3 quốc gia thuộc Liên Xô cũ muốn gia nhập EU

(PLVN) - Các nhà lãnh đạo của Gruzia, Moldova và Ukraine đã vận động Liên minh châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh vào thứ Tư để cho phép họ bắt đầu đàm phán gia nhập khối.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel gặp lãnh đạo các "Đối tác phương Đông" gồm Ukraine, Armenia, Azerbaijan, Gruzia, Moldova, trong Hội nghị thượng đỉnh châu Âu tại tòa nhà Hội đồng châu Âu ở Brussels, Bỉ, ngày 15/12/2021. Ảnh: Reuters

Hội nghị thượng đỉnh 'Đối tác phương Đông' kéo dài một ngày cũng nhấn mạnh thành công hạn chế của cách tiếp cận của EU đối với sáu nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Trong số 6 nước, Gruzia, Moldova và Ukraine mong muốn được gia nhập EU trong khi các nhà lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan tham dự hội nghị thượng đỉnh nhưng không tìm kiếm tư cách thành viên EU. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không tham gia do đang bị ảnh hưởng bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây.

"Mục tiêu của chúng tôi là trở thành thành viên đầy đủ trong Liên minh châu Âu", Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy cho biết trên Twitter sau cuộc gặp Chủ tịch Hội đồng Châu Âu Charles Michel.

Tổng thống Moldova, Maia Sandu.

Tổng thống Moldova, Maia Sandu, nói với Reuters hôm thứ Ba rằng đất nước của bà mong muốn gia nhập EU và đã nói với Nga về ý định của mình.

Các đoạn trích của dự thảo tuyên bố cuối cùng của hội nghị thượng đỉnh (sẽ được công bố sau Hội nghị), cho thấy EU sẽ "ghi nhận nguyện vọng của châu Âu và sự lựa chọn châu Âu" về mối quan tâm của năm quốc gia liên quan.

Theo sáng kiến "​​Đối tác phương Đông", các nước đang được EU cung cấp tiền, hỗ trợ kỹ thuật và thương mại tự do nhưng không phải là thành viên. Nhưng gia nhập EU vẫn là một mục tiêu hấp dẫn.

Mối quan hệ của Nga với khối 27 quốc gia đã rất nguội lạnh kể từ khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014, khiến phương Tây trừng phạt Moscow.

Phát biểu tại trụ sở NATO trước hội nghị thượng đỉnh hôm thứ Tư, Thủ tướng Gruzia Irakli Garibashvili kêu gọi phương Tây cho phép đất nước của ông tham gia vào liên minh quân sự Đại Tây Dương (NATO), một mục tiêu được Ukraine tìm kiếm.

Ông Garibashvili nói với các phóng viên rằng: “Mỗi và mọi quốc gia đều có quyền chủ quyền trong việc lựa chọn đường lối chính sách đối ngoại của riêng mình".

Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel chào mừng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy trước cuộc họp giữa lãnh đạo các nước EU và chính phủ của "Đối tác phương Đông" ngày 15/12/2021. Ảnh: Reuters

Ukraine hiện là tâm điểm chính giữa Nga và phương Tây. Hoa Kỳ cho biết Nga đã tập trung hơn 100.000 quân ở biên giới Ukraine, có thể là để chuẩn bị cho một cuộc xâm lược. Moscow nói rằng các hành động của họ hoàn toàn mang tính chất phòng thủ và cáo buộc Kyiv và phương Tây có hành vi khiêu khích.

Vào thứ Tư, Thủ tướng mới của Đức, Olaf Scholz và Chủ tịch Ủy ban điều hành của EU đều cảnh báo Nga về "các biện pháp trừng phạt kinh tế đau đớn hơn" nếu nước này vi phạm toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.

Trong phiên họp thứ Năm, các nhà lãnh đạo EU sẽ thảo luận về các biện pháp mới có thể áp dụng chống lại Nga.

Đọc thêm