Trong thế giới thời trang, để tìm những người đàn ông thiết kế quần áo cho phụ nữ là không khó, thậm chí quá dễ để liệt kê những tên tuổi nổi tiếng. Nhưng những nhà thiết kế nữ tập trung vào quần áo nam lại chỉ đếm trên đầu ngón tay. Và 5 người phụ nữ sau đây, mùa này qua mùa khác, đã tạo nên những ảnh hưởng nhất định trong phong cách và góp phần định hình cho thời trang nam giới.
Chitose Abe
Thương hiệu Sacai của Chitose Abe là một phần của thế hệ thương hiệu quần áo nam mới tại Nhật Bản. Chitose Abe từng là thành viên trong nhóm thiết kế của Junya Watanabe. Cô ra mắt thương hiệu Sacai vào năm 1998. Ban đầu, thương hiệu chỉ tập trung vào các thiết kế dành cho nữ giới. Đến năm 2009, cửa hàng bắt đầu mở rộng sang quần áo nam và đạt được thành công vượt trội. Trong một thời gian ngắn, cô thể hiện mình là người đi đầu trong việc phát triển phong cách cho nam giới thông qua sự hiểu biết trực quan về quần áo trình diễn và quần áo đường phố. Điển hình là các thiết kế “lai” như áo sơmi viền dây rút, áo khoác và áo khoác dáng dài technical… Tại show diễn menswear vào tháng Một năm nay, Sacai đã làm việc với Hender Scheme, Nike, Birkenstock, và xa hơn là kết hợp với The North Face trong dòng sản phẩm áo khoác nam, cho thấy Chitose Abe có ảnh hưởng như thế nào trong thị trường sôi động này.
Jil Sander
Cùng với Helmut Lang, Jil Sander là một trong những nhà thiết kế hiện thân cho chủ nghĩa tối giản từng thống trị những năm 1990s. Bà đã tạo ra một thương hiệu quần áo mới và sành điệu, tránh xa sự sang trọng lãng phí của những năm 1980s. Thương hiệu Jil Sander nhanh chóng ghi dấu ấn với cách tiếp cận giản dị, không phức tạp đối với quần áo nam giới. Thậm chí, ấn tượng hơn, bà còn “tái bản” những đặc tính thiết kế riêng của mình cho thời trang high-street, thông qua dòng sản phẩm Uniqlo +J cực kỳ thành công trong giai đoạn 2009 – 2011 (và tái phát hành ngắn ngủi trong năm 2014). Tại sao điều đó lại có hiệu quả? Bởi vì phong cách của bà được xác định bởi khả năng ăn mặc gản dị, less is more, và không bao giờ lỗi thời.
Phoebe Philo
Là giám đốc sáng tạo của Céline, Phoebe Philo đã chỉ huy sàn catwalk từ khi đảm nhận vai trò”cầm cương” trong năm 2008. Bạn đang nghĩ rằng Céline là một thương hiệu của phụ nữ, làm thế nào Phoebe Philo lại có liên quan đến thời trang nam giới? Thực tế, đó là sức ảnh hưởng của Philo – cách tiếp cận đơn giản nhưng ấn tượng đối với phong cách – đã trở nên phổ biến. Thậm chí, ngay cả nam giới cũng bị cám dỗ bởi thiết kế của bà. Kanye West đã mặc một trong những chiếc áo sơmi từ bộ sưu tập Xuân-Hè Philo tại Coachella năm 2011. Pharrell Williams đi dạo trong chiếc áo khoác Céline màu hồng năm 2014. Kevin Hart đi một đôi high-top của Céline năm 2014. Và rất nhiều người đàn ông (bao gồm Tinie Tempah) đã chọn cặp kính mát cat-eye retro của Céline. Là một nhà thiết kế “tastemaker”, những ý tưởng của Philo đã truyền cảm hứng cho các nhãn hiệu khác, khiến cho cô trở thành người tiên phong trong việc tạo nên xu hướng của nam giới.
Rei Kawakubo
Sẽ không có ai giống như Rei Kawakubo. Nhà thiết kế người Nhật có sở thích tạo ra những bộ quần áo đòi hỏi trí tưởng tượng và phải có lòng can đảm mới mặc được. Dòng sản phẩm chủ chốt của bà, Comme des Garçons Homme Plus, đã giải tỏa kết cấu lịch sử của tủ quần áo nam giới truyền thống và đặt câu hỏi về mục đích cơ bản của nó. Hàng may mặc của bà, thậm chí trong các biến thể dễ chịu hơn như dòng sơmi Comme Des Garçons, thường làm nổi bật một chi tiết – đó có thể là màu sắc, hình dạng, chất liệu vải, hình in hay một thái độ ẩn giấu – thách thức tất cả chúng ta. Mong muốn không ngừng về việc “think outside the box” và không bao giờ hài lòng là điều đang dẫn dắt các thiết kế của bà trong 48 năm từ hiện thân của Comme. Thêm vào đó, những nhà thiết kế nổi tiếng mà bà từng cố vấn gồm có Junya Watanabe, Chitose Abe, Fumito Ganryu và tài năng trẻ tuổi người Nga Gosha Rubchinskiy. Thật khó để phủ nhận Kawakubo là một trong những nhân vật quan trọng nhất của thế giới thời trang nam.
Margaret Howell
Bằng nhiều cách, Margaret Howell lại hoàn toàn trái ngược với Kawakubo. Bà bắt đầu sự nghiệp thời trang trong những năm 1970 bằng cách hoàn thiện một trong những nền tảng của tủ quần áo nam – chiếc áo sơ mi – và xây dựng thương hiệu của mình thành một doanh nghiệp trị giá 100 triệu bảng từ đó. Bà tập trung vào sự điềm tĩnh của quần áo đàn ông và sản xuất hàng may mặc chất lượng hoàn hảo với một phong cách bền vững, vượt thời gian. Bà tạo ra “đồng phục hàng ngày” cho những người yêu thích phong cách thời trang. Những bộ sưu tập không bao giờ thay đổi quá nhiều – họ không cần điều đó – và bám vào bảng màu mềm mại, êm ái, sử dụng chất liệu tự nhiên. Phong cách của Margaret Howell dựa trên tình yêu với vải và kiểu dáng hơi quá khổ. Bà đã đem đến cho nam giới một cách hoàn toàn mới để dự trữ tủ quần áo trong những biến đổi không ngừng của thế giới thời trang.