 và khu 2 nước suối bị ô nhiễm nặng nề, nhất khi dòng nước đen và ngầu bọt như xà phòng kéo dài nhiều ngày liền, chỉ đến khi có mưa lũ mới trôi hết. Nhưng cũng chỉ sau một thời gian, tình trạng ô nhiễm lại tiếp tục. Nhiều năm nay nước suối Cái đã có màu bồ hóng, đen kìn kịt, mùi hôi thối nồng nặc khó chịu... Có thời gian, nước ô nhiễm khiến cá, tôm chết nổi lềnh bềnh trắng bờ. Nhiều nhà có ao cá dọc suối, cứ thấy nước có bọt trắng là phải đóng cửa cống, nếu không… cá, tôm chết hàng loạt, bao nhiêu công sức công cốc hết!".

"Trước đây, người dân vẫn dùng nước suối để ăn, tắm, giặt, sản xuất nông nghiệp… nhưng nay đến không dám rửa chân tay, vì rửa nước suối vào là bị nổi mẩn ngứa. Do đó, nguồn nước để sinh hoạt rất khó khăn… Không chỉ cá tôm chết, cây lúa, cây ngô trồng dọc bờ suối cũng giảm năng suất, cây còi cọc khó lớn…". - Anh Kiên bức xúc cho biết thêm.

Thêm một phản ánh của bà Đinh Thị Sen người dân xã Yên Lương, việc ô nhiễm kéo dài ở suối Đập Tràn chính quyền địa phương đã biết. Bản thân người dân đã nhiều lần kiến nghị giải pháp tại các cuộc họp khu dân cư, tiếp xúc cử tri… nhưng rồi mọi chuyện vẫn như cũ. Dân cứ kêu, còn dòng suối gắn với đời sống sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp của hàng trăm hộ dân vẫn tiếp tục ô nhiễm nghiêm trọng, nguồn sinh thủy cạn kiệt… 

Ông Đinh Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Yên Lương cho hay, chính quyền và bà con nhân dân rất bức xúc. Nhiều lần xã đã báo cáo lên cấp trên để tìm phương án xử lý dứt điểm việc gây ô nhiễm nguồn nước nhưng cho đến nay vẫn chưa tìm được giải pháp để hạn chế một cách triệt để.

Nước suối Cái ô nhiễm. Ảnh: Xuân Hồng.
Nước suối Cái ô nhiễm. Ảnh: Xuân Hồng.

Tại công văn số 220/ TNMT–CCMT của sở TNMT tỉnh Phú Thọ, ngày 09/2/2017 nêu rõ: "Để tăng cường các biện pháp bảo vệ nguồn nước khu vực hạ lưu suối Cái, Sở TNMT Phú Thọ đề nghị Sở TNMT tỉnh Hòa Bình chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các nguồn thải có hoạt động xả thải vào suối Cái đoạn chảy qua địa phận tỉnh Hòa Bình đảm bảo nước thải được xử lý đáp ứng các quy chuẩn hiện hành, đặc biệt đối với nhà máy giấy Thuận Phát thuộc Công ty TNHH sản xuất và Thương mại Thuận Phát và cơ sở chế biến tinh bột sắn của ông Đinh Tiến Lập đóng trên địa bàn".

Trao đổi với PV Báo Pháp luật Việt Nam, ông Nguyễn Hữu Tám, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Thanh Sơn cho biết, suối Đập Tràn bị ô nhiễm nhiều năm nay là có thật. Huyện đã biết và đã nhiều lần làm việc với chính quyền cũng như Nhà máy giấy nơi đầu nguồn nước để cùng bàn biện pháp giảm thiểu ô nhiễm. 

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, hai địa phương chưa tìm được tiếng nói chung trong việc khắc phục. Lý do Nhà máy giấy được cấp phép xả thải, còn việc kiểm tra lại không thuộc thẩm quyền của huyện… Vì vậy, câu chuyện ô nhiễm kéo dài ở suối Đập Tràn sẽ vẫn còn tiếp diễn trong thời gian tới. 

Người dân trên địa bàn huyện Thanh Sơn ngày đêm mong muốn các cấp chính quyền hai tỉnh  cần sớm có biện pháp ngăn chặn triệt để, xử lý để nguồn nước suối Cái này không ô nhiễm nữa!...

Đọc thêm