Đầu tháng 4/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã tiến hành xét xử sơ thẩm vụ án và tuyên phạt 24 bị cáo về các hành vi giết người, cố ý gây thương tích, cố ý làm hư hỏng tài sản và gây rối trật tự công cộng. Tuy nhiên, dư luận vẫn chưa hết bức xúc vì theo họ, cơ quan chức năng đã bỏ lọt tội phạm giết người. Hơn nữa, trong lúc chờ phiên tòa phúc thẩm diễn ra thì có một số đối tuợng “lạ mặt” đã tìm đến nhà bị hại dọa giết…
Theo phản ánh của ông Trần Trọng Lý (SN 1959) và anh Nguyễn Văn Lâm (SN 1968, cùng ngụ thôn Nam Tân, xã Chư K’bô, bị hại trong vụ án trên), sau ngày xảy ra vụ ẩu đả giữa hai đám trai làng Nam Lộc và Nam Tân, cả hai đã bị dọa giết nhiều lần. Bản thân ông Lý bị hai đối tượng lạ mặt tìm đến nhà đâm trọng thương phải đi cấp cứu.
Người quen cũng chém
Theo bản kết luận điều tra số của Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Đắk Lắk thể hiện: “Vào hồi 18h ngày 21/1/2012, tại nhà của Nguyễn Văn Hải (thôn Nam Lộc), có tổ chức một bữa nhậu tất niên có khoảng 50 thanh niên tham gia. Cùng thời điểm này, tại nhà của Nguyễn Văn Đức (thôn Nam Tân), cũng có khoảng hơn 20 thanh niên cũng tổ chức vui chơi, ăn uống.
Đến khoảnh 20h cùng ngày, Đức qua nhà Hải để góp vui. Tuy nhiên, tại đây, Đức đã xảy ra mâu thuẫn với Đặng Văn Sơn (bạn của Hải) nên rủ bạn cùng thôn là Nguyễn Tất Định về trước. Sơn thấy vậy vô cùng bực tức, liền kéo thêm mấy thanh niên đuổi theo, dùng gạch đánh vào đầu Đức rồi nhờ người đi đường chở Đức về nhà. Lúc này, ở nhà Đức vẫn còn vài thanh niên ngồi chơi, Đức gọi bạn đòi đi trả thù nhưng được gia đình can ngăn.
Sau khi ăn nhậu, Nguyễn Hữu Huynh (bạn của Hải) lấy xe máy chở bạn gái về gần đến quán ăn Minh Thư dọc theo Quốc lộ 14 (đoạn qua thôn Nam Anh, xã Chư K’bô) thì bất ngờ bị 2 thanh niên đi xe máy (chưa xác định được) đánh vào đầu. Cho rằng mình bị thanh niên thôn Nam Tân đánh, nên Huynh liền quay xe lại nhà Hải và yêu cầu mọi người trả thù cho mình.
Nghe thấy vậy, Nguyễn Văn Hiến (SN 1976, anh trai của Hải) liền lấy ra từ trong xe ôtô của mình ra một cây kiếm múa khuơ khuơ qua lại, rồi hô hào, kích động đám thanh niên Nam Lộc qua thôn Nam Tân trả thù. Thấy vậy thì một số thanh niên ở đây liền tỏa ra hai bên bờ rào nhổ cây hàng rào làm hung khí đi đánh nhau.
Trên đường đi đến thôn Nam Tân, nhóm của Hiến gặp ông Trần Trọng Lý (SN 1959) đi bộ ngược chiều, lúc này tên Hiến hô: “Ai dân Nam Tân đập hết”, ông Lý nghe thấy vậy liền nói: “Tao Lý “trút” đây”, dù là người quen nhưng Hiến vẫn điên cuồng cầm kiếm xông vào chém trúng tay phải ông Lý, sợ quá ông Lý bỏ chạy thì bị bọn chúng cầm gậy phang vào chân. Dù may mắn chạy thoát được nhưng ông Lý bị thương phần mềm cẳng tay, gãy xương, thương tích 10%.
Đập cả công an viên
Trong lúc tiếp tục di chuyển vào thôn Nam Tân đến quán tạp hóa, qua ánh điện chiếu sáng thì bọn chúng phát hiện ra anh Nguyễn Văn Sơn (công an viên thôn Nam Tân) có mặc đồ công an viên cùng anh Nguyễn Văn Lâm (người dân Nam Tân) đang giữ một người bạn của bọn chúng nên yêu cầu anh Sơn thả người này ra.
Thấy bọn chúng cầm kiếm với thái độ hung dữ thì anh Sơn liền nói: “Tôi là công an đang làm nhiệm vụ, tôi đến để bảo vệ hiện trường, đề nghị các anh giải tán”. Nhưng bọn chúng không nghe mà còn xông lên tấn công hai người này.
Anh Sơn bị bọn chúng dùng gậy đánh trúng chân té ngã xuống đường, rồi liên tiếp đánh lên đầu, chân, lưng khiến anh ngất xỉu. Khi vợ anh Sơn chạy đến nằm đè lên người chồng rồi dùng sức đẩy chồng vào gốc cà phê gần đó thì đám thanh niên Nam Tân xuất hiện nên đám thanh niên Nam Lộc mới chịu dừng tay. Tại biên Kết luận giám định pháp y thương tích xác định anh Lâm bị đa thương, chấn thương khớp gối, vỡ xương bánh chè trái, tỷ lệ thương tích 31%.
Riêng Hiến dùng kiếm xông lên chém anh Lâm, anh Lâm đưa tay trái lên chém thì bị chém trúng vào cánh tay trái, mũi kiếm bị chém trúng trán gây chảy máu. Sợ quá, anh Lâm quỳ xuống xin: “Tôi xin chú Hiến đừng có chém tôi, tôi không làm gì chú cả”, rồi bất ngờ anh Lâm đứng lên bỏ chạy thì bọn chúng không đuổi theo. Anh Lâm bị đa thương vùng đầu và tay trái, tỷ lệ thương tích 18%.
3 phát súng chỉ thiên không cứu được mạng người
Trong lúc đánh nhau, thấy nhóm thanh niên thôn Nam Lộc quá hung hãn nên số thanh niên thôn Nam Tân rút lui vào trong sân nhà anh Nguyễn Văn Đức, đóng cửa lại để trốn.
Sau khi dùng gậy gộc, đất đá ném vào nhà Đức, nhóm thanh niên thôn Nam Lộc tiếp tục phá cổng sắt xông vào nhà Đức. Thấy vậy, hai anh em Đức xông ra chặn lại thì bị một đoạn gậy muồng bằng cổ tay phang thẳng vào đầu. Em trai của Đức cũng bị một khúc gỗ loại 3 vuông dài khoảng 70cm đánh trúng vào lưng, chân.
Sau đó, đám thanh niên Nam Lộc còn hung hăng phá cửa kính phòng khách và cửa sổ và một số xe máy dựng ở sân nhà Đức. Chỉ khi Hiến hô rút lui thì đám thanh niên mới chịu ngừng tay.
Cũng lúc này, Phó Trưởng công an xã Cư Kpô là Lê Văn Hóa xuất hiện để ngăn chặn cuộc ẩu đả. Thấy tình hình quá căng thẳng nên đồng chí Hóa đã rút súng bắn 3 phát chỉ thiên thì đám thanh niên thôn Nam Lộc mới dừng lại và bỏ chạy.
Những thanh niên thôn Nam Tân được đưa đi cấp cứu cấp tốc, nhưng Đức đã tử vong tại chỗ. Tại bản Kết luận giám định pháp y của Trung tâm giám định pháp y tỉnh Đắk Lắk kết luận, nguyên nhân tử vong của Đức là do hôn mê, suy hô hấp không hồi phục. Do chấn thương sọ não, vỡ sọ, dập não nặng. Ngoài em trai Đức bị thương tích 48% thì còn có gần chục người khác bị thương với tỷ lệ thương tật thấp nhất là 4%, cao nhất là 48%.
Trên cơ sở tài liệu chứng cứ đã được thu thập, cũng như kết quả khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi cùng lời khai các nhân chứng cũng như lời nhận tội của các bị can là hoàn toàn đúng với thực tế xảy ra.
Bỏ lọt tội phạm?
Theo chứng cứ thu thập được, cơ quan công an cũng xác định ngoài 23 đối tượng tham gia vụ đánh nhau thì Hiến cũng đã tham gia cùng đồng bọn sang thôn Nam Tân để đánh nhau. Quá trình tham gia Hiến đã hô hào kích động cho đồng bọn đánh các nạn nhân của thôn Nam Tân. Bản thân Hiến còn dùng kiếm chém thương tích ông Lý và anh Lâm. Trên cơ sở đó, cơ quan điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can về tội “Cố ý gây thương tích” đối với Hiến, đồng thời đề nghị Viện KSND tỉnh Đắk Lắk phê chuẩn quyết định khởi tố bị can cũng như lệnh bắt để tạm giam đối với Hiến. Tuy vậy, đến ngày 26/12/2012, Viện KSND tỉnh có công văn số 1054 từ chối phê chuẩn quyết định khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Văn Hiến.
|
Nghi vấn nhiều tội phạm bị bỏ lọt nên dân làng nơm nớp lo sợ. |
Ngày 30/9/2013, TAND tỉnh Đắk Lắk đã ra quyết định trả hồ sơ cho VKSND tỉnh để điều tra bổ sung, làm rõ những tình tiết liên quan đến Nguyễn Văn Hiến. Tuy nhiên, ngày 3/10/2013, VKSND tỉnh có văn bản trả lời TAND tỉnh rằng: Bản thân Hiến không thừa nhận tham gia thực hiện hành vi phạm tội, không chứng minh và thu giữ được vật chứng (cây kiếm) nên không có cơ sở để khởi tố bị can. Do đó, VKSND tỉnh vẫn giữ nguyên nội dung truy tố như bản Cáo trạng số 08 ngày 18/3/2013 và đề nghị TAND tỉnh đưa vụ án ra xét xử.
Đến ngày 7/4/2014, TAND tỉnh Đắk Lắk đã đưa vụ án trên ra xét xử công khai. Tại phiên tòa, luật sư bảo vệ lợi ích hợp pháp cho gia đình anh Đức trình bày, bản cáo trạng của Viện kiểm sát còn bỏ lọt tội phạm đối với Nguyễn Văn Hiến, vì trong số 14 bị cáo thôn Nam Lộc thì có đến 13 bị cáo đã khai nhận tại cơ quan cảnh sát điều tra rằng có sự tham gia của Hiến trong quá trình đánh nhau ở thôn Nam Tân. Hành vi của Hiến có dấu hiệu cấu thành tội giết người và cố ý gây thương tích.
Tại tòa, bị hại Nguyễn Văn Lý và Nguyễn Văn Lâm tranh luận, không đồng ý với bản cáo trạng của Viện kiểm sát, cả hai cùng xác nhận Hiến là người chém mình. Vết thương trên cơ thể hai người đã thể hiện rõ điều đó.
Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên bố xử phạt Hà Thăng Long, Đặng Văn Sơn 20 năm tù về tội giết người. 22 bị cáo còn lại lần lượt nhận bản án từ 6 tháng đến 10 năm tù về tội cố ý gây thương tích, gây rối trật tự công cộng.
Riêng đối với trường hợp của Nguyễn Văn Hiến, HĐXX thấy việc không truy tố Nguyễn Văn Hiến về 2 tội cố ý gây thương tích và giết người là bỏ lọt tội phạm. Do đó, HĐXX đã kiến nghị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm đối với các bị cáo Hà Thăng Long, Võ Văn Dũng, Hoàng Đức Vũ, Hồ Viết Nam, Hà Thu Quang, Nguyễn Văn Hào, Nguyễn Kim Nguyên, Phạm Văn Dũng, Nguyễn Thành Đồng để điều tra lại nhằm khởi tố, truy tố và xét xử Nguyễn Văn Hiến.
Dư luận bất bình, bị hại hoang mang vì bị dọa giết
Việc Nguyễn Văn Hiến, người liên quan trực tiếp đến vụ án mà không bị cơ quan tố tụng truy tố khiến dư luận không đồng tình và có phần bất bình. Riêng các nạn nhân liên quan, cũng là nhân chứng trong vụ án thì hết sức hoang mang, lo lắng, họ phải cầu cứu đến các cơ quan chức năng vì bị dọa giết nhiều lần.
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Trọng Lý cho biết: “bản thân tôi là nạn nhân bị tên Hiến dùng kiếm chém bị thương tật 10%. Việc Viện kiểm sát không xem xét các chứng cứ mà cụ thể là vết thương trên cơ thể tôi và anh Lâm mà chỉ nghe lời khai từ một phía là tên Hiến, khiến chúng tôi không chấp nhận được. Không thể có chuyện mặc sức gây nên tội rồi chối tội là thoát tội được”.
Mặt khác, sau ngày sự việc xảy ra, ông Lý đã nhiều lần bị Hiến đe dọa đến tính mạng. Cụ thể, trước ngày diễn ra phiên tòa xét xử vụ án trên (sáng ngày 6/4/2014), ông Lý đang chạy xe máy trên đường thì tên Hiến xuất hiện, điều khiển chiếc xe ôtô màu đỏ mang BKS 61C-01732 tăng tốc, cố tình lao vào khi ông Lý may mắn tránh được. Chiếc xe này liền ép xe máy của ông khiến ông Lý té xuống đường. Khi ông Lý lên xe đi tiếp đến địa phận thị xã Buôn Hồ thì Hiến đuổi theo ép ông Lý xuống xe, rồi chỉ tay thẳng mặt, dùng những lời lẽ thô tục, đe dọa ông Lý.
|
Anh Sơn và anh Lâm hết sức lo lắng vì sợ bị trả thù |
Ngày hôm sau (tức ngày 7/4/2014), tại trụ sở TAND tỉnh Đắk Lắk, trong phiên tòa xét xử vụ án trên, tên Hiến đã chỉ tay vào thẳng mặt con trai ông Lý là anh Trần Trọng Thường dọa: “Mày về nói với cha mày, hôm qua tao định tông xe cho cha mày chết nhưng tiếc là tao đâm trật”.
Đến ngày 11 và 12/4/2014, Hiến cùng một đàn em đến nhà ông Lý và người thân của ông để tìm nhưng đều không gặp. Tại đây, Hiến nói: “Có Lý “trút” ở đây không để giết và tiêu hủy luôn”.
Cho đến ngày 23/4/2014, khi ông Lý đang ở nhà thì bị 2 thanh niên lạ mặt (trong đó có 1 tên bịt mặt) đến khống chế, đâm vào đùi rồi tẩu thoát. Sau khi được người nhà đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ (tỉnh Đắk Lắk), thì ông Lý được chuyển xuống Bệnh viện Chợ Rẫy (Thành phố Hồ Chí Minh) theo dõi, điều trị. Riêng vụ việc này, gia đình ông đã làm đơn trình báo lên Công an xã Cư Kpô và Công an huyện Krông Búk. Tính đến thời điểm hiện tại, vết thương trên cơ thể ông Lý vẫn chưa bình phục, ông mới tập tễnh đi lại được vài ngày. Do hoảng loạn tinh thần và đảm bảo sự an nguy nên con cháu ông Lý luôn túc trực để bảo vệ và chăm sóc cho cha mình.
Không chỉ có ông Lý mà anh Nguyễn Văn Lâm cũng đang hết sức lo sợ bị Hiến trả thù. Anh Lâm không giấu nổi lo lắng cho biết: “Ngày 7/4, sau khi TAND tỉnh kết thúc phiên xét xử, tên Hiến đã chỉ thẳng vào mặt tôi chửi bới và dọa sẽ lấy mạng tôi chỉ với giá 50 triệu. Từ ngày đó tới nay, hằng ngày tôi và gia đình luôn sống trong nỗi thấp thỏm lo sợ. Mong cơ quan chức năng sớm vào cuộc để người dân chúng tôi an tâm, chứ cứ thế này sao sống nổi!”.
Anh Lâm cho biết thêm, “thời gian qua có rất nhiều đối tượng lạ mặt xuất hiện, đi qua đi lại trong thôn. Cách đây khoảng 20 ngày, bọn chúng đi xe máy đến cổng nhà tôi rồi dừng lại, ngó nhìn vào trong, cả nhà tôi lo sợ chốt cửa lại không dám đi ra ngoài. Nếu có việc ra ngoài thì cũng phải ngó trước, dòm sau, nhờ người đưa đi. Tôi cũng không dám cho vợ con ra ngoài một mình, nhỡ đâu có chuyện không lành xảy ra thì tôi biết làm sao?”.
Có thể thấy, những người dân vô tội như ông Lý, anh Lâm, anh Sơn cùng gia đình họ đang rất hoang mang, lo lắng cho sự an nguy tính mệnh của mình. Hàng ngày họ phải sống trong sự lo âu, sợ hãi vì có những đối tượng coi thường tính mạng người dân, mặc sức dọa giết khiến họ phấp phỏng vì sợ hãi. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng nhanh chóng có phương hướng xử lý kịp thời, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra.