3 Bộ lên tiếng bảo vệ Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng

(PLO) - Trong công văn gửi Thủ tướng Chính phủ hôm 15/2, Bộ Tư pháp và Bộ GTVT đều xác nhận HĐND TP Hải Phòng ban hành Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND là đúng thẩm quyền, Trước đó, Bộ Tài chính cũng có văn bản khẳng định thẩm quyền ban hành Nghị quyết 148 của HĐND TP Hài Phòng và chỉ đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với Hải phòng về mức thu….

3 Bộ lên tiếng bảo vệ Nghị quyết về thu phí hạ tầng cảng biển của Hải Phòng

Trong công văn số 442/BTP-KtrVB do Thứ trưởng Phan Chí Hiếu ký, Bộ Tư pháp cho biết ngày 25/01/2017 Bộ đã có văn bản số 301/BTP-KTrVB nêu ý kiến về 3 vấn đề: Thẩm quyền ban hành Nghị quyết 148/2016/NQ-HĐND; về phản ánh đối với mức phí và hiện tượng “phí chồng phí”: và về trình tự, thủ tục ban hành Nghị quyết  148/2016/NQ-HĐND).  

Ngoài ra, qua nghiên cứu báo cáo của UBND TP Hải Phòng tại Công văn 389/UBND-TCNS ngày 23/01/2017, Bộ Tư pháp thấy rằng, trước khi trình HĐND TP Hải Phòng  thông qua Nghị quyết 148, cơ quan chủ trì soạn thảo đã lấy ý kiến DN và người dân.  

Tại văn bản 301/BTP-KtrVB, Bộ Tư pháp khẳng định HĐND TP.Hải Phòng có thẩm quyền ban hành Nghị quyết về việc thu phí hạ tầng cảng biển. Về phản ánh “phí chồng phí”, Bộ cho rằng phí hạ tầng cảng biển không được chồng lấn với các loại phí khác Hải Phòng cần giải trình và thuyết minh căn cứ tính phí, đối tượng tính phí và đối tượng nộp phí đảm bảo phù hợp với Luật phí và lệ phí, và các Nghị định, Thông tư liên quan. 

Trong Công văn 446/BGTVT-TC do Thứ trưởng Nguyễn Văn Công ký, Bộ GTVT  cho biết, về tên phí và thẩm quyền ban hành, Bộ Giao thông vận tải cho biết đã có ý kiến tại công văn 804/BGTVT ngày 20/1/2017, trong đó cho biết “phí sử dụng công trình, kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển Hải Phòng” nằm trông danh mục phí “Phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu” thuộc danh mục phí trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng, cơ quan quy định loại phí này là HĐND cấp tỉnh.

Về các vấn đề khác, Bộ GTVT cho biết theo quy định tại phụ lục ban hành kèm theo Luật phí và lệ phí thì khoản phí trên thuộc danh mục phí trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại, đầu tư, xây dựng và thẩm quyền ban hành thuộc HĐND cấp tỉnh. Do vậy căn cứ thẩm quyền và trách nhiệm của Bộ Tài chính tại Điều 19 Luật Phí và Lệ phí, Bộ GTVT đề nghị Văn phòng Chính phủ căn cứ ý kiến cụ thể của Bộ Tài chính để xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Trước đó, trong Công văn 1336 ngày 25/1/2017 do Thứ trưởng Vũ Thị Mai ký, Bộ Tài chính cho rằng căn cứ các quy định hiện hành thì việc quyết định thu phí sử dụng công trình kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ, tiện ích trong khu vực cảng biển trên địa bàn của TP.Hải Phòng là bảo đảm cơ sở pháp lý, phù hợp với quy định của Luật phí và lệ phí, Luật Ban hành văn bản QPPL. 

Bộ Tài chính cũng cho biết, trong thời gian qua đã có một số tỉnh như Lào Cai, Quảng Ninh, Lạng Sơn… cũng đã thu phí sử dụng các công trình kết cấu hạ tầng, dịch vụ và tiện ích công cộng trong khu vực kinh tế cửa khẩu.  Nhưng từ khi triển khai Luật phí và lệ phí, thì Hải Phòng là địa phương đầu tiên thu phí của khu vực kinh tế cửa khẩu đường biển. 

Trước phản ánh của DN và các hiệp hội DN về mức phí của Hải Phòng đặt ra là quá cao, Bộ Tài chính cho rằng trong điều kiện hiện nay, mức thu cần đảm bảo tính cạnh tranh cho DN và tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi tại Việt Nam như tinh thần chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28/4/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hai năm 2016-2017, định hướng đến năm 2010, Nghị quyết 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển DN đến năm 2020. Vì vậy, Bộ Tài chính đề nghị Văn phòng Chính phủ có ý kiến với TP Hải Phòng cần xem xét mức thu cho phù hợp với khả năng đóng góp của người nộp để từ đó báo cáo HĐND TP Hải Phòng cân nhắc điều chính mức thu; đồng thời, đảm bảo lưu thông phương tiện được thông suốt thuận lợi, tránh việc ách tắc các phương tiện ra vào cảng, tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN.

Công văn của Bộ Tài chính dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 151 Luật ban hành văn bản QPPL, trong đó quy định thời điểm có hiệu lực toàn bộ hoặc một phần văn bản QPPL được quy định tại văn bản đó nhưng không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành đối với văn bản QPPL cùa HĐND, UBND cấp tỉnh. Như vậy, thời điểm có hiệu lực của Nghị quyết  148/2016/NỌ-HĐND) nêu trên không sớm hơn 10 ngày kể từ ngày ký ban hành.

Báo cáo của UBND TP Hải Phòng tại Công văn 389/UBND-TCNS ngày 23/01/2017, cũng khẳng định: UBND TP Hải Phòng đã thực hiện nghiêm túc ý kiến chỉ đạo của Chính phủ, Bộ tài chính,  quá trình xây dựng, tổ chức lấy ý kiến góp ý đề án trình HĐND TP ban hành nghị quyết và triển khai thực hiện Nghị quyết là đúng quy trình và quy định pháp luật…

Đọc thêm