Ông có thể cho biết sau khi Đại hội Đảng bộ tỉnh, Vĩnh Long sẽ phát triển theo định hướng, phương hướng như thế nào?
- Định hướng phát triển của Vĩnh Long tập trung vào 3 mũi đột phá. Đầu tiên là khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực đã được đào tạo, bao gồm cả đào tạo chuẩn hóa trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đạo đức công vụ, công khai, minh bạch trong tuyển dụng, bố trí đúng người, đúng việc, đúng vị trí công tác.
Mũi đột phá thứ hai là đầu tư hạ tầng kinh tế và xã hội, trong đó tỉnh tập trung cao nhất là hạ tầng về kinh tế, nhất là giao thông, đường, trạm, đặc biệt là xây dựng các thiết chế văn hóa và giáo dục ở cấp cơ sở. Cùng với đó, Vĩnh Long sẽ tập trung đột phá cho công nghiệp, trong đó đi sâu vào công nghiệp bảo quản, chế biến và bảo quản sau thu hoạch. Ban hành những chính sách, cơ chế đồng bộ mời gọi đầu tư, mở rộng đầu tư để nâng cao giá trị và hàm lượng, chất lượng nông sản của tỉnh tham gia thị trường.
Kế hoạch 5 năm tới, Vĩnh Long đặt mục tiêu phát triển cụ thể như thế nào?
- Trong nhiệm kỳ 2010-2015, Vĩnh Long đã đạt mục tiêu tỉnh “trung bình khá” nên sẽ phấn đấu đến năm 2020 thành tỉnh khá trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long với rất nhiều chỉ tiêu nên rất cần sự nỗ lực, nhất là của lãnh đạo địa phương huy động nỗ lực toàn dân, lòng tin của ngườiơidân mới thành công. Ngoài ra còn sự hỗ trợ của Trung ương thông qua tạo điều kiện công bằng, bình đẳng và chính sách cởi mở, hạn chế xin - cho trong cơ chế hỗ trợ.
Từ những thế mạnh sẵn có, Vĩnh Long chọn định hướng lấy “nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ” làm mũi nhọn phát triển kinh tế. Trong đó nông nghiệp hướng vào nông nghiệp công nghệ cao, ứng dụng khoa học kỹ thuật, cơ giới hóa các hoạt động sản xuất. Dồn lực vào công nghiệp hạ tầng phục vụ cho phát triển nông nghiệp và tập trung cho các dịch vụ đi kèm các ngành kinh tế. Đồng thời, tỉnh sẽ quan tâm đặc biệt đến các dịch vụ liên quan đến giáo dục, đào tạo, y tế, du lịch.
Là địa phương nhỏ ở Đồng bằng sông Cửu Long, Vĩnh Long sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển chung của vùng với việc thực hiện các đột phá trên?
- Là 1 trong 13 tỉnh của Đồng bằng sông Cửu Long nhưng có vị trí quan trọng vì nằm ở trung tâm của đồng bằng, hạ lưu sông Mê Kông, Vĩnh Long có gần 1 triệu dân và đóng góp hơn 1 triệu tấn lương thực hàng năm, có nhiều nông, thủy sản xuất khẩu có giá trị. Nhờ đó, không chỉ tham gia ổn định kinh tế - xã hội, phát triển đời sống dân cư của địa phương mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực, nộp cho ngân sách và phát triển địa phương.
Khi phát triển kinh tế đúng yêu cầu, mục tiêu, Vĩnh Long có nền tảng quan trọng để hỗ trợ cho sự phát triển của các đô thị lớn như TP HCM, TP Cần Thơ... thông qua cung cấp lương thực, thực phẩm, dịch vụ và là thị trường tiêu thụ sản phẩm, tạo liên kết vùng cho các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trong mối liên kết vùng, nếu một tỉnh yếu thì sẽ là lực cản cho sự phát triển chung của vùng.
Vì vậy, sự phát triển của Vĩnh Long là đóng góp quan trọng để Đồng bằng sông Cửu Long cùng cả nước vươn lên phát triển kinh tế - xã hội đúng mục tiêu, yêu cầu, đảm bảo sự bền vững, tiến bộ.
Vậy tỉnh nhìn nhận điểm hạn chế nhất của địa phương cần khắc phục trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội là gì, thưa ông?
- Theo tôi, đó là cải cách hành chính. Ngay Trung ương cũng có những xung đột, văn bản chồng chéo mà địa phương khó thực hiện. Tiếp đó là sự phối kết hợp của sở, ngành ở địa phương để thực hiện chính sách “một cửa một dấu” tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư, các doanh nghiệp, tạo thuận lợi và sự hài lòng nhiều nhất cho người dân là vấn đề Vĩnh Long còn yếu, nên bây giờ cần tập trung cải cách hành chính, coi đây là khâu đột phá số 1 với các giải pháp trong hành động, tập trung vào đội ngũ công chức, công vụ, triển khai, đề cao các giải pháp liên quan đến chuyên môn, vị trí công tác, đạo đức của cán bộ, công chức.
Cùng với đó, trình tự hành chính phải rõ, minh bạch, tránh xung đột, ứng dụng công nghệ thông tin, minh bạch, công khai các hoạt động trong điều hành, tổ chức thực hiện các công việc của tỉnh. Ngoài ra, ban hành đủ các cơ chế, chính sách phát triển và hậu cần phục vụ cũng như những chính sách đãi ngộ, tôn vinh kịp thời những điển hình thành công, phê phán những tổ chức, cá nhân bê bối, làm không có kết quả.
Trong nhiệm kỳ 2015- 2020, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đã xác định 6 nhiệm vụ trọng tâm sẽ tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đó là tiếp tục huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh của tỉnh trong phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng. Thứ hai là đổi mới mô hình tăng trưởng và tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới.
Thứ ba là đẩy mạnh phát triển văn hóa- xã hội gắn với thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội. Thứ tư là nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, nhất là về thu hút đầu tư, quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường.
Thứ năm là tăng cường quốc phòng- an ninh, giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Thứ sáu là tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức Đảng; hiệu lực, hiệu quả điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu quả tập hợp quần chúng của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội.