300 đại biểu chính thức tham gia Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI

(PLVN) - Sáng nay - 01/10, tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh đã diễn ra phiên trọng thể Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 với phương châm “Dân chủ - Đổi mới - Đoàn kết - Sáng tạo”. Dự Đại hội có 300 đại biểu chính thức đại diện cho ý chí, nguyện vọng của gần 85.000 đoàn viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trực thuộc Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đại hội có sự tham dự của ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh; ông Nguyễn Đình Khang, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam…

Các đại biểu tham dự Đại hội.

Đại hội phấn khởi và vinh dự được đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng; lẵng hoa của ông Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lẵng hoa của ông Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; lẵng hoa của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Vương Đình Huệ.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đặng Hoàng Oanh tham dự Đại hội.

Theo Báo cáo của Đại hội, nhiệm kỳ qua, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tác động của đại dịch COVID-19, song với sự nỗ lực, sáng tạo của các cấp Công đoàn Viên chức Việt Nam, phong trào cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và hoạt động công đoàn đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hầu hết đa số các chỉ tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ đều đạt và vượt kế hoạch. Nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động được quan tâm, đầu tư nguồn lực, nhất là trong đại dịch COVID-19.

Công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục có nhiều đổi mới, sáng tạo thu hút đông đảo đoàn viên và người lao động tham gia. Các phong trào thi đua, các cuộc vận động tiếp tục phát huy hiệu quả với nhiều cách làm mới, sáng tạo, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị. Công tác xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền được triển khai có hiệu quả. Công tác nữ công, kiểm tra, giám sát, tài chính công đoàn được đổi mới, phù hợp với điều kiện thực tế và đúng quy trình, quy định chung, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh.

Quang cảnh đại hội.

Nhiệm kỳ 2023 - 2028, Đại hội hướng đến mục tiêu tập trung đổi mới nội dung và phương pháp hoạt động công đoàn theo hướng hiện đại, thiết thực, hấp dẫn; tăng cường nguồn lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; chủ động tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tích cực tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục đoàn viên; xây dựng các cấp công đoàn viên chức vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và cán bộ; tham gia cùng cấp ủy, chuyên môn xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động; đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, góp phần xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đại hội đề ra 3 khâu đột phá là: Xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn các cấp, tập trung là chủ tịch công đoàn cơ sở có bản lĩnh, kỹ năng, tâm huyết, trách nhiệm, sáng tạo, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; Phối hợp cùng lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Đẩy mạnh chuyển đổi số trong hoạt động cơ quan, đơn vị, chú trọng chuyển đổi số trong hoạt động công đoàn.

Đại diện Công đoàn Bộ Tư pháp do Chủ tịch Công đoàn Khương Thị Thanh Huyền (ngoài cùng bên trái) tham dự Đại hội.

Cùng với đó, Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI đề ra 8 nhóm nhiệm vụ giải pháp cụ thể như: Tập trung làm tốt nhiệm vụ đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động; Nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ; Làm tốt công tác vận động, khích lệ, tạo động lực để đoàn viên, người lao động hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, đổi mới tổ chức các phong trào thi đua yêu nước và nâng cao hiệu quả công tác khen thưởng;

Xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh toàn diện, tham gia xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; Nâng cao hiệu quả phong trào nữ cán bộ, công chức, viên chức, lao động và công tác nữ công công đoàn; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát góp phần xây dựng tổ chức công đoàn vững mạnh; Tập trung xây dựng nguồn lực tài chính đủ mạnh để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn; Đổi mới phương thức hoạt động và công tác chỉ đạo, điều hành đáp ứng yêu cầu của tình hình mới.

Phát biểu tham luận tại Đại hội, TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp nêu rõ, xác định rõ vị trí, vai trò của tổ chức Công đoàn thuộc Bộ Tư pháp, Công đoàn Bộ Tư pháp đã tích cực quán triệt, tuyên truyền, vận động tới từng tổ chức công đoàn cơ sở, tổ công đoàn cũng như tới từng đoàn viên công đoàn thực hiện tốt những yêu cầu, nhiệm vụ mà Chương trình Cải cách hành chính đặt ra, gắn liền với nhiệm vụ Cải cách tư pháp, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.

TS Lê Thị Vân Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp phát biểu tham luận.

Để thực hiện thành công mục tiêu “Xây dựng nền hành chính nhà nước phục vụ nhân dân, dân chủ, pháp quyền, chuyên nghiệp, hiện đại, trong sạch, vững mạnh, công khai, minh bạch...” được Đại hội Đảng XIII đề ra, đại diện Công đoàn Bộ Tư pháp đề xuất các giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò của các cấp ủy Đảng; Hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính, chế độ công vụ tại một số đạo luật “rường cột” của nền hành chính quốc gia; Tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, chính quyền địa phương theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả…

Đại hội Công đoàn Viên chức Việt Nam lần thứ VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028 được tổ chức trong 2 ngày, từ ngày 30/9/2023 đến ngày 01/10/2023

Tại phiên làm việc thứ nhất, chiều ngày 30/9/2023, Đại hội sẽ thực hiện các nội dung chính là: Bầu Đoàn Chủ tịch, Đoàn Thư ký, Ban Thẩm tra tư cách đại biểu; thông qua chương trình, quy chế làm việc; thông qua báo cáo thẩm tra tư cách đại biểu dự Đại hội, báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá V; Thông qua Đề án nhân sự Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028; thảo luận tại Tổ.

Tại phiên làm việc thứ hai (phiên trọng thể) sáng ngày 01/10/2023, Đại hội sẽ thực hiện các nội dung chính là: Báo cáo tổng kết hoạt động nhiệm kỳ 2018 - 2023 và mục tiêu, nhiệm vụ, nhiệm kỳ 2023 - 2028; Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của đoàn viên, công chức, viên chức, người lao động đối với Đảng, Nhà nước, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; tham luận của các đại biểu; phát biểu chỉ đạo của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; phát biểu chỉ đạo của Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Trao Giải thưởng cống hiến; bầu Ban Chấp Ban Chấp hành Công đoàn Viên chức Việt Nam khoá VI, nhiệm kỳ 2023 - 2028.

Tại phiên làm việc thứ ba, chiều ngày 01/10/2023 sẽ thực hiện các nội dung chính: Bầu Đoàn đại biểu đi dự Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp Dự thảo Điều lệ Công đoàn Việt Nam; báo cáo tổng hợp ý kiến đóng góp vào Văn kiện Đại hội XIII Công đoàn Việt Nam, Đại hội VI Công đoàn Viên chức Việt Nam.

Đọc thêm