Theo đó, Bộ trưởng NN&PTNTchủ trì, phối hợp Bộ TN&MT, GTVT và các cơ quan có liên quan xem xét phản ánh của Giáo sư Nguyễn Ngọc Trân liên quan thiệt hại hai vụ lúa (nếu có) tại ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, Hậu Giang. Làm rõ nguyên nhân gây thiệt hại và giải pháp xử lý, trả lời đầy đủ cho Giáo sư Trân trước ngày 20/6.
Liên quan đến vụ việc, từ trước tới nay người dân ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy trồng lúa quanh năm. Tuy nhiên, từ vụ đông xuân 2023 - 2024 và vụ hè thu, lúa bắt đầu bị chết bất thường, nhất là lúa trồng ven đường cao tốc Bắc - Nam.
Vụ đông xuân có 5ha lúa của 10 hộ dân bị thiệt hại, trong đó có 4ha thiệt hại 30% và 1ha bị thiệt hại 90%. Đến vụ hè thu này, có 9 hộ dân có lúa chết bất thường, diện tích thiệt hại 1,7ha.
Ông Lê Quốc Lĩnh có 13.000m2, cho rằng vụ hè thu này lúa chết, thiệt hại khoảng 2.000m2. Theo ông Lĩnh, sau khi sạ hơn 10 ngày, lúa bắt đầu chết dần. Ngành Nông nghiệp xuống đo ghi nhận độ mặn 6,6‰.
Ông Lĩnh cho rằng vùng này trước giờ chưa bị nhiễm mặn, có thể do cát san lấp đường cao tốc nhiễm mặn, tràn qua ruộng gây chết lúa.
Còn ruộng lúa của ông Nguyễn Trường Sơn diện tích 2.800m2, vụ hè thu thiệt hại khoảng 1.250m2. Theo ông Sơn, nguyên nhân lúa chết do độ mặn trong đất còn tồn đọng từ vụ lúa trước đó.
Các hộ dân đề nghị đơn vị có liên quan đến công trình cao tốc Bắc - Nam có trách nhiệm hỗ trợ người dân thiệt hại do lúa bị chết.
Ông Võ Xuân Tân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hậu Giang cho biết, UBND huyện Vị Thủy đã mời chủ đầu tư, đơn vị thi công và các đơn vị có liên quan họp nhiều lần. Bước đầu ghi nhận lúa ảnh hưởng do nhiễm mặn, có khả năng từ cát làm đường cao tốc.
Tuy nhiên, phía chủ đầu tư, đơn vị thi công cho rằng cát đắp nền cao tốc Bắc - Nam là nguồn cát sông nên không có chuyện mặn tràn qua ruộng làm chết lúa.
“Chúng tôi đã yêu cầu đơn vị thi công, chủ đầu tư phối hợp giải quyết theo hướng hỗ trợ cho người dân. Nếu không phải lấy mẫu cát đem đi thí nghiệm mới xác định chính xác nguyên nhân lúa chết có phải do nhiễm mặn từ cát san lấp hay không”, ông Tân nói.