Sự gia tăng đột biến nhu cầu sử dụng năng lượng, đất, nước... đã làm suy kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên, thay đổi các môi trường sống trên trái đất, góp phần gây ra sự mất đa dạng sinh học trên diện rộng. Từ thực tế này, Giờ Trái đất năm nay chuyển trọng tâm từ "Biến đổi khí hậu" (BĐKH) sang "Mất đa dạng sinh học".
Quỹ Quốc tế về Bảo vệ thiên nhiên (WWF), tổ chức khởi xướng Giờ Trái Đất 2020 kêu gọi sự cam kết của chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân hành động nhằm đảo chiều những tác động tiêu cực đến đa dạng sinh học. Các hoạt động của chương trình góp phần thúc đẩy những sáng kiến thay đổi hành vi tiêu dùng như tiết kiệm năng lượng, hạn chế sử dụng đồ nhựa và nói không với tiêu thụ động vật hoang dã... Qua đó, cùng với cộng đồng quốc tế thực hiện tốt hơn các mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ hành tinh xanh.
WWF đồng thời kêu gọi các quốc gia cần chỉ đạo tăng cường nghiên cứu, xây dựng và triển khai các cơ chế, chính sách, dự án, công trình ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao đời sống dân sinh; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và phương thức trực tuyến để quảng bá, tuyên truyền chủ đề, thông điệp Giờ Trái đất; hướng dẫn tăng cường thời lượng, dung lượng đăng phát về chủ đề ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng sạch, thân thiện môi trường...
Giờ Trái đất 2019 (20h30 - 21h30 ngày 30/3/2019), Việt Nam đã tiết kiệm được 492.000 kWh điện, tương đương số tiền khoảng 917 triệu đồng.
Bắt nguồn từ một sự kiện tắt đèn mang tính biểu tượng tại thành phố Sydney, Australia do WWF khởi xướng vào năm 2007, Giờ Trái Đất hiện trở thành một phong trào môi trường có quy mô lớn nhất thế giới. Vào mỗi ngày thứ bảy cuối cùng của tháng ba hằng năm, hàng triệu người tại hơn 188 quốc gia và vùng lãnh thổ lại cùng nhau tắt đèn để thể hiện sự quyết tâm ngăn chặn biến đổi khí hậu và suy thoái môi trường thiên nhiên.