2020, năm của vị thế Việt Nam

(PLVN) - Năm 2020 là một năm đầy hứa hẹn với kinh tế Việt Nam khi Hiệp định Tự do thương mại với Liên minh Châu Âu (EVFTA) sẽ đi vào thực thi, Hiệp định Đối tác toàn diện khu vực (RCEF) giữa các nước chiếm đến 40% GDP toàn cầu sẽ được ký kết. Năm Chủ tịch ASEAN 2020 vì thế càng trở thành động lực lớn để Việt Nam vươn lên.
Năm ASEAN 2020: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”
Năm ASEAN 2020: “Gắn kết và Chủ động thích ứng”

Vai trò Chủ tịch ASEAN ngày càng quan trọng 

Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, khi kinh tế thế giới ngày càng có những diễn biến phức tạp, khó lường và tiềm ẩn nhiều nguy cơ không chỉ do căng thẳng thương mại mà còn bị tác động bởi các bất ổn chính trị cũng như mức độ tăng trưởng không duy trì được như trước.

Bên cạnh đó, nhiều diễn biến tạo ra các rào cản, gây chia rẽ trong hệ thống thương mại như chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, chủ nghĩa thương mại đơn phương… cũng đang quay trở lại mạnh mẽ, làm ảnh hưởng tới hợp tác kinh tế đa phương và khu vực. Ngoài ra, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, như giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, gây khó khăn đối với quá trình phát triển của ASEAN. 

Tối 4/11/2019, tại Bangkok, Thái Lan, ngay sau lễ bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN 35, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đón nhận chiếc búa Chủ tịch ASEAN từ Thủ tướng Vương quốc Thái Lan Prayut Chan-o-cha, quốc gia Chủ tịch ASEAN 2019, chính thức xác lập vai trò Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam.

Phát biểu tại lễ chuyển giao, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam lựa chọn “Gắn kết và Chủ động thích ứng” là chủ đề của năm ASEAN 2020.

Theo Thủ tướng, hai thành tố này có sự giao thoa, bổ trợ chặt chẽ cho nhau. Một cộng đồng gắn kết và phát triển rất cần gia tăng sự chủ động thích ứng với các yếu tố tác động bên ngoài và ngược lại, khả năng chủ động thích ứng chỉ có thể có được nếu ASEAN là một khối gắn kết chặt chẽ…

Trong bối cảnh đó, kinh tế ASEAN càng phải vươn lên để thích ứng nhanh với tình hình chung. Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh, điều này không đơn giản, nhất là khi những xung đột có xu hướng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc kinh tế trên thế giới. Những xung đột này không chỉ ảnh hưởng đến thương mại mậu dịch mà nó còn đặt ra cả những nguyên tắc liên quan đến sự tồn tại của các tổ chức thương mại đa phương. 

Tất cả những điều này càng đòi hỏi vai trò của Chủ tịch ASEAN phải rõ ràng, làm sao để đủ sức nắm bắt và thể hiện vai trò điều hành trên cương vị của mình, cùng với các nước ASEAN liên kết để đảm bảo khả năng chống chọi với môi trường mới, tiếp tục tạo ra sức sống mới cho ASEAN cũng như các khung khổ hợp tác của ASEAN với các nước đối tác.

Tính đến nay, ASEAN có 6 Hiệp định Thương mại tự do với các đối tác. Đây đều là những khuôn khổ hợp tác rất lớn, có thể tác động mạnh mẽ vào cấu trúc của thương mại toàn cầu, đặc biệt là Hiệp định RCEP mà ASEAN cùng với các nước đối tác dự kiến sẽ ký kết tại Việt Nam vào 2020. 

Khu vực RCEP (bao gồm các nước ASEAN và 6 nước Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Australia, New Zeland) hiện chiếm tới hơn 40% tổng GDP thế giới. Khi RCEF ký kết và thực thi sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến toàn cầu hóa, tự do hóa thương mại; đồng thời cũng hứa hẹn sẽ là tác nhân ngăn chặn chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch một cách có hiệu quả. Do đó, RCEF sẽ mang lại cục diện mới, kết cấu mới của thương mại khu vực và quốc tế.

Những định hướng ưu tiên về trụ cột kinh tế

Theo Bộ trưởng Công Thương, với những nền tảng, mục tiêu và trong bối cảnh thế giới đang khó nắm bắt như hiện nay, Việt Nam đã chủ động lựa chọn được những ưu tiên, vừa để phục vụ mục tiêu chung của ASEAN, đồng thời đóng góp chung cho thế giới, là điều không dễ dàng. 

Năm 2020, với tư cách Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ đưa ra nhiều sáng kiến được thực hiện, bao trùm lên các lĩnh vực từ kinh tế, thương mại, đầu tư, công nghệ… đến hoàn thiện về thể chế, hệ thống hạ tầng, hạ tầng phần cứng, hạ tầng mềm cũng như sự liên kết nội khối trong ASEAN... Những sáng kiến này cũng nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao của các nước trong khu vực.

Ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công Thương) cho biết, riêng về kinh tế, Việt Nam đã xây dựng được Dự thảo 15 sáng kiến ưu tiên khác nhau, thể hiện quan điểm của Việt Nam trong việc thúc đẩy hợp tác nội dung kinh tế ASEAN năm 2020. 

Đồng thời, Bộ Công Thương cũng đặt ra 4 định hướng ưu tiên trong trụ cột Cộng đồng Kinh tế ASEAN cho năm 2020, gồm: Thúc đẩy tăng cường hội nhập kinh tế thông qua ủng hộ việc triển khai Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN 2025 và các thỏa thuận thương mại tự do như RCEP; Thúc đẩy liên kết và kết nối kinh tế khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0; thúc đẩy phát triển hiệu quả hướng đến một nền kinh tế ASEAN không chỉ phát triển năng động, sáng tạo mà còn hiệu quả thích ứng; thúc đẩy thuận lợi hóa thương mại trong ASEAN.

Bộ trưởng Công Thương cho biết, với những bước tham gia đầu tiên vào ASEAN và AFTA (Khu vực mậu dịch Tự do ASEAN), những cam kết với tư cách là thành viên của khu vực, Việt Nam cũng nhận thức sẽ là trung tâm kinh tế và thương mại năng động không chỉ trong châu Á mà cả châu Á - Thái Bình Dương cũng như thế giới. 

Hơn nữa, từ vị trí chính trị quan trọng của các nước thành viên trong ASEAN nên hầu như tất cả các cường quốc bên ngoài đều có quan hệ mật thiết và gắn bó chặt chẽ với các nước ASEAN. 

Để đảm nhiệm và thực hiện thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 2020, Bộ Công Thương xác định phấn đấu vai trò nòng cốt, dẫn dắt trong ASEAN, tích cực củng cố đoàn kết, gắn bó giữa các nước thành viên, nâng cao sức mạnh nội khối cũng như năng lực ứng phó trước những thách thức. Từ đó, vị thế của Việt Nam sẽ được nâng cao, không chỉ trong nội khối ASEAN mà trên toàn thế giới. 

Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia ASEAN 2020, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng: “Việt Nam sẽ thúc đẩy 5 ưu tiên cho năm ASEAN 2020”

Việt Nam xác định việc đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN là trách nhiệm to lớn và cũng mang lại nhiều cơ hội. Việt Nam sẽ dành quyết tâm và ưu tiên cao nhất nhằm thực hiện thành công trọng trách này và góp phần xây dựng một ASEAN ngày càng liên kết chặt chẽ và vững mạnh trên cơ sở kế thừa những kết quả đạt được của các Chủ tịch ASEAN trước đây; và phát huy những kinh nghiệm nhất định về phát triển kinh tế - xã hội, về tổ chức các hội nghị lớn như ASEAN 1998 và 2010, APEC 2017…

Với chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng”, trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam sẽ thúc đẩy năm ưu tiên, gồm: Phát huy vai trò và đóng góp tích cực của ASEAN vào công cuộc duy trì môi trường hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực; Thúc đẩy liên kết và kết nối khu vực, nâng cao khả năng thích ứng và tận dụng các cơ hội của CMCN 4.0; Thúc đẩy ý thức cộng đồng và bản sắc ASEAN đẩy mạnh quan hệ đối tác vì hòa bình và phát triển bền vững; Nâng cao năng lực thích ứng và hiệu quả hoạt động của bộ máy ASEAN.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng: “Thúc đẩy hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN/ASEAN+3…”

 Theo đề án “Hợp tác tài chính ASEAN/ASEAN+3 năm 2020”  đã được Thủ tướng phê duyệt, dự kiến tiến trình hợp tác tài chính ngân hàng ASEAN/ASEAN+3 năm 2020 sẽ thực hiện trên cơ sở các Kế hoạch tổng thể và Kế hoạch hành động đã được phê duyệt và nguyên tắc kế thừa những ưu tiên của các nước chủ trì năm trước, cân đối tổng thể với mục tiêu chung của Việt Nam 2020 là “Gắn kết và Chủ động thích ứng”. Một số nội dung ưu tiên dự kiến được Việt Nam thúc đẩy năm 2020 gồm các lĩnh vực hợp tác hải quan/thuế, chứng khoán, tự do hóa dịch vụ tài chính, tài chính toàn diện và an ninh tài chính.

Trên nguyên tắc kế thừa và phát huy các sáng kiến ưu tiên của các nước chủ tịch năm trước, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục thúc đẩy 2 ưu tiên kinh tế gồm: Các cơ chế tài chính phục vụ sự phát triển của cơ sở hạ tầng ASEAN; xây dựng lộ trình phát triển thị trường vốn ASEAN bền vững. Bộ Tài chính  cũng sẽ thúc đẩy hơn nữa về công nghệ tài chính (fintech) trong lĩnh vực chứng khoán và bảo hiểm; Đồng thời ủng hộ với các ưu tiên trong phát triển kết nối thanh toán khu vực ASEAN mà nước chủ nhà Thái Lan năm 2019 đã ủng hộ thúc đẩy…

TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI: “Mạng lưới khởi nghiệp – Động lực cho phát triển ASEAN”

 Từ 1/1/2020 Việt Nam chính thức đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. Năm 2020 có nhiều ý nghĩa với ASEAN và Việt Nam. Với ASEAN là năm bản lề quan trọng để kiểm điểm giữa kỳ công tác triển khai các Kế hoạch tổng thể xây dựng Cộng đồng ASEAN 2015 - 2025.

Với Việt Nam là mốc đánh dấu 25 năm Việt Nam đồng hành cùng ASEAN. Việt Nam cũng đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Hưởng ứng năm ASEAN 2020, cộng đồng doanh nghiệp sẽ có nhiều hoạt động quan trọng. Hàng năm APAC thường đề xuất dự án di sản của ASEAN, năm nay VCCI đề xuất dự án di sản của ASEAN chính là mạng lưới khởi nghiệp ở ASEAN để kết nối các nhà khởi nghiệp các quốc gia trên thế giới. Đây là động lực cho sự phát triển của ASEAN nên VCCI hy vọng đề xuất này được sự ủng hộ của các nước trong khối ASEAN, cộng đồng doanh nghiệp ASEAN…

Đọc thêm