3 tuyến đường sắt phục vụ an sinh xã hội sẽ được Nhà nước hỗ trợ

(PLVN) - Các tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long sẽ được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.
Một chuyến tàu từ Hà Nội đến Đồng Đăng, Lạng Sơn.
Một chuyến tàu từ Hà Nội đến Đồng Đăng, Lạng Sơn.

Sau khi xét đề nghị của Bộ Giao thông vận tải và ý kiến của 2 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội và Bộ Tư pháp về chạy tàu an sinh xã hội, Thủ tướng Chính phủ vừa có Công văn số 933/TTg-CN đồng ý về nguyên tắc các tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được Nhà nước hỗ trợ khi thực hiện vận tải phục vụ nhiệm vụ an sinh xã hội.

Thủ tướng Chính phủ giao Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính và các cơ quan, địa phương, doanh nghiệp liên quan thực hiện chính sách chạy tàu an sinh xã hội theo đúng quy định của pháp luật về đường sắt, ngân sách nhà nước và quy định của pháp luật có liên quan, bảo đảm không để xảy ra tình trạng lạm dụng gây thất thoát ngân sách nhà nước.

3 tuyến đường sắt Hà Nội – Đồng Đăng, Hà Nội – Quán Triều và Yên Viên – Hạ Long được khôi phục chạy lại sau một thời gian bị tạm dừng hoặc giảm tần suất khai thác do mật độ khách đi ít, doanh thu không đủ bù chi phí.

Chạy tàu an sinh mang tính trách nhiệm với xã hội nhiều hơn là tính đến lỗ lãi. Nếu dừng chạy tàu an sinh thì quyền đi lại của người dân sẽ bị ảnh hưởng, hạ tầng đường sắt sẽ không được duy tu, bảo trì thường xuyên sẽ xuống cấp, hư hỏng và đây là điều lãng phí cực lớn.

Một số liệu thống kê cho biết, doanh thu mỗi chuyến tàu Hà Nội đi Đồng Đăng (Lạng Sơn), Quán Triều, Hạ Long (Quảng Ninh) chỉ từ 1,5 - 2 triệu đồng. Mỗi năm, ngành đường sắt phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng để bù lỗ cho những tuyến tàu này.

Đây đều là các tuyến tàu có cự ly ngắn, không cạnh tranh được với đường bộ, không có người đi tàu nên mức doanh thu/chuyến rất thấp, trong khi chi phí vận hành lại rất lớn.

Đọc thêm