Mục tiêu của Nghị quyết là nâng cao thứ hạng trong các xếp hạng quốc tế của WB (Ngân hàng thế giới), WEF (Diễn đàn kinh tế thế giới), WIPO (Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới), UN (Liên Hợp Quốc) về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh... nhằm thích ứng với nền sản xuất mới trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Cải thiện mạnh mẽ môi trường kinh doanh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động; giảm chi phí đầu vào, chi phí cơ hội, chi phí không chính thức cho doanh nghiệp và người dân; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Chính phủ về phát triển kinh tế xã hội. Phấn đấu môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh nước ta thuộc nhóm ASEAN 4.
Nâng xếp hạng Môi trường kinh doanh - EoDB (của WB) lên 15 - 20 bậc; trong năm 2019 tăng 5 - 7 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh - GCI 4.0 (của WEF) tăng 5 - 10 bậc; trong năm 2019 tăng 3 - 5 bậc. Nâng xếp hạng Đổi mới sáng tạo - GII (của WIPO) lên 5 - 7 bậc; trong năm 2019 tăng từ 2 - 3 bậc. Nâng xếp hạng Hiệu quả logistics (của WB) lên 5 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Năng lực cạnh tranh du lịch (của WEF) lên 10 - 15 bậc; trong năm 2019 tăng 7 - 10 bậc. Nâng xếp hạng Chính phủ điện tử (của UN) lên 10 - 15 bậc năm 2020.
Nhiệm vụ và giải pháp đầu tiên của Nghị quyết là tăng cường trách nhiệm của các bộ được phân công làm đầu mối theo dõi việc cải thiện các bộ chỉ số và các bộ được phân công chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Trong đó, phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Môi trường kinh doanh của WB và Năng lực cạnh tranh toàn cầu 4.0 của WEF; Bộ Khoa học và Công nghệ làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Đổi mới sáng tạo của WIPO và nhóm chỉ số Công nghệ và Đổi mới sáng tạo theo đánh giá Mức độ sẵn sàng cho sản xuất tương lai của WEF; Bộ Công Thương làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Hiệu quả logistics của WB; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Năng lực cạnh tranh du lịch của WEF; Bộ Thông tin và Truyền thông làm đầu mối theo dõi bộ chỉ số Phát triển Chính phủ điện tử của UN.
Chính phủ cũng phân công cụ thể các bộ, cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm đối với các nhóm chỉ số, chỉ số thành phần.
Nhiệm vụ, giải pháp thứ 2 là tiếp tục bãi bỏ, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh; thực thi đầy đủ, triệt để những cải cách về điều kiện kinh doanh đã thực hiện trong năm 2018.
Cụ thể, Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ tiếp tục rà soát, trình Chính phủ bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh không rõ ràng, không cụ thể, không khả thi trước quý III năm 2019; đẩy nhanh tiến độ soạn thảo Luật sửa đổi các luật có liên quan trình Chính phủ để trình Quốc hội bãi bỏ, đơn giản hóa các điều kiện kinh doanh được quy định tại các luật chuyên ngành theo phương án đã được phê duyệt; công bố đầy đủ các điều kiện kinh doanh đã được bãi bỏ, các điều kiện kinh doanh đã được đơn giản hóa trong năm 2018... Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì đánh giá mức độ thay đổi và tác động thực chất đối với doanh nghiệp của những cải cách, bãi bỏ đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh do các bộ, ngành thực hiện năm 2018; báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2019...
Nhiệm vụ, giải pháp tiếp theo là tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, kiểm tra chuyên ngành và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia. Cụ thể, các bộ, cơ quan ngang bộ đến hết năm 2019, thực hiện đầy đủ các nguyên tắc cải cách về quản lý, kiểm tra chuyên ngành. Công bố công khai đầy đủ trên trang thông tin điện tử của bộ quản lý chuyên ngành về danh mục các mặt hàng kiểm tra chuyên ngành đã cắt giảm (kèm theo mã HS) trong quý I năm 2019. Trước tháng 6 năm 2019, hoàn thành rà soát, cắt giảm thực chất 50% số mặt hàng thuộc danh mục mặt hàng kiểm tra chuyên ngành và thực hiện việc công khai đầy đủ danh mục này.
Trong năm 2019, hoàn thành tập trung một đầu mối duy nhất thực hiện thủ tục kiểm tra chuyên ngành đối với một sản phẩm, hàng hóa. Nghiên cứu, xây dựng giải pháp kỹ thuật kết nối đồng bộ hệ thống VNACC/VCIS và tất cả các thủ tục hành chính về quản lý, kiểm tra chuyên ngành vào Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN...
Kế đến là đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4. Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ chỉ đạo thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, doanh nghiệp thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau; đẩy mạnh phương thức tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.
Nhiệm vụ, giải pháp, thời hạn cụ thể được Chính phủ giao cụ thể cho các Bộ, ngành: Thông tin và Truyền thông, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam,
Chính phủ đồng thời quyết nghị nhiệm vụ và giải pháp phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo (startup). Theo đó, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân các cấp phải quán triệt đầy đủ nguyên tắc: Phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phải lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Hệ thống thể chế phải thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tham gia nghiên cứu và phát triển (R&D) và trí tuệ nhân tạo; tuyệt đối không sử dụng các công cụ hành chính can thiệp vào hoạt động đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học.
Các bộ, ngành, địa phương trong phạm vi thẩm quyền khuyến khích các hoạt động đổi mới sáng tạo; tạo thuận lợi tối đa và hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển thị trường; khuyến khích các doanh nghiệp lớn đầu tư thực hiện vai trò “bà đỡ” cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo phát triển...
Các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể mời xem Tại đây.