Sau gần 5 năm thực thi Luật Cạnh tranh mới có hơn 40 vụ việc liên quan đến vi phạm các quy định của pháp luật cạnh tranh bị điều tra, xử lý.
Đây là con số vừa được công bố tại hội thảo “5 năm thực thi pháp luật cạnh tranh trong kiểm soát hành vi hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam” do Hội đồng cạnh tranh Việt Nam (VCC) và Dự án hỗ trợ thương mại đa biên giai đoạn III (EU- Viet Nam MUTRAP III) phối hợp tổ chức mới đây tại TP HCM.
Những vụ đình đám
Ngày 15/9/2008, tại Resort Sài Gòn, Mũi Né, Phan Thiết, Bình Thuận, 15 DN bảo hiểm phi nhân thọ đã ký bản thoả thuận hợp tác giữa các DN bảo hiểm trong lĩnh vực bảo hiểm xe cơ giới và điều khoản biểu phí bảo hiểm vật chất xe ô tô. Sau đó, 4 DN bảo hiểm phi nhân thọ khác đã tham gia ký bản thỏa thuận, tổng cộng là 19 DN. Thị phần kết hợp của 19 DN bảo hiểm tham gia thoả thuận là 99,79% tổng doanh thu cuả 25 DN bảo hiểm xe cơ giới tại Việt Nam.
Trong 3 ngày, từ 27- 29/7/2010, Hội đồng xử lý (HĐXL) vụ việc cạnh tranh đã mở phiên điều trần gồm 7 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm chủ toạ. HĐXL kết luận 19 DN bảo hiểm đã vi phạm khoản 2 điều 9 Luật Cạnh tranh về hành vi “Thoả thuận ấn định giá hàng hoá, dịch vụ một cách trực tiếp hoặc gián tiếp” khi các bên tham gia thoả thuận có thị phần kết hợp trên thị trường liên quan từ 30% trở lên.
HĐXL đã ra quyết định phạt 19 DN bảo hiểm với mức phạt mỗi DN 0,025% tổng doanh thu của năm tài chính 2007, tổng cộng tiền phạt cuả 19 DN bảo hiểm là trên 1,7 tỷ đồng. HĐXL cũng kiến nghị Hội đồng cạnh tranh xem xét cần hoàn thiện hệ thống pháp luật cạnh tranh và bảo hiểm phù hợp với tình hình mới và cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO…
Trước đó, một vụ khá tiếng tăm cũng đã được điều tra xử lý, đó là ngày 1/1/2008 Cty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (VINAPCO) ngừng cung cấp nhiên liệu xăng dầu hàng không cho Cty CP Hàng không Pacific Airlines (PA) vì lý do PA không đồng ý với mức giá mới về cung ứng xăng dầu do VINAPCO đề xuất. Ngày 14/4/2009, HĐXL vụ việc CT đã mở phiên điều trần gồm 5 thành viên do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng làm chủ toạ và đã kết luận VINAPCO vi phạm khoản 2 điều 14 Luật Cạnh tranh về hành vi “ Áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng của DN có vị trí độc quyền” và khoản 3 điều 14 Luật Cạnh tranh về hành vi “Lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc huỷ bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”. Với những hành vi trên, HĐXL đã ra quyết định xử phạt tiền VINAPCO mức phạt 0,05% tổng doanh thu của năm tài chính năm 2007, tương đương số tiền gần 3,4 tỷ đồng, đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền tách VINAPCO ra khỏi Vietnam Airlines (sau đó VCC bỏ kiến nghị này), cấp giấy phép cho các DN khác cùng được thực hiện chức năng cung cấp xăng dầu hàng không và tăng cường hơn nữa đối với dịch vụ quản lý cung cấp xăng dầu tại Việt Nam. Chờ hoàn thiện Theo PGS.TS Lê Danh Vĩnh - Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch VCC, sau khi Luật Cạnh tranh được ban hành, công tác thực thi các quy định cuả luật được tiến hành mạnh mẽ với việc thành lập các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, bao gồm: VCC và Cục Quản lý cạnh tranh. Luật Cạnh tranh đã trao cho các cơ quan này hai nhiệm vụ lớn: Kiểm soát các hành vi hạn chế cạnh tranh và kiểm soát các hành vi cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, sau 5 năm thực thi Luật Cạnh tranh cũng đã bộc lộ những hạn chế nhất định. Theo bà Trịnh Minh Hiền - Vụ trưởng Vụ pháp chế - Bộ GTVT, thành viên VCC, kết quả điều tra của Cục Quản lý cạnh tranh là một trong những yếu tố quan trọng nhất để quyết định sự thành công của việc xét xử vụ việc hạn chế cạnh tranh ở Việt Nam. Vì vậy, pháp luật cần quy định để VCC có thể chủ động giao cho Cục Quản lý cạnh tranh tiến hành điều tra vụ việc mà không phải chỉ là xuôi chiều như hiện nay. Có như vậy thì số vụ việc hạn chế cạnh tranh bị đưa ra xét xử ở Việt Nam mới nhiều lên và góp phần đẩy mạnh thực thi pháp luật ở Việt Nam. Cũng theo bà Hiền, sự chuẩn bị cho phiên điều trần là một trong những yếu tố quyết định sự thành công của phiên xét xử, nên việc chuẩn bị cũng phải được bắt đầu từ khi nhận hồ sơ vụ việc; ngay sau phiên xét xử, HĐXL cần có thông báo chính thức trên các phương tiện thông tin đại chúng về kết quả. Điều này giúp DN vừa bị xử lý nhận thức thêm được hành vi của mình, đồng thời những DN khác cũng như toàn xã hội cũng hiểu đúng vụ việc… PGS.TS Lê Danh Vĩnh cũng cho rằng việc điều tra, xử lý các vụ việc đã theo đúng các quy trình, trình tự của pháp luật; một mặt đã gây tiếng vang lớn trong cộng đồng DN của Việt Nam và trong đại bộ phận người dân, mặt khác, thu hút sự quan tâm đặc biệt cuả giới DN nước ngoài. Sau chặng đường 5 năm nhìn lại, phiên hội thảo trên là cơ hội cần thiết để các cơ quan tiến hành tố tụng cạnh tranh, ngành Tư pháp, cộng đồng DN, các cơ quan QLNN… cùng đánh giá. Qua đó, để hoàn thiện, đẩy mạnh hơn nữa việc thực thi các quy định của pháp luật cạnh tranh một cách toàn diện và chặt chẽ hơn. Ngọc Quý