Hôm nay (19/5), tại Trụ sở Chính phủ diễn ra Hội nghị trực tuyến công bố Chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2019 của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính năm 2019.
Cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất
Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2019 là năm thứ 3 Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước năm 2019 (Chỉ số SIPAS 2019) được triển khai trên phạm vi toàn quốc. Kết quả Chỉ số này cho thấy, tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước nói chung là 84,45%, tăng gần 1,5% so với năm 2018 và gần 2,3% so với năm 2017.
Tỷ lệ người dân, tổ chức hài lòng về tiếp cận dịch vụ là 86,48%, về thủ tục hành chính là 86,54%, về công chức là 85,62%, về kết quả dịch vụ là 88,56% và về việc tiếp nhận, xử lý ý kiến góp ý, phản ánh, kiến nghị là 73,66%.
Người dân, tổ chức hài lòng đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước phân theo 3 cấp; trong đó cấp huyện nhận được mức hài lòng cao nhất (85,53%), cấp tỉnh thấp nhất (83,35%). Trong số 16 lĩnh vực dịch vụ thì lĩnh vực giao thông, vận tải nhận được mức hài lòng cao nhất (88,45%) và lĩnh vực đất đai, môi trường thấp nhất (79,06%).
Trễ hẹn nhưng không xin lỗi
Cũng trong năm qua, 10 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính chưa đạt yêu cầu, 20 tỉnh có Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính ở mức trung bình, 27 tỉnh khá và 6 tỉnh tốt.
So sánh năm 2019 với năm 2018, 41/63 tỉnh có chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính tăng, 22/63 tỉnh giảm.. Không có sự khác biệt đặc trưng về mức độ hài lòng của người dân, tổ chức giữa các nhóm tỉnh phân theo loại đơn vị hành chính và các nhóm tỉnh phân theo vùng miền, có thể thấy
Các chỉ số phản ánh cảm nhận của người dân, tổ chức về việc phải đi lại nhiều lần để giải quyết công việc, bị trễ hẹn, bị phiền hà, sách nhiễu, tiêu cực đều ở mức thấp và có xu hướng giảm dần qua các năm kể từ năm 2017.
Ngoài ra, SIPAS 2019 cho thấy 63/63 tỉnh đều để xảy ra tình trạng người dân, tổ chức đi lại nhiều lần, 62/63 tỉnh xảy ra việc cơ quan trễ hẹn trả kết quả dịch vụ; toàn bộ 62 tỉnh trễ hẹn trả kết quả đều thực hiện không nghiêm quy định về thông báo, xin lỗi về việc trễ hẹn đối với người dân, tổ chức, trong đó có 1 tỉnh không thực hiện bất kỳ thông báo nào và 6 tỉnh không thực hiện bất kỳ xin lỗi nào.
Có 62/63 tỉnh có công chức gây phiền hà, sách nhiễu; 46/63 tỉnh có công chức gợi ý người dân, tổ chức nộp thêm tiền ngoài phí/lệ phí.
Ba nội dung mà người dân, tổ chức mong đợi cơ cơ quan hành chính nhà nước cải thiện nhiều nhất là: mở rộng các hình thức thông tin tiếp cận dịch vụ công; tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính và rút ngắn thời gian cung ứng dịch vụ công.
Thủ tục hành chính nhận được mức độ hài lòng cao thứ 2 trong 5 yếu tố được đánh giá, tuy vậy yếu tố này lại được người dân, tổ chức mong đợi cải thiện nhiều nhất.
36.630 người dân, tổ chức đã được chọn trong cả nước, theo phương pháp chọn mẫu ngẫu nhiên phân tầng, để tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học, trong đó 35.268 người đã phản hồi ý kiến (phiếu thu về hợp lệ).