20 năm triển khai Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị: Kiều bào đồng hành cùng sự phát triển của đất nước - Kỳ 4: Hoàn thiện cơ chế để kiều bào đóng góp hơn nữa

(PLVN) - Nghị quyết số 36 của Bộ Chính trị đã mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy, huy động nguồn lực to lớn của người Việt Nam ở nước ngoài tham gia xây dựng đất nước. Qua đó, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chung tay hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đề ra.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng. (Ảnh: Dương Tiêu).

Báo Pháp luật Việt Nam phỏng vấn Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNƠNN) Lê Thị Thu Hằng về ý nghĩa của Nghị quyết và các giải pháp để phát huy hiệu quả hơn nguồn lực kiều bào trong thời gian tới.

- Thưa Thứ trưởng, năm 2024 đánh dấu 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác NVNƠNN (Nghị quyết số 36). Nhìn lại chặng đường vừa qua, bà đánh giá như thế nào về ý nghĩa của Nghị quyết trong việc tăng cường đại đoàn kết dân tộc?

- Nghị quyết số 36 là Nghị quyết mang dấu ấn bước ngoặt của công tác đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc. Những tư tưởng đột phá, cởi mở của Nghị quyết như “NVNƠNN là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam”; “công tác đối với NVNƠNN cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc”; “công tác NVNƠNN là trách nhiệm của toàn bộ hệ thống chính trị và của toàn dân”… thể hiện tư duy đổi mới của Đảng ta trong công tác NVNƠNN nói chung và công tác đại đoàn kết đối với NVNƠNN nói riêng.

Sau 20 năm triển khai Nghị quyết số 36, công tác NVNƠNN đã đạt được những kết quả nổi bật. Thứ nhất, Nghị quyết số 36 đã giúp nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm trong việc triển khai công tác đối với NVNƠNN từ cả hai chiều. Ở trong nước, công tác NVNƠNN thực sự trở thành nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, từ trung ương đến địa phương. Về phía kiều bào, Nghị quyết được đông đảo kiều bào đón nhận, ủng hộ, hưởng ứng thực hiện. Kiều bào không chỉ là đối tượng thụ hưởng các chủ trương, chính sách của Nghị quyết số 36, mà còn là chủ thể tích cực triển khai.

Thứ hai, công tác tham mưu, kiến nghị, xây dựng chính sách liên quan đến NVNƠNN được chú trọng, triển khai toàn diện, trên cả phương diện lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Thứ ba, công tác đại đoàn kết, vận động NVNƠNN hướng về quê hương đã đạt được những kết quả quan trọng. Kiều bào được tạo điều kiện tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề quan trọng của đất nước như góp ý vào các văn kiện Đại hội Đảng, các dự thảo luật, các chính sách lớn… Các hoạt động thường niên do Ủy ban Nhà nước về NVNƠNN tổ chức như: Xuân Quê hương, Đoàn kiều bào dự Giỗ Tổ Hùng Vương, thăm quân dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1, Trại hè dành cho thanh niên, sinh viên kiều bào… thường xuyên được đổi mới về nội dung và hình thức, thu hút sự tham gia của đông đảo kiều bào.

Thứ tư, công tác chăm lo, hỗ trợ cộng đồng NVNƠNN củng cố địa vị pháp lý, ổn định cuộc sống ở sở tại ngày càng được chú trọng. Qua đó, từng bước tạo những chuyển biến tích cực, giúp bà con nâng cao địa vị pháp lý, hội nhập và ổn định cuộc sống ở sở tại, kịp thời triển khai công tác bảo hộ công dân và hỗ trợ cộng đồng.

Thứ năm, công tác phát huy nguồn lực của NVNƠNN đóng góp cho sự phát triển của đất nước được đẩy mạnh. Các cơ quan trong và ngoài nước đã phối hợp tổ chức thành công nhiều hội thảo, hội nghị, diễn đàn doanh nghiệp, thành lập mạng lưới liên kết trí thức, doanh nhân NVNƠNN, thành lập các cơ chế để NVNƠNN tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn của đất nước; hỗ trợ tháo gỡ vướng mắc cho kiều bào khi về nước đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học; triển khai huy động NVNƠNN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài.

Thứ sáu, công tác giữ gìn tiếng Việt, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng được quan tâm. Bộ Ngoại giao phối hợp với các cơ quan trong và ngoài nước đã hỗ trợ sách giáo khoa, tài liệu dạy và học tiếng Việt, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ cho giáo viên kiều bào, vận động chính quyền sở tại đưa tiếng Việt vào chương trình giảng dạy của các trường phổ thông, đại học, cử các đoàn văn nghệ trong nước đi biểu diễn phục vụ kiều bào...

Thứ bảy, công tác thông tin đối ngoại đối với NVNƠNN được đổi mới về tư duy, nội dung và hình thức. Đáng chú ý, ngày càng nhiều phóng viên kiều bào về nước tác nghiệp, đưa tin, góp phần giúp cộng đồng nắm được những thông tin chính xác, khách quan về tình hình trong nước.

Nhìn chung, sau 20 năm triển khai Nghị quyết số 36, cộng đồng NVNƠNN ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước ngày càng tăng, qua đó góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đến nay, những chủ trương, quan điểm chỉ đạo của Nghị quyết vẫn còn nguyên giá trị và phù hợp để triển khai những nhiệm vụ về công tác NVNƠNN được Đại hội Đảng XIII đề ra.

- Thưa Thứ trưởng, Nghị quyết số 36 đã mở ra cánh cửa, thể chế hóa, hợp pháp hóa tạo điều kiện để bà con về kinh doanh, đầu tư như thế nào?

- Nghị quyết số 36 đã thực sự mở ra một giai đoạn mới trong việc phát huy, huy động nguồn lực to lớn của NVNƠNN tham gia xây dựng đất nước. Trong 20 năm qua, Đảng, Nhà nước đã chủ trương xây dựng, sửa đổi, bổ sung nhiều luật, quy định theo hướng tạo thuận lợi cao nhất cho kiều bào về thăm quê hương, thân nhân, sinh sống, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học - công nghệ… Điển hình như Luật Đất đai, Luật Căn cước, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đầu tư, Luật Quốc tịch Việt Nam, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Luật Khoa học và Công nghệ, Luật Giáo dục đại học và các biện pháp tạo thuận lợi về xuất nhập cảnh, lưu trú cho kiều bào.

Cùng với đó là các sáng kiến, cơ chế, chiến lược, đề án quan trọng như thành lập Trung tâm Sáng tạo đổi mới quốc gia và Mạng lưới Đổi mới sáng tạo Việt Nam, Chiến lược quốc gia Phát triển đội ngũ trí thức, Đề án Huy động NVNƠNN tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài, giai đoạn 2020 - 2024, Đề án phát huy nguồn lực NVNƠNN phục vụ đất nước trong tình hình mới…

Những chủ trương, chính sách, cơ chế đúng đắn này đã đi vào cuộc sống, cơ bản đã tạo “sân chơi” bình đẳng giữa doanh nghiệp kiều bào với các doanh nghiệp trong nước, giúp kiều bào an tâm đầu tư, làm ăn lâu dài tại Việt Nam. Các Bộ, ngành, địa phương cũng thường xuyên lắng nghe tâm tư, nguyện vọng chính đáng của kiều bào, tháo gỡ vướng mắc, chủ động giúp doanh nghiệp, doanh nhân kiều bào kết nối.

Về phần mình, chúng tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện hơn nữa khuôn khổ pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nhân kiều bào.

Đoàn kiều bào thăm, động viên quân, dân huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK-I năm 2024. (Ảnh: Dương Tiêu)

- Để phát huy nguồn lực, vai trò đồng hành của kiều bào đối với sự phát triển đất nước một cách hiệu quả nhất trong thời gian tới, cần tập trung vào những giải pháp nào, thưa Thứ trưởng?

- Tôi tin rằng đối với mỗi người Việt ta, dù có sinh sống ở đâu, làm công việc gì thì mong muốn được đóng góp cho quê hương, đất nước luôn là điều rất tự nhiên. Theo tôi, để phát huy hiệu quả hơn nguồn lực này trong thời gian tới, cần tập trung vào một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, nhóm các giải pháp chung nhằm tạo thuận lợi để bà con yên tâm trở về sinh sống, làm việc, bảo đảm các quyền và lợi ích thiết thân của kiều bào. Các luật mới được ban hành, sửa đổi, bổ sung với các quy định liên quan đến NVNƠNN đang và sẽ tiếp tục được các cơ quan chức năng cụ thể hóa, đưa vào triển khai trong thực tiễn, thường xuyên rà soát để kịp thời phát hiện và giải quyết những vướng mắc, tất cả nhằm mục đích tạo điều kiện thuận lợi nhất cho kiều bào ngày càng gắn bó với quê hương, đất nước.

Thứ hai, nhóm các giải pháp nhằm tạo môi trường ngày càng tốt hơn để bà con về nước làm việc, đầu tư, kinh doanh, hợp tác khoa học công nghệ, hoạt động văn hóa - xã hội, hoạt động từ thiện, nhân đạo như tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, các thủ tục hành chính, nhất là ở địa phương, bảo đảm bình đẳng, thuận lợi, minh bạch cho doanh nghiệp kiều bào; thường xuyên thông tin cho kiều bào về chủ trương, chính sách, lĩnh vực, dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư; định hướng để đầu tư, kiều hối đi vào những lĩnh vực, khu vực, dự án ưu tiên theo đúng định hướng phát triển của đất nước, địa phương và doanh nghiệp.

Đối với nguồn lực tri thức, khoa học công nghệ, nhân lực chất lượng cao, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục hoàn thiện chính sách phát huy nguồn lực, cả về trọng dụng và trọng đãi, cụ thể như các yếu tố về lương, cơ hội thăng tiến, những thuận lợi trong môi trường hoạt động khoa học công nghệ, những bài toán phù hợp của thị trường trong nước sẽ là động lực để kêu gọi bà con đóng góp cho đất nước.

Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tiếp tục kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả các cơ chế trao đổi thông tin, hợp tác linh hoạt để nhà khoa học, trí thức, chuyên gia NVNƠNN có thể tham gia đóng góp cả trực tiếp và từ xa; khuyến khích và tích cực hỗ trợ những sáng kiến của kiều bào liên quan lĩnh vực khoa học - công nghệ; tạo điều kiện việc làm, khởi nghiệp cho kiều bào trẻ, lao động Việt Nam ở nước ngoài sau khi trở về.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

Đọc thêm