Theo đó, 3 tổ chức này kiến nghị Bộ Công Thương không phát triển thêm các dự án điện than mới, đặc biệt là trong giai đoạn 10 năm tới, thay vào đó có các giải pháp đồng bộ để đẩy mạnh hơn nữa phát triển năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời phân tán và điện gió.
Cụ thể, Liên minh năng lượng bền vững Việt Nam (VSEA), Liên minh Phòng chống các Bệnh không lây nhiễm Việt Nam (NCDs-VN) và Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam (VRN) cho rằng, Dự thảo Quy hoạch điện VIII này cho thấy xu hướng giảm dần tốc độ phát triển điện than và tăng dần tốc độ phát triển năng lượng tái tạo theo các giai đoạn. Tuy nhiên trong vòng 10 năm tới (2021-2030) nhiệt điện than vẫn được ưu tiên tăng mạnh – bổ sung khoảng 17 GW điện than mới vào hệ thống.
Tổng công suất nhiệt điện than bổ sung trong giai đoạn 2021-2045. |
Vì vậy, các tổ chức này đề nghị Bộ Công Thương xem xét tính phù hợp, khả thi và hệ lụy của kế hoạch tiếp tục phát triển điện than mới như: bài học phát triển nhiệt điện than ở giai đoạn trước (2016-2020) cho thấy loại hình này gặp rất nhiều khó khăn về huy động vốn, người dân và chính quyền địa phương không ủng hộ,… dẫn tới chỉ đạt được khoảng 57,6% kế hoạch theo QHĐ VII điều chỉnh. “Trong giai đoạn 5 năm vừa qua, chỉ có khoảng 7 GW điện than vào vận hành, trong đó riêng năm 2020 chỉ có duy nhất 1 tổ máy (0,6 GW) vào vận hành. Những khó khăn này sẽ tiếp tục trong tương lai, dẫn tới nguy cơ tiếp tục chậm tiến độ của các dự án điện than” – các tổ chức này cho hay.
Tổn thất kinh tế cho xã hội do chi phí y tế, giảm năng suất lao động và tuổi thọ ước tính vào khoảng 270 triệu USD hàng năm. Tính theo vòng đời 30 năm của những dự án này, tổng số ca tử vong sớm ước tính khoảng 46.000. Tổn thất kinh tế cộng dồn sau 30 năm lên tới 8 tỷ USD”..
Bên cạnh đó, 86% công suất nguồn than mới phải sử dụng nhiên liệu nhập khẩu cho thấy sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung bên ngoài, trong khi khả năng nhập khẩu từ các nguồn đang được xác định trong dự thảo dự báo gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng tới an ninh năng lượng quốc gia.
Cũng theo VSEA, NCDs-VN và VRN, các nhà máy điện than mới với công nghệ cao hơn không giải quyết được triệt để vấn đề môi trường, đồng thời khiến loại hình này trở nên đắt đỏ hơn so với phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
“Nếu tiếp tục phát triển điện than mới sẽ đặt Việt Nam ở chiều ngược lại với xu thế của thế giới và nỗ lực thực hiện mục tiêu khí hậu của Thỏa thuận Paris. Để đạt được mục tiêu này thời hạn muộn nhất phải đóng cửa tất cả các nhà máy điện than trên toàn cầu là năm 2040. Các nhà máy điện than như dự thảo hiện tại sẽ tiếp tục vận hành ít nhất tới năm 2050, thậm chí tới 2070” - VSEA, NCDs-VN và VRN nhấn mạnh.
Theo kịch bản chọn trong dự thảo QHĐ VIII, với cơ cấu nguồn điện đề xuất thì tổng lượng phát thải các khí ô nhiễm tăng liên tục từ 9,5 nghìn tấn vào năm 2020 tới trên 42 nghìn tấn năm 2035 (tăng khoảng 4 lần). Lượng phát thải này tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm không khí, tác động đến môi trường sinh thái và sức khỏe cộng đồng. Lượng phát thải này được xác định chủ yếu từ các nhà máy nhiệt điện than có trong quy hoạch và đã được tính toán thành chi phí. So sánh từng nguồn nhiên liệu riêng biệt cho thấy chi phí thiệt hại liên quan đến than là cao hơn cả và có tốc độ tăng nhanh chóng theo tốc độ tăng của nguồn điện này.
Ngoài ra, dự thảo cũng chỉ rõ phát tán bụi gây ô nhiễm không chỉ riêng tại địa phương có nhà máy mà có tính phát tán theo vùng (ví dụ như việc Hà Nội hứng chịu bụi từ các nhà máy tại khu vực Đông Bắc Bộ). Nghiên cứu nêu trên của Trung tâm CREA cũng chỉ ra rằng các địa phương có nhà máy chỉ chịu ảnh hưởng khoảng 7%, khoảng 93% tác động của những nhà máy này rơi vào các tỉnh/thành lân cận trên cả nước. Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đồng Nai, và Bình Dương là những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất.
Ở những tỉnh có nhiệt điện than như (Bình Thuận, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Dương…) do ô nhiễm môi trường khiến cho nhân dân khiếu kiện, biểu tình kéo dài, từ đó xuất hiện mâu thuẫn nội bộ.
Cần chú trọng và đẩy mạnh phát triển cho năng lượng tái tạo
Theo VSEA, NCDs-VN và VRN, hiện năng lượng tái tạo chưa được chú trọng phát triển trong 10 năm tới và cũng chưa thể hiện được sự đột phá.
Cụ thể, tổng công suất năng lượng tái tạo (điện mặt trời và điện gió) được huy động vào cơ cấu nguồn rất thấp so với tiềm năng: chỉ khoảng 4-5% vào năm 2030, và 13-16% vào năm 2045.
Một số loại hình năng lượng tái tạo có lợi thế về giá thành ngày càng giảm và giải pháp đột phá không được huy động trong 10 năm tới, cụ thể: Điện mặt trời: phát triển rất ít, chỉ có khoảng 2 GW điện mặt trời được đưa vào vận hành; Điện mặt trời kết hợp với nông nghiệp: không được xem xét và có cơ chế khuyến khích phát triển; Điện gió ngoài khơi: chưa được đưa vào trong giai đoạn này; Thủy điện tích năng và pin tích năng: chưa được đưa vào trong giai đoạn này.
Tổng công suất điện mặt trời và áp mái bổ sung trong giai đoạn 2021-2045. |
VSEA, NCDs-VN và VRN cho rằng, hiện chưa có phương án huy động vốn cụ thể. Theo các tổ chức này, để thu xếp được khoảng 13 tỷ USD/năm, theo tính toán của chuyên gia khả năng thu xếp của tập đoàn trong nước vào khoảng 3 tỷ USD/năm. 77% còn lại phải huy động từ đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp và hộ dân trong nước.
Trong bối cảnh các chính phủ, chủ đầu tư, tổ chức tài chính và phi tài chính đang thoái vốn khỏi điện than, doanh nghiệp tư nhân trong nước không đủ tiềm lực đầu tư cho các dự án lớn, tính khả thi huy động vốn cho phát triển điện than là rất thấp, hoặc rủi ro cao khi phụ thuộc vào một nguồn cấp vốn duy nhất là Trung Quốc.
“Điều này là chưa phù hợp với tinh thần của Nghị quyết số 50-NQ/TW năm 2019 của Bộ Chính trị. Trong khi đó, điện mặt trời là loại hình phân tán, có thể phát triển ở quy mô nhỏ dễ dàng hơn trong huy động nguồn lực xã hội. Ngoài ra chuyển dịch đầu tư vào năng lượng tái tạo là xu hướng chung trên toàn cầu, Việt Nam cần nắm bắt cơ hội này” - VSEA, NCDs-VN và VRN nhận định.
Bên cạnh đó, 3 tổ chức này cho rằng đề xuất xem xét cấp bảo lãnh chính phủ cho các dự án BOT là không hợp lý. Mặc dù trần nợ công của Việt Nam đã giảm tuy nhiên cân đối vĩ mô của quốc gia còn yếu. Đặc biệt trong tình hình dịch bệnh Covid còn đang tiếp diễn, ưu tiên bảo vệ sức khỏe của nhân dân được đặt lên hàng đầu. Đây là những ưu tiên của chính phủ cần đầu tư nguồn lực thay vì dự phòng ngân sách bảo lãnh cho các dự án điện BOT đang tiềm ẩn nhiều rủi ro.