200 người thiệt mạng trong cuộc chiến ma túy ở Bangladesh

(PLO) - Chỉ trong vòng 2 tháng kể từ khi bắt đầu chiến dịch hồi tháng 5, số người chết trong cuộc chiến tranh chống ma túy ở Bangladesh đã lên tới 200 người, trong khi 25.000 người khác đã bị bắt giữ. 
Cảnh sát và dân thường ẩu đả trong chiến dịch chống ma túy ở Bangladesh

Yaba là gì?

Theo AFP, Bangladesh đã phát động một chiến dịch trấn áp loại ma túy tổng hợp tên là Yaba. Đây là loại ma túy hỗn hợp gồm caffein rẻ tiền và 30% methamphetamine (ma túy đá), có tác dụng kích thích hệ thần kinh trung ương. Người sử dụng thường đun nóng viên thuốc trên giấy bạc và sau đó hít hơi từ thuốc viên nóng chảy. Họ cũng có thể nghiền viên thuốc thành bột và hít trực tiếp vào mũi.

Loại ma túy này tạo ra trạng thái siêu hưng phấn, khiến người dùng cảm thấy tràn trề năng lượng. Một người nghiện Yaba cho biết, có thể phải dùng đến 4 viên thuốc mỗi ngày và nó giúp họ tỉnh táo trong thời gian dài. Loại ma túy này đang phát triển mạnh mẽ và rộng khắp các thị trấn và làng mạc ở Bangladesh.

Yaba là loại viên nén nhỏ dễ dàng vận chuyển, buôn lậu. Các nhà sản xuất thường đóng dấu lên mỗi viên thuốc biểu tượng riêng như thương hiệu của mình. Ở Bangladesh, “R7” là phổ biến nhất, có giá 900 taka (11 USD)/viên, trong khi viên yaba nhãn hiệu “Controller” có giá  lên tới 2.000 taka (25 USD).

Hiện Bangladesh đang phải vật lộn với khoảng 7 triệu (trong tổng số 160 triệu dân) nghiện ma túy, chủ yếu là Yaba. Loại ma túy này không được sản xuất trực tiếp ở Bangladesh, tuy nhiên khoảng 40 triệu USD ma túy được chuyển vào quốc gia Nam Á này mỗi năm qua đường Myanmar. Chỉ trong năm 2017, giới chức chính quyền Bangladesh báo cáo đã thu giữ được khoảng 40 triệu viên Yaba nhưng con số thực tế có lẽ lớn hơn nhiều.

Vật lộn với ma túy

Theo tuyên bố của nữ Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina khi mới bắt đầu chiến dịch trấn áp ma túy, “tất cả những người chế tạo, buôn bán, vận chuyển và tiêu thụ ma túy đều có tội như nhau. Chúng ta sẽ giải cứu đất nước khỏi nanh vuốt của ma túy như cách chúng ta đã đánh bại lực lượng phiến quân”. 

Có ý kiến cho rằng, một bộ phận công chức Bangladesh tiếp tay cho giới buôn lậu để tuồn ma túy qua biên giới. Tuy nhiên, bác bỏ cáo buộc này, ông Soman Mondal, Trợ lý Giám đốc cơ quan kiểm soát ma túy ở Cox’s Bazar - thị trấn đánh cá ở Bangladesh - cho rằng, ma túy tổng hợp Yaba có thể đưa qua biên giới trót lọt nguyên nhân chính là do nhân sự quá mỏng. Bên cạnh đó, lực lượng biên phòng chỉ có mức lương 25 USD một tuần/người, thấp hơn mức thu nhập bình quân là 108 USD/một tháng/người.

Nhiều chính trị gia Bangladesh đang kêu gọi mạnh tay hơn nữa để dập tắt nạn buôn lậu Yaba. “Tôi sẽ ủng hộ việc áp dụng án tử hình đối với những kẻ buôn lậu Yaba và Chính phủ cần tăng thêm số lượng các cơ sở cai nghiện để diệt trừ tệ nạn này”, bà Najnin Sarwar Kaberi, Thư ký của Đảng Liên minh Awami nhấn mạnh.

Mới đây, Bộ trưởng Nội vụ Bangladesh Asaduzzaman Khan nói rằng, cuộc chiến này sẽ kéo dài cho đến khi nào ma túy được kiểm soát. Bản thân 200 người thiệt mạng được cho là cũng đều dính líu ít nhiều đến ma túy. Tên và địa điểm các nạn nhân tử vong xuất hiện dày đặc trên báo chí nhưng chi tiết lý do ít khi được công bố.

Theo nhà chức trách, nhiều trường hợp bị cảnh sát bắn chết là những người mới sa chân vào ma túy hay những tay buôn ma túy nhỏ lẻ. Một số trường hợp bị cáo buộc tàng trữ lượng lớn ma túy hay vũ khí hạng nhẹ. Hơn 25.000 người bị bắt đã nâng số lượng tù nhân của Bangladesh lên thành 89.589 người, gần gấp 2,5 lần so với bình thường. 

Bị chỉ trích

Chiến dịch chống ma túy tại Bangladesh bị chỉ trích là bỏ qua trình tự điều tra nghi phạm. Các tổ chức dân sự cáo buộc cuộc chiến chống ma túy chỉ nhắm vào những trường hợp nhỏ lẻ, trong khi bỏ qua những kẻ cầm đầu các đường dây ma túy lớn, có dính líu tới một số quan chức an ninh cấp cao. Các biện pháp mạnh tay của Chính phủ Bangladesh trong chiến dịch này cũng đang khiến nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền quan ngại.

Ông Meenakshi Ganguly - Giám đốc nhánh Nam Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền - cho rằng Chính phủ Bangladesh “cần lưu ý đến lo ngại của các gia đình và những nhà hoạt động rằng nhiều người đã chết dưới bàn tay của lực lượng thuộc Chính phủ mà không qua xét xử”.

Một số nhóm nhân quyền khác cũng nói rằng, trong số những nạn nhân, nhiều người thiệt mạng “oan” trong các cuộc ẩu đả bằng súng. Hồi tháng 6, Cao Ủy LHQ đặc trách nhân quyền Zeid Ra’ad al-Hussein cho biết, ông “đặc biệt lo lắng” về số lượng lớn nạn nhân chết liên quan đến cuộc chiến ma túy đang diễn ra ở Bangladesh.

Diễn biến tại Bangladesh đang được các tổ chức nhân quyền đem ra so sánh với cuộc chiến chống ma túy trong thời gian qua tại Philippines với điểm chung là số người thiệt mạng khá lớn, và hầu hết đều không qua xét xử. 

Đọc thêm