Từ xứ sở chùa vàng, Vichit Nongnual mang đến cho giới yêu tranh Việt một trải nghiệm mới mẻ với thể loại chân dung. Trước hết, phải kể đến sự mới lạ đến từ màu sắc. Mỗi bức tranh trong triển lãm lần này dường như chỉ có một màu chủ đạo; hoặc nóng cực độ, hoặc lạnh cực độ, độc chiếm lấy bức tranh.Chính sự đơn giản trong màu sắc đã xoáy mạnh và bao trùm nhãn quan, dẫn lối người xem lạc bước vào thế giới nội tâm, nơi chỉ có ta đối diện với chính mình.
Tác phẩm: Hiệu ứng cánh buồm |
Không chỉ vậy, hình ảnh trong tranh Vichit Nongnual cũng rất độc đáo. Anh lột tả cái nhìn qua chân dung con người - những người mang ngũ quan đặc trưng của người châu Á. Họ đeo nét mặt lặng trầm, không vui, không buồn, không cười, không nói. Ánh nhìn họ trực diện, xoáy sâu vào tâm trí người xem, đưa ta vào cuộc đối thoại căng thẳng một đối một không thể lẩn tránh. Phải chăng họ, cũng tựa như bản thân chúng ta, đang che giấu xúc cảm đằng sau những hình khối đan xen chồng chéo trên nhân diện?
Vichit Nongnual dùng những nét vẽ tối giản mô tả những hình khối ấy, khi thì chảy dài, khi thì nứt nẻ, khi lại uốn lượn theo mái tóc. Ấy là những nhân tố tự nhiên đậm bản sắc tư duy châu Á, có gió, đất, nước, dung nham,… còn có cả rồng và bướm. Những thành tố này góp phần hình thành nên thế giới mà ta đang sống, tồn tại sâu thẳm trong cuộc sống Á châu, quan niệm Á châu, căn cốt văn hóa Á châu. Tranh Vichit Nongnual đã hội tụ con người, thiên nhiên, đời sống tinh thần, vẽ nên đầy đủ một diện mạo châu Á.
Tác phẩm: Bản năng |
Thông qua những bức chân dung “dung hợp”,Vichit Nongnual còn nâng tầm sự hòa hợp giữa con người với tự nhiên, đặt ra thách thức giữ gìn một “diện mạo châu Á” vẹn nguyên trong đời sống hiện đại.
Họa sĩ Vichit Nongnual sinh năm 1971. Anh là một họa sĩ người Thái nổi tiếng được biết đến và triển lãm rộng rãi ở châu Á, châu Âu và Hoa Kỳ. Sau khi tốt nghiệp ngành Nghệ thuật gốm sứ, khoa Nghệ thuật trang trí, đại học Silpakorn, anh theo đuổi đam mê và đạt được nhiều thành tựu trong cả nghệ thuật trang trí lẫn các thể loại trừu tượng và chân dung hiện thực.
Trong triển lãm lần này, anh cũng kết hợp sở học nghệ thuật trang trí vào các bức tranh của mình khiến cho chân dung và hình họa trang trí, hai thứ tưởng chừng như đối nghịch nhưng lại hòa quyện vào nhau tạo nên những hiệu quả mới lạ về thị giác.
Sự kết hợp này còn khơi nguồn cảm hứng sáng tác như anh đã tâm sự: “Thời trang và phụ kiện trang trí nhà cửa là nguồn cảm xúc trong cả hội họa lẫn điêu khắc của tôi. Đó đều là những đồ vật duyên dáng, xinh đẹp, vui tươi và ý nghĩa. Và chúng được thể hiện rõ nét trên các tác phẩm vẽ chân dung của tôi bằng sơn acrylic và screen paint.”