Quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động phòng cháy, chữa cháy

(PLVN) -Tiếp tục chương trình Kỳ họp, sáng nay, 1/11, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH). Dự thảo Luật đã bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, CNCH.
Quang cảnh phiên họp.
Quang cảnh phiên họp.

Không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng

Trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Lê Tấn Tới cho biết, về trách nhiệm PCCC và CNCH, có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về trách nhiệm cụ thể của từng đối tượng như chủ đầu tư, chủ cơ sở, chủ hộ gia đình trong chuẩn bị các phương tiện, thiết bị PCCC theo quy định và phối hợp với các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác PCCC.

Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, Uỷ ban Thường vụ (UBTV) QH đã chỉ đạo bổ sung, quy định rõ trách nhiệm của từng đối tượng trong hoạt động PCCC, CNCH, bao gồm trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở; chủ phương tiện giao thông; người quyết định đầu tư, chủ đầu tư, chủ phương tiện, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong hoạt động xây dựng công trình, sản xuất, lắp ráp, đóng mới, hoán cải phương tiện giao thông; chủ hộ gia đình, cá nhân và các trường hợp cho thuê, mượn, ở nhờ nhà ở và thể hiện cụ thể tại các khoản tương ứng của Điều 7 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Về phòng cháy, một số ý kiến đề nghị bổ sung quy định riêng về điều kiện bảo đảm an toàn PCCC đối với cơ sở, nhà ở, nhà ở riêng lẻ, đặc biệt là nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Có ý kiến đề nghị tách riêng quy định PCCC đối với nhà ở và nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh.

UBTVQH đã chỉ đạo tiếp thu, tách Điều 17 về Phòng cháy đối với nhà ở thành 2 điều gồm 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở (Điều 19) và 1 điều về Phòng cháy đối với nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh (Điều 20); đồng thời phân loại, bổ sung quy định đầy đủ, phù hợp hơn đối với hai loại hình này.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ việc không có quy định riêng về PCCC nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…

UBTVQH thấy rằng, các loại hình nêu trên đều được định nghĩa là “cơ sở” tại khoản 7 Điều 2 và quy định cụ thể tại Điều 22. Tiếp thu ý kiến đại biểu QH, UBTVQH đã chỉ đạo nghiên cứu, bổ sung đầy đủ các quy định về phòng cháy đối với cơ sở và thể hiện cụ thể tại Điều 22 dự thảo Luật đã tiếp thu, chỉnh lý.

Đồng thời, tại khoản 5 Điều 54 đã giao các Bộ chức năng ban hành, sửa đổi các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật có liên quan đến phòng cháy và chữa cháy thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, trong đó có quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật về PCCC đối với từng loại cơ sở như nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất…

Do đó, UBTVQH đề nghị QH cho phép không quy định cụ thể về phòng cháy đối với nhà cao tầng, chợ, trung tâm thương mại, khu chế xuất… trong dự thảo Luật này.

Rà soát các quy định để đảm bảo tính thống nhất

Phát biểu tại phiên họp, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) đánh giá, dự thảo Luật lần này đã thể hiện được tinh thần đổi mới trong tư duy xây dựng Luật. Theo đó, dự thảo Luật chỉ mang tính chất khung, còn quy định chi tiết sẽ giao cho Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên họp.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm phát biểu tại phiên họp.

Quan tâm đến nội dung về trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, hộ dân, cá nhân trong hoạt động PCCC và CNCH, Đại biểu cho biết, Điều 7 của dự thảo Luật đang quy định người đứng đầu cơ sở có trách nhiệm thành lập, duy trì hoạt động Đội PCCC và CNCH cơ sở hoặc Đội PCCC và CNCH chuyên ngành hoặc phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC,CNCH trong phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.

Trong khi đó, tại Điều 22 quy định về điều kiện an toàn phòng cháy đối với cơ sở cũng yêu cầu phải thành lập lực lượng này ở cơ sở hoặc lực lượng cơ sở chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, tại khoản 4, Điều 37 quy định Chính phủ quy định cơ sở phải thành lập Đội PCCC và CNCH, cơ sở phải thành lập Đội PCCC và CNCH chuyên ngành.

Theo Đại biểu, giữa các quy định của dự thảo Luật chưa có sự thống nhất, chưa rõ ràng trường hợp nào thì cơ sở chỉ cần phân công người thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH mà không cần thành lập đến cấp Đội.

“Cần rà soát, chỉnh lý các quy định này để bảo đảm tính thống nhất”, Đại biểu Nguyễn Minh Tâm nhấn mạnh.

Đại biểu Trần Đình Chung (Đoàn TP Đà Nẵng) chỉ ra rằng, công trình xây dựng trong quá trình thi công phải đảm bảo điều kiện an toàn PCCC nhưng dự thảo Luật chưa nêu trách nhiệm của các bên liên quan.

Do vậy, Đại biểu đề nghị cần bổ sung trách nhiệm PCCC của các bên liên quan trong quá trình thi công, gồm chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công, tư vấn giám sát và thẩm định thiết kế.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung thêm vào Điều 18 quy định chủ cơ sở, cá nhân, đơn vị thi công giám sát và thẩm duyệt thiết kế chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát trong quá trình xây dựng, đảm bảo an toàn PCCC.

Điều này cũng phù hợp với khoản 2, Điều 15 quy định đối với công trình tạm phải có các giải pháp thiết kế về PCCC phù hợp với công năng, đặc điểm của công trình.

Còn Đại biểu Đỗ Văn Yên (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, hiện nay, nhiều cơ sở không đáp ứng được được tiêu chuẩn về PCCC nhưng vẫn hoạt động hoặc khi có sự cố mới phát hiện ra các vi phạm. Do đó, cần có những quy định chi tiết hơn về tiến độ kiểm tra định kỳ và công khai, minh bạch kết quả kiểm tra PCCC tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Đọc thêm