Gieo mầm tuổi thơ đầy sắc màu
Trong thế giới nghệ thuật rộng lớn, có một mảng sáng lung linh nhưng đòi hỏi nhiều sự hy sinh thầm lặng - đó là sân khấu thiếu nhi. Ở nơi ấy, không có ánh đèn hào nhoáng hay doanh thu phòng vé “khủng”, nhưng lại có những trái tim nghệ sĩ âm thầm cống hiến cả đời mình cho những vở diễn, tiết mục ngắn ngủi nhưng ý nghĩa với khán giả . Hạnh phúc với nghệ sĩ là những đôi mắt tròn xoe và nụ cười hồn nhiên của trẻ nhỏ.
Nếu hỏi những người từng xem xiếc ở Hà Nội vào thập niên 80, 90, hẳn cái tên Tạ Duy Hiển không hề xa lạ. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống nghệ thuật, NSND Tạ Duy Hiển gắn bó với sân khấu xiếc từ năm 13 tuổi và suốt hơn 50 năm sau, ông vẫn miệt mài đứng sau ánh đèn, làm đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật và hơn hết - là người “truyền lửa” cho thế hệ trẻ. NSND Tạ Duy Hiển được coi là ông tổ của xiếc Việt, người khai sinh ra nghệ thuật xiếc Việt Nam hiện đại. Buổi diễn ra mắt “Đội xiếc Trung ương” của ông được công chúng đón nhận nhiệt tình, từng đoàn người xếp hàng mua vé. Đó là một thời đại huy hoàng của xiếc Việt, được Bác Hồ và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến tận nơi thăm hỏi, động viên và nhiều lần gửi Bằng khen. Ông cũng là người được truy tặng danh hiệu NSND ngay đợt đầu tiên vào năm 1981 vì những đóng góp của ông cho nghệ thuật xiếc Việt.
Ngoài tài lãnh đạo và tổ chức, NSND Tạ Duy Hiển còn là một nhà dạy thú tài năng huấn luyện được nhiều loại thú từ khỉ, chó, gấu, đến báo gấm, hổ, sư tử, voi, ngựa... và cả nhiều loài thú hiện nay đã thiếu vắng trên sân khấu xiếc đương đại như lạc đà, ngựa vằn, chim vẹt… Ông còn dàn dựng nhiều tiết mục như phi ngựa đánh đàn, uốn dẻo trên trống, voi đánh trống. Sau khi thành lập, xiếc Việt Nam đã đi lưu diễn ở khắp cả nước, đi đến đâu cũng được đón chào nồng nhiệt.
![]() |
Bác Hồ đến thăm gánh xiếc của NSND Tạ Duy Hiển. (Ảnh: NVCC) |
“Khán giả thiếu nhi rất đặc biệt, các em nhạy cảm, chân thành và không giả vờ tán thưởng. Làm nghệ thuật cho trẻ nhỏ vừa là thử thách, vừa là niềm vui vô bờ”, ông từng chia sẻ. Điều đáng trân quý là gia đình NSND Tạ Duy Hiển có lẽ cũng là một trong số ít những gia đình có ba thế hệ gắn bó và cống hiến với nghề xiếc, NSND Tạ Duy Hiển, con trai - NSƯT Tạ Duy Nhẫn, cháu ruột của ông - NSƯT Tạ Duy Hùng và thế hệ thứ 3 của dòng họ là NSND Tạ Duy Ánh, nguyên Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam.
Người được xem là đặt nền móng cho kịch thiếu nhi ở Nhà hát Tuổi Trẻ chính là NSND Phạm Thị Thành - một trong những nghệ sĩ sân khấu hàng đầu, có công lớn trong việc khai sinh và phát triển dòng kịch dành riêng cho thiếu nhi tại Việt Nam, đặc biệt là tại Nhà hát Tuổi Trẻ. NSND Phạm Thị Thành còn được gọi là “Người mẹ của sân khấu thiếu nhi Việt Nam”. Khi Nhà hát Tuổi Trẻ được thành lập vào năm 1978, với mục tiêu ban đầu là hướng tới khán giả trẻ nói chung, NSND Phạm Thị Thành - khi đó là Giám đốc nhà hát - đã có một tầm nhìn sâu sắc: trẻ em cần có một sân khấu riêng, một không gian nghệ thuật đích thực để được nuôi dưỡng tâm hồn.
Bà đã mạnh dạn xây dựng Đoàn kịch Thiếu nhi trực thuộc Nhà hát Tuổi Trẻ - một mô hình chưa từng có tiền lệ thời đó. Với sự say mê, bà cùng cộng sự đã chuyển thể, dàn dựng và đạo diễn những vở kịch kinh điển quốc tế và sáng tác mới phù hợp với trẻ em Việt Nam. Những tác phẩm nổi bật có thể kể đến như: Con chim xanh (dựa theo kịch bản của Maurice Maeterlinck), Dế Mèn phiêu lưu ký (chuyển thể từ truyện của Tô Hoài), Sơn Tinh - Thủy Tinh, Cô bé Lọ Lem, Cây khế, Cô gái và phù thủy… Các vở diễn của bà không đơn thuần là giải trí mà luôn chứa đựng yếu tố giáo dục, khơi gợi lòng nhân ái, sự trung thực và tinh thần vượt khó trong tâm hồn trẻ nhỏ. Không chỉ là đạo diễn tài năng, NSND Phạm Thị Thành còn là người truyền cảm hứng và đào tạo nhiều thế hệ nghệ sĩ trẻ chuyên tâm với sân khấu thiếu nhi. Chính từ nền tảng bà xây dựng, Nhà hát Tuổi Trẻ trở thành “ngôi nhà” sáng tạo nghệ thuật cho thiếu nhi hàng đầu tại Việt Nam. Tới nay, Nhà hát Tuổi Trẻ vẫn duy trì hoạt động biểu diễn định kỳ các vở kịch thiếu nhi vào mùa hè, mùa Trung thu, Tết thiếu nhi, với hàng chục nghìn lượt khán giả nhí mỗi năm - điều này chứng minh tầm ảnh hưởng lâu dài của người khai sáng dòng kịch thiếu nhi tại Việt Nam.
![]() |
Dế Mèn phiêu lưu ký là vở kịch thiếu nhi đầy vui nhộn cho trẻ em của Nhà hát Tuổi trẻ. (Ảnh: NHTT) |
Mang cánh én tuổi thơ đi muôn nơi
Bên cạnh sân khấu xiếc, kịch, âm nhạc cũng là một phần không thể thiếu trong thế giới tuổi thơ. Nhạc sĩ Phạm Tuyên nổi tiếng với nhiều bản nhạc cách mạng, ca khúc thời sự, nhưng một trong những đóng góp sâu sắc và bền vững nhất của ông chính là mảng âm nhạc thiếu nhi - nơi ông đã để lại hàng trăm tác phẩm nuôi dưỡng tâm hồn trẻ thơ qua nhiều thập kỷ. Trong hơn 700 ca khúc ông sáng tác, mảng thiếu nhi chiếm tới hơn 200 bài - một con số không nhỏ, đặc biệt khi phần lớn được phổ biến rộng rãi, gắn liền với hoạt động thiếu nhi suốt từ thập niên 60 đến nay. Những ca khúc như: Chiếc đèn ông sao, Cánh én tuổi thơ, Tiến lên đoàn viên, Em là bông hồng nhỏ… không chỉ gắn bó với ký ức tuổi thơ của hàng triệu thiếu nhi Việt Nam mà còn trở thành một phần không thể thiếu trong các chương trình giáo dục và sinh hoạt học đường.
Khác với những bản hùng ca khơi dậy tinh thần yêu nước, những ca khúc thiếu nhi của Phạm Tuyên lại nhẹ nhàng, trong sáng và giàu chất thơ. Nhạc sĩ luôn gửi gắm vào đó thông điệp giáo dục, khơi gợi cảm xúc và lòng nhân ái. Ông từng tâm sự: “Viết cho thiếu nhi là một thách thức lớn, vì người lớn có thể dễ tính nhưng trẻ con thì không. Một bài hát hay với các em phải dễ nhớ, dễ hát, giai điệu gần gũi, lời ca trong sáng mà vẫn truyền được cảm xúc”.
Nhạc sĩ Phạm Tuyên có lẽ là một trong những người hiểu rõ tâm lý trẻ thơ nhất. Ông không viết nhạc cho trẻ em từ một khoảng cách “người lớn răn dạy”, mà đặt mình vào thế giới của các em để nói bằng tiếng nói của con trẻ, với sự tôn trọng, yêu thương và sẻ chia. Chính điều đó đã làm nên sự gần gũi kỳ lạ giữa nhạc của ông và lớp lớp học sinh suốt nhiều thập kỷ. Ông là người đã tạo nên một không gian âm nhạc tuổi thơ đặc trưng của Việt Nam - vừa gần gũi, vừa sâu sắc, vừa ngập tràn tình cảm và mang đậm hồn dân tộc. Năm 2012, nhạc sĩ được trao Nhà nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
![]() |
Nhạc sĩ Phong Nhã đang đánh đàn cho các Đội viên Thiếu niên Tiền phong hát. (Ảnh: N.V.Toàn) |
Nhạc sĩ Phong Nhã là tác giả của hàng trăm ca khúc thiếu nhi nổi tiếng: Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Đi học về, Lớp chúng ta đoàn kết, Cùng nhau ta đi lên, Đội ta lớn lên cùng đất nước, Em yêu Đội nhi đồng, Hành khúc Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh, Ngàn hoa việc tốt dâng Đảng quang vinh, Nhanh bước nhanh nhi đồng… đã trở thành một phần ký ức của nhiều thế hệ học sinh Việt Nam. Ông từng tâm sự: “Âm nhạc thiếu nhi không thể viết hời hợt. Đó là mảnh đất gieo mầm nhân cách.” Bằng sự tinh tế, giản dị và chân thành, nhạc sĩ Phong Nhã đã sáng tạo nên những giai điệu vừa dễ hát, dễ thuộc, lại hàm chứa tư tưởng sâu sắc về đạo lý, lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết. Sự nghiệp âm nhạc của ông kéo dài hơn 70 năm, để lại kho tàng quý giá trong nền giáo dục nghệ thuật Việt Nam. Năm 2001, ông được Nhà nước trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học - nghệ thuật.
Những nghệ sĩ sáng tác và biểu diễn cho thiếu nhi không đơn thuần là những người làm nghệ thuật. Họ là người kể chuyện, là người bạn đồng hành, là người gieo hạt mầm đầu tiên cho tâm hồn con trẻ. Trong thế giới ấy, mỗi ánh mắt trẻ thơ, mỗi tràng vỗ tay vang lên là sự hạnh phúc sâu sắc nhất dành cho những người nghệ sĩ. Chừng nào vẫn còn những người lớn chịu “nhỏ lại” để lắng nghe trẻ thơ, thì nghệ thuật dành cho thiếu nhi vẫn là nơi bắt đầu của mọi giấc mơ đẹp đẽ và nhân văn.
Những nhạc sĩ, nhà thơ trẻ sáng tác hàng trăm tác phẩm dành cho trẻ
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nổi tiếng với các ca khúc “Nhật ký của mẹ”, đã dành 8 năm để sáng tác hơn 300 bài hát dành cho thiếu nhi. Động lực lớn nhất của anh chính là tình yêu dành cho con và mong muốn mang đến cho các em nhỏ những giai điệu trong sáng, gần gũi. Với những đóng góp to lớn cho âm nhạc thiếu nhi, Nguyễn Văn Chung đã được trao giải thưởng “Khát vọng Dế mèn” từ Giải thưởng thiếu nhi - Dế mèn lần 1 tại Hà Nội. Anh chia sẻ: “Thế giới tuổi thơ thật nhiều sắc màu và có quá nhiều điều thú vị, tôi muốn ghi lại hết tất cả những gì các con yêu thích quan tâm”.
Từng là phóng viên kinh tế, Phạm Anh Xuân bất ngờ rẽ hướng sang sáng tác thơ thiếu nhi và nhanh chóng gặt hái nhiều thành công. Chỉ sau 5 năm, anh đã sáng tác hơn 600 bài thơ cho trẻ em, được xuất bản thành 4 tập thơ và một truyện dài. Anh chia sẻ: “Mỗi khi viết, tôi như được trở thành trẻ con”. Thơ của Phạm Anh Xuân nhẹ nhàng, trong sáng, phản ánh thế giới quan hồn nhiên của trẻ nhỏ. Bài thơ “Tuổi thơ có bà” của anh đã được một em bé người Việt tại Đức dịch sang tiếng Đức, thể hiện sự lan tỏa của thơ ca thiếu nhi vượt qua biên giới.