Không tác động đến nhiều hộ tiêu dùng
Ngày 5/11, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tổ chức lấy ý kiến về Đề án nghiên cứu cải tiến cơ cấu biểu giá điện bán lẻ. Đại diện Nhóm tư vấn - PGS.TS Bùi Xuân Hồi (Bộ môn Kinh tế Năng lượng, Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, quyết định biểu giá điện bán lẻ hiện hành đã ra đời 5 năm, có thể không còn phù hợp với bối cảnh sản xuất và tiêu dùng điện hiện nay nên việc xây dựng biểu giá mới là cần thiết.
Sau quá trình nghiên cứu và tính toán, Nhóm Tư vấn đã đề xuất 3 phương án với số bậc thang lần lượt là 3, 4 và 5. Ông Hồi khẳng định, cả 3 phương án này đều không gây tác động đến nhiều hộ tiêu dùng, xã hội, không tác động đến chỉ số giá tiêu dùng vì tổng chi tiêu không tăng nhưng doanh thu của EVN sẽ giảm nhẹ.
Theo đề xuất, với phương án 5 bậc, gom bậc 1-2 theo biểu giá cũ thành bậc 1 (0-100kWh); giữ nguyên bậc 2 (101-200kWh), bậc 3 sẽ bắt đầu từ số điện 201-400, bậc 4 từ số điện 401-700 và bậc 5 là trên 700 số điện. Phương án 4 bậc thang cũng chia bậc 1 ở mức dưới 100 kWh; bậc 2 từ 101-300 kWh; bậc 3 từ 301-600 kWh; bậc 4 dành cho các hộ sử dụng trên 600 kWh. Phương án 3 bậc thang: bậc 1 dưới 100 kWh; bậc 2 từ 101-400 và bậc 3 trên 400 kWh.
Đáng chú ý, trong cả 3 đề xuất thay đổi số bậc thang mà Nhóm Tư vấn đưa ra, tất cả các hộ dùng điện từ trên 300 kWh/tháng sẽ được giảm tiền điện, mức giảm tùy theo sản lượng điện sử dụng, có thể lên đến gần 200.000 đồng/hộ. Tuy nhiên, theo Nhóm Tư vấn, phương án 5 bậc thang là khả thi nhất vì hộ tiêu dùng phổ biến ở mức 101-200 kWh sẽ chịu tác động thấp nhất.
Ngoài việc, đưa ra 3 phương án cải tiến biểu giá điện, Nhóm Tư vấn còn mong muốn sẽ luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện 6 tháng/lần, thời kỳ điều chỉnh theo mùa (mưa và khô) vào các ngày 1/3 và 1/9 hàng năm, tránh các thời điểm nhạy cảm và sẽ có kỳ điều chỉnh bất thường khi có đột biến đầu vào như giá nhiên liệu trên thị trường quốc tế có thay đổi đáng kể, tác động đến giá sản xuất và chi phí mua điện.
Ý kiến chuyên gia
Giáo sư Trần Đình Long khuyến cáo, chỉ cần tăng giá điện trung bình một chút thì doanh thu EVN sẽ tăng cao và ngược lại, nếu giảm nhẹ giá điện thì doanh thu EVN sẽ giảm nhiều nên phải tính toán cẩn thận. Theo các phương án mà nhóm tư vấn đưa ra, GS Long cũng nghiêng về phương án 5 bậc thang, nhưng theo ông Long, cách tính cải tiến này chưa khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái, cần phải đưa biểu giá điện bậc cao ở mức cao hơn để khuyến khích dùng điện mặt trời áp mái.
Giáo sư Long cũng đồng ý với việc cần luật hóa chu kỳ điều chỉnh giá điện, điều này rất cần thiết trong nền kinh tế thị trường. Ông ví dụ, ở Thái Lan 1 năm có tới 3 lần điều chỉnh giá điện. Chênh lệch cao điểm lớn nhất và thấp nhất chưa đủ nhiều để thấy cần phải tiết kiệm điện.
Giáo sư Trần Văn Bình - Viện Kinh tế Quản lý (Đại học Bách khoa Hà Nội) cũng cho biết, từ 15 năm trước ông đã đề xuất điều chỉnh giá điện 2 lần/năm, ngành Điện biến động giá nhiều, tùy vào thời tiết, nếu mưa nhiều giá điện thấp, nếu hạn hán dùng nhiệt điện than thì giá điện cao, do đó, phải điều chỉnh dần để người tiêu dùng tạo thành thói quen sử dụng tiết kiệm điện, không nên điều chỉnh “sốc” như kỳ vừa rồi (2 năm mới cho tăng một lần và tăng ở mức sốc 8-10%). Ông Bình cũng tán thành phương án cải tiến thành 5 bậc thang là phù hợp.
Trong khi đó, ông Nguyễn Tiến Thỏa - nguyên Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) lại cho rằng, giá điện không phải là chi phí mà là chính sách khuyến khích tiết kiệm điện do tài nguyên không phải vô tận, thậm chí đang cạn kiệt. “Dùng nhiều trả càng cao là ứng xử về giá đối với quy luật khan hiếm tài nguyên” – vị này khẳng định, đồng thời cho rằng, nên xem lại cách bố trí bậc thang trong biểu giá 5 bậc, khoảng cách về giá cần tương ứng với sản lượng điện tiêu dùng, tốc độ tăng sản lượng từng bậc với tăng về giá. Cách tính mức giá của từng biểu giá cũng chưa phù hợp.
Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung cũng đồng ý với các đề xuất và “cơ bản áp dụng được”. Biểu giá và mức giá chấp nhận được. Ông Cung cũng nghiêng về phương án 5 bậc thang vì phản ánh sát hơn chi phí phát sinh cho hệ thống điện.