Ngày 4/1, Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) phối hợp với Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) tổ chức Hội thảo Diễn biến thị trường, giá cả ở Việt Nam năm 2023 và dự báo 2024.
Năm 2023: Lạm phát tăng cao vào cuối năm
Phân tích diễn biến lạm phát năm 2023, TS. Nguyễn Đức Độ cho biết, diễn biến lạm phát tại Việt Nam trong năm 2023 có thể chia thành 2 giai đoạn.
Thứ nhất, trong nửa đầu năm 2023, lạm phát so với cùng kỳ có xu hướng giảm từ mức 4,9% vào tháng 1/2023 xuống còn 2,0% vào tháng 6/2023.
Có một số nguyên nhân chính khiến lạm phát so với cùng kỳ giảm mạnh trong giai đoạn này là: Tổng cầu trong nửa đầu năm 2023 rất yếu, thể hiện qua việc GDP tăng trưởng rất thấp (quý I/2023 tăng 3,41%, quý II/2023 tăng 4,25%); Giá hàng hóa cơ bản trên thế giới, đặc biệt là giá dầu, cũng có xu hướng giảm mạnh so với cùng kỳ; Do ảnh hưởng của việc tốc độ tăng trưởng cung tiền thấp trong nửa đầu năm 2023 (2,53%), còn lãi suất cho vay thực vẫn neo ở mức cao (6,9% vào tháng 6/2023).
Thứ hai, trong nửa sau của năm 2023, bên cạnh việc các nền tảng kinh tế vĩ mô dần cải thiện (tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước, lãi suất huy động và cho vay giảm mạnh, cung tiền và tín dụng tăng nhanh hơn), lạm phát có xu hướng gia tăng chủ yếu do một loạt các cú sốc từ phía cung.
Bao gồm: Điều chỉnh tăng học phí khiến chỉ số giá nhóm giáo dục tăng 8,06% trong tháng 9/2023 và tăng giá dịch vụ y tế khiến chỉ số giá nhóm này tăng 2,9% trong tháng 11/2023 và 2,15% trong tháng 12/2023; Giá gạo và giá xăng dầu có xu hướng tăng trở lại theo giá thế giới.
Điểm đáng chú ý là CPI đã tăng đột biến trong các tháng 8-9/2023 (với mức tăng lần lượt là 0,88% và 1,08%). Kết quả, lạm phát so với cùng kỳ đã tăng từ mức 2,0% vào tháng 6/2023 lên mức 3,58% vào tháng 12/2023.
Tuy nhiên, do lạm phát giảm trong nửa đầu năm nên lạm phát trung bình năm 2023 cũng chỉ ở mức 3,25%, thấp hơn so với mục tiêu đặt ra là khoảng 4,5%.
Lạm phát tăng cao vào cuối năm (ảnh: internet) |
Năm 2024: Áp lực lạm phát không quá lớn!
Dự báo về tình hình lạm phát năm 2024, TS. Nguyễn Đức Độ đánh giá, áp lực lạm phát trong năm tới sẽ không lớn bởi một số nguyên nhân.
Thứ nhất, kinh tế thế giới, đặc biệt là Mỹ và Trung Quốc, được dự báo sẽ tăng trưởng chậm lại, đồng thời nguy cơ kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái chưa được loại trừ.
Thứ hai, với triển vọng kinh tế thế giới không thật sự khả quan, giá dầu sẽ khó tăng mạnh, thậm chí có thể giảm mạnh nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái.
Thứ ba, trong bối cảnh kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải dù chỉ phải so với nền thấp của năm 2023 (mục tiêu trên 6% - cao hơn một chút so với năm 2022).
Thứ tư, cung tiền và tín dụng trong năm 2023 chỉ tăng trưởng 10-11%, tương đương mức trung bình 5 năm của giai đoạn 2019 - 2023.
“Trong năm 2024 có nhiều nhân tố hỗ trợ cho việc kiểm soát lạm phát. Bởi vậy, tốc độ tăng CPI hàng tháng trong năm 2024 nhiều khả năng sẽ không cao hơn so với mức trung bình của giai đoạn 2015 - 2023 là 0,24%/tháng” - TS. Nguyễn Đức Độ nhận định.
Theo đó, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính đưa ra 3 kịch bản lạm phát cho năm 2024: Trong kịch bản cao (kinh tế thế giới và Việt Nam tăng trưởng bình thường, giá nhiên, nguyên, vật liệu ổn định), CPI có thể tăng trung bình 0,24%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 2,9%, còn lạm phát trung bình năm 2024 sẽ ở mức 3,5%.
Trong kịch bản thấp (kinh tế thế giới rơi vào suy thoái trong nửa sau của năm 2024 và Việt Nam bị ảnh hưởng mạnh, giá nhiên, nguyên, vật liệu giảm mạnh như năm 2020), CPI tăng trung bình 0,05%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 0,6%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 2,5%.
Trong kịch bản trung bình (kinh tế thế giới tăng trưởng chậm nhưng không rơi vào suy thoái, Việt Nam bị ảnh hưởng không nhiều, giá nguyên, nhiên, vật liệu giảm nhẹ), CPI tăng trung bình 0,15%/tháng. Lạm phát so với cùng kỳ vào tháng 12/2024 sẽ ở mức 1,8%, còn lạm phát trung bình sẽ ở mức 3,0%.
“Trong bối cảnh triển vọng tăng trưởng của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam kém lạc quan, giá hàng hóa cơ bản trên thế giới khó tăng mạnh, đồng thời môi trường tiền tệ, tỷ giá ở mức trung tính, CPI được dự báo sẽ tăng trung bình 3,0% (+/- 0,5%) trong năm 2024” - TS. Nguyễn Đức Độ dự báo.
Xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2024 được dự báo cũng sẽ tăng trưởng ở mức vừa phải (ảnh: internet) |
Một số dự báo lạm phát năm 2024
* PGS.TS Vũ Duy Nguyên, Viện trưởng Viện Kinh tế -Tài chính, dự báo CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2024 so với cùng kỳ năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,2%-3,5%. Lý do chính bởi: (i) Lạm phát tại các nước là đối tác thương mại lớn của Việt Nam như Trung Quốc, Mỹ, EU đang có xu hướng giảm về mức 2% và cầu tiêu dùng dần phục hồi; (ii) Giá dầu và một số hàng hóa lương thực không có nhiều rủi ro tăng mạnh; (iii) Chính sách tài khóa lỏng kết hợp chính sách tiền tệ lỏng nhằm hỗ trợ tăng trưởng vẫn duy trì nhưng không mạnh như cuối năm 2023; (vi) Thị trường bất động sản chưa có nhiều dấu hiệu phục hồi; (v) Biện pháp kiểm soát lạm phát của chính phủ được tăng cường.
* PGS, TS. Ngô Trí Long, Chuyên gia Kinh tế, dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,5% - 3,6%. Lý do chính là bởi năm 2024, tình hình kinh tế thế giới và trong nước sẽ còn tiếp tục đối mặt nhiều khó khăn thách thức, nhưng áp lực lạm phát năm 2024 không quá lớn, vẫn nằm trong tầm kiểm soát song vẫn tiềm ẩn rủi ro tăng mạnh.
* TS. Lê Quốc Phương, Nguyên PGĐ Trung tâm Thông tin Công nghiệp & Thương mại - Bộ Công Thương, dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức 3,6% - 3,8%. Lý do chính là bởi: (i) Năm 2024 lạm phát ở các nền kinh tế lớn bắt đầu hạ, giá hàng hoá thế giới đang thấp và khó tăng đột biến; (ii) Các điểm nóng trên thế giới kéo dài… đẩy giá hàng hoá tăng; (iii) Kinh tế vĩ mô Việt Nam ổn định, cung hàng hoá dồi dào… giúp kiềm chế tăng giá; (iv) Lạm phát cơ bản năm 2023 cao nhất trong nhiều năm qua, tăng lương từ ngày 01/7/2024… gây áp lực tăng giá.
* PGS,TS. Nguyễn Bá Minh, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính, dự báo CPI bình quân 2024 so với năm 2023 sẽ tăng ở mức từ 3,2%-3,5%. Áp lực lạm phát trong năm 2024 có thể đến từ việc Nhà nước điều chỉnh lương cơ bản, tăng giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện theo lộ trình…