Phu nhân Melania Trump, ông Donald Trump và con trai Barron Trump tại Trung tâm Hội nghị quận Palm Beach ở West Palm Beach, Florida, ngày 6/11. (Nguồn: CNN)
Phát biểu tại West Palm Beach, Florida, ông Trump đã nói với đông đảo người ủng hộ rằng, khoảnh khắc này sẽ “giúp đất nước này chữa lành”, đồng thời hứa với người dân Mỹ - “mỗi ngày tôi sẽ chiến đấu vì các bạn”.
Trên sân khấu có sự hiện diện của các thành viên trong gia đình ông Trump và đội ngũ đồng hành tranh cử, bao gồm ứng cử viên Phó tổng thống J.D. Vance và Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, ông Trump tuyên bố sẽ mở ra “Thời kỳ hoàng kim của nước Mỹ”.
Theo ông, đây là một "chiến thắng to lớn cho người dân Mỹ, cho phép chúng ta đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại".
Ông Trump cũng đã cùng người ủng hộ ăn mừng chiến thắng của đảng Cộng hòa tại Thượng viện. Cựu tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Nước Mỹ đã trao cho chúng ta một nhiệm vụ chưa từng có và mạnh mẽ. Chúng ta đã giành lại quyền kiểm soát Thượng viện".
Bên cạnh đó, ông Trump cho rằng, đảng Cộng hòa "có vẻ như cũng sẽ giữ quyền kiểm soát Hạ viện”.
Fox News dự đoán, đảng Cộng hòa sẽ giành được ít nhất 51 ghế tại Thượng viện Mỹ, giúp họ kiểm soát được cơ quan này.
Tại Hạ viện, đảng Dân chủ hiện có 150 ghế và Đảng Cộng hòa là 182 ghế, một trong hai đảng phải giành được 218 ghế để chiếm đa số.
Hãng tin Reuters dẫn lời cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ngày 6/11 tuyên bố, chiến thắng của ứng cử viên đảng Cộng hòa Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ có thể là tin xấu đối với Ukraine, nhưng vẫn chưa rõ ông Trump có thể cắt giảm tài trợ của Washington cho cuộc xung đột đến mức nào.
Trên kênh Telegram, ông Medvedev - hiện là Phó chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga - cho rằng, chính quyền Ukraine nằm trong nhóm mà ông Trump có thể không muốn chi quá nhiều tiền.
Trong khi đó, hãng thông tấn AFP dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh nhấn mạnh: "Chúng tôi sẽ tiếp tục tiếp cận và xử lý quan hệ Trung Quốc-Mỹ dựa trên các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi”.
Về phía đồng minh châu Âu của Mỹ, cùng ngày, Pháp kêu gọi lục địa này phải sẵn sàng tự chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình, khi ông Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Người phát ngôn của chính phủ Pháp Maud Bregeon nêu rõ: “Chúng ta không được tự hỏi Mỹ sẽ làm gì, mà phải tự hỏi châu Âu có khả năng làm gì. Trong một số lĩnh vực quan trọng như quốc phòng, phục hồi công nghiệp, phi carbon hóa, chúng ta phải tự chịu trách nhiệm về vận mệnh của mình".
Một đồng minh khác của Mỹ, Nhật Bản, khẳng định sẽ xây dựng quan hệ tin cậy và hợp tác chặt chẽ với chính quyền mới ở Mỹ nhằm tăng cường liên minh an ninh song phương.
Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Hayashi Yoshimasa nhấn mạnh, liên minh này là “trục chính trong các chính sách đối ngoại và an ninh của Nhật Bản. Chúng tôi sẽ liên lạc chặt chẽ với chính quyền Mỹ tiếp theo để tăng cường hơn nữa khả năng răn đe và ứng phó của liên minh".
Theo ông Hayashi, Tokyo đã theo dõi sát cuộc bầu cử Mỹ và dự định sắp xếp sớm cuộc gặp giữa lãnh đạo hai nước, trong bối cảnh hai bên đang mở rộng hợp tác an ninh với các đối tác như Hàn Quốc và Australia để đối phó với các thách thức.