254 bị can bị truy tố liên quan đến vụ án tại Cục Đăng kiểm Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngày 26/3, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã hoàn tất kết luận điều tra, chuyển hồ sơ sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố 254 bị can liên quan đến vụ án sai phạm xảy ra tại Cục Đăng kiểm Việt Nam, 11 trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, và 3 trung tâm đăng kiểm tại Long An, Bến Tre, Sóc Trăng.
Bị can Trần Kỳ Hình - Nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: CA)
Bị can Trần Kỳ Hình - Nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: CA)

Cụ thể, 254 bị can bị đề nghị truy tố trong nhóm 11 tội danh: Đưa hối lộ, Nhận hối lộ, Môi giới hối lộ, Giả mạo trong công tác; Sản xuất, mua bán, trao đổi hoặc tặng cho phần mềm để sử dụng vào mục đích trái pháp luật; Xâm phạm trái phép vào mạng máy tính, mạng viễn thông, hoặc phương tiện điện tử của người khác; Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Tham ô tài sản.

Trong đó, bị can Trần Kỳ Hình (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam từ tháng 1/2014 - 7/2021) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ và Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; Đặng Việt Hà (cựu Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam) bị đề nghị truy tố về tội Nhận hối lộ.

Bị can Đặng Việt Hà - nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Bị can Đặng Việt Hà - nguyên Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam

Báo Công an nhân dân thông tin, theo kết luận điều tra, bị can Trần Kỳ Hình trong thời gian giữ chức vụ Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra giám sát để các phòng trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam, trung tâm đăng kiểm, chi cục đăng kiểm trên cả nước xảy ra sai phạm, tiêu cực có hệ thống, trong thời gian dài.

Khi phát hiện sai phạm, tiêu cực, ông Hình không chấn chỉnh, xử lý, mà vì vụ lợi cá nhân nhận tiền hối lộ của doanh nghiệp, bỏ qua các sai phạm trong việc cấp phép đủ điều kiện hoạt động trung tâm đăng kiểm. Đồng thời cũng bỏ qua các sai phạm trong quá trình kiểm định phương tiện, nhận tiền hối lộ trong quá trình thẩm định hồ sơ thiết kế với tổng số tiền là 6,5 tỷ đồng và 23.000 USD.

Ngoài ra, ông Trần Kỳ Hình còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn, vị trí công tác, làm trái quy định, đã duyệt cấp đủ năng lực cho các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định, tạo điều kiện cho cơ sở đóng tàu hoạt động trái pháp luật…

Các bị can ở Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận hối lộ theo từng hồ sơ đăng kiểm xe và ăn chia theo cấp bậc, chức vụ. Ảnh: CA

Các bị can ở Cục Đăng kiểm Việt Nam nhận hối lộ theo từng hồ sơ đăng kiểm xe và ăn chia theo cấp bậc, chức vụ. Ảnh: CA

Theo Báo Vietnamnet, Phòng Kiểm định xe cơ giới (VAR) là tổ chức trực thuộc Cục Đăng kiểm Việt Nam thực hiện chức năng tham mưu giúp Cục trưởng quản lý công tác kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường các loại xe cơ giới, kiểm tra xe máy chuyên dùng đang lưu hành trong phạm vi cả nước. Trong các nhiệm vụ, quyền hạn được phân công, Phòng kiểm định xe cơ giới có nhiệm vụ, quyền hạn trong việc thực hiện thẩm định thiết kế, nghiệm thu cải tạo xe cơ giới và xe máy chuyên dùng đang lưu hành.

Các đăng kiểm viên phòng VAR đã lợi dụng vị trí công tác không thực hiện đúng quy trình thẩm định, kiểm tra theo Thông tư 85/2014/TT-BGTVT ngày 31/12/2014 của Bộ GTVT, bỏ qua lỗi trên hồ sơ thiết kế, cấp Giấy chứng nhận thẩm định thiết kế trái quy định để nhận tiền hối lộ của các công ty từ 1,5 - 3 triệu đồng/hồ sơ.

Tháng 3/2019, Trần Anh Quân được bổ nhiệm Quyền Trưởng phòng kiểm định xe cơ giới. Lúc này, các Đăng kiểm viên được phân công thẩm định hồ sơ thiết kế báo cáo với Quân về việc có nhận tiền hối lộ của các công ty thiết kế trong quá trình thẩm định hồ sơ.

Sau đó, Quân và các đăng kiểm viên thống nhất hàng tháng sẽ chia tiền theo tỷ lệ chia cho Quân số tiền 700 ngàn đồng/hồ sơ, bao gồm phần của Quân được hưởng, phần của Quân ngoại giao tiếp khách và phần để Quân chia cho lãnh đạo Cục là Trần Kỳ Hình và Đặng Việt Hà. Ngoài ra, chia cho các Phó phòng VAR mỗi người 100 ngàn đồng/hồ sơ; cho nhân viên văn phòng mỗi người 50 ngàn đồng/hồ sơ.

Hàng tháng sau khi nhận được tiền hối lộ của các công ty thiết kế, các Đăng kiểm viên sẽ tính toán, kiểm đếm số lượng hồ sơ được phân công thẩm định nhân với số tiền đã quy ước/hồ sơ rồi phân chia tiền cho Quân, 3 Phó phòng, cho 4 nhân viên văn phòng. Khi nhận được tiền từ các Đăng kiểm viên, Quân tiếp tục chia cho Trần Kỳ Hình số tiền 60 triệu đồng/tháng và Đặng Việt Hà số tiền 20 triệu đồng/tháng, một phần Quân sử dụng để ngoại giao, tiếp khách; phần còn lại Quân hưởng lợi.

Một số bị can trong vụ án sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: Báo CAND)

Một số bị can trong vụ án sai phạm tại Cục Đăng kiểm Việt Nam. (Ảnh: Báo CAND)

Đến tháng 8/2021, Trần Kỳ Hình nghỉ hưu và Đặng Việt Hà được bổ nhiệm giữ chức vụ Cục trưởng. Trong cuộc họp với lãnh đạo Phòng VAR , Đặng Việt Hà đã yêu cầu Phòng VAR hàng tháng phải báo cáo chính xác số liệu hồ sơ đã thẩm định thiết kế, phải bảo đảm lợi ích của Hà là cao nhất. Quân và những người tham gia trong cuộc họp đều hiểu rằng khi nhận tiền trong quá trình thẩm định thiết kế thì phải chia cho Hà tỷ lệ cao nhất.

Sau đó, Quân và các đăng kiểm viên họp bàn rồi thống nhất lại cách ăn chia, cụ thể Đặng Việt Hà 400 ngàn đồng/hồ sơ, Quân 300 ngàn đồng/hồ sơ, các Phó phòng VAR mỗi người 100 ngàn đồng/hồ sơ, đưa vào quỹ ngoại giao 140 ngàn đồng/hồ sơ, cho các nhân viên văn phòng mỗi người 40 ngàn đồng/hồ sơ, số tiền còn lại Đăng kiểm viên được hưởng.

Theo đó, từ ngày 1 đến ngày 10 hàng tháng, các đăng kiểm viên thống kê số lượng hồ sơ, nhân với tiền ăn chia đã thống nhất rồi chia nhau. Trong đó, riêng phần của Đặng Việt Hà thì Quân bỏ tiền vào phong bì, có ghi số lượng hồ sơ thẩm định và tổng số tiền và đưa trực tiếp cho Hà tại phòng làm việc.

Đến tháng 10/2022, khi Cơ quan Công an phát hiện xử lý các sai phạm của các đơn vị đăng kiểm nên các đối tượng trên không nhận tiền hối lộ trong hoạt động thẩm định hồ sơ thiết kế nữa.

Khoảng 2 tháng sau, lo sợ hành vi bị phát giác, Đặng Việt Hà đã trả lại 5 tỷ đồng (là tiền do các Đăng kiểm viên nhận hối lộ của các công ty thiết kế chia cho Hà) cho Trần Anh Quân.

Ngoài ra, lo sợ bị xử lý, Đặng Việt Hà liên hệ với Lại Thái Phong (38 tuổi, ngụ TP.Hà Nội - Phó Chánh văn phòng Cục đăng kiểm Việt Nam) nói rằng, cơ quan công an xử lý nhiều sai phạm liên quan đến Trung tâm Đăng kiểm nhưng hiện tại không nắm được thông tin xử lý về sai phạm gì. Lúc này, Phong nói với Hà về việc Phong có quen biết Nguyễn Văn Chung có nhiều mối quan hệ với cơ quan công an.

Nghe vậy, Hà nói với Phong nhờ Chung tìm hiểu thông tin xem công an xử lý như thế nào, thì Phong đồng ý. Sau đó Hà nói với Trần Anh Quân sử dụng số tiền 5 tỷ đồng đã trả lại trước đó, để đổi 100 ngàn USD.

Quân đưa 100 ngàn USD cho Hà tại phòng làm việc, để Hà đưa cho Lại Thái Phong. Phong tiếp tục gặp đưa tiền cho Nguyễn Văn Chung để nhờ Chung tìm người thu thập thông tin đến vụ án đăng kiểm cho Đặng Việt Hà, tuy nhiên Chung không có khả năng thực hiện mà chiếm đoạt số tiền trên.

Khi bị bắt tạm giam, tháng 8/2023 Đặng Việt Hà có đơn tố cáo. Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã điều tra làm rõ hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Nguyễn Văn Chung và hành vi môi giới hối lộ của Lại Thái Phong.

Đến nay, các bị can trong vụ án, đặc biệt là các bị can nguyên là Cục trưởng Cục đăng kiểm Việt Nam Trần Kỳ Hình, Đặng Việt Hà đã thành khẩn nhận tội, khai báo chi tiết.

Cơ quan công an an xác định, các bị can trong vụ án đã lợi dụng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao trong công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực đăng kiểm làm trái các quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, móc nối với các doanh nghiệp, chủ phương tiện, cá nhân thực hiện nhiều hành vi vi pháp luật hình sự, có tổ chức, xuyên suốt trong thời gian dài, xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước, gây thiệt hại đến tài sản, lợi ích của nhiều cá nhân, tổ chức có liên quan, xâm phạm đến trật tự an toàn xã hội.

Đọc thêm