5 tháng thực thi Luật Doanh nghiệp 2014: Bắt đầu xuất hiện rào cản?

(PLO) - Cơ quan quản lý nhà nước về đăng ký kinh doanh khẳng định Luật Doanh nghiệp 2014 đã đi vào cuộc sống và tín hiệu cơ bản là lạc quan. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã chỉ ra văn bản hướng dẫn Luật bắt đầu xuất hiện rào cản…
Sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục với tốc độ cao ấn tượng, tuy nhiên thực tiễn thi hành cũng đã xuất hiện nhiều rào cản
Sau khi Luật Doanh nghiệp 2014 có hiệu lực, số lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng liên tục với tốc độ cao ấn tượng, tuy nhiên thực tiễn thi hành cũng đã xuất hiện nhiều rào cản
Tiến bộ vượt trội
Theo ông Phan Đức Hiếu, Trưởng ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), cho đến nay, các nghị định hướng dẫn Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 đã được ban hành, trong đó văn bản được ban hành gần đây nhất là Nghị định 96/2015/NĐ-CP ngày 19/10/2015 quy định chi tiết một số điều của Luật DN. 
Ông Hiếu cũng khẳng định những tiến bộ vượt trội của Luật DN 2014, trong đó nhấn mạnh bắt đầu từ 1/7/2015, ngày Luật có hiệu lực, Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (ĐKKD) của DN không phải ghi ngành nghề KD, DN được tự do KD trong ngành nghề mà Luật không cấm.  Về thủ tục đăng ký, DN chỉ cần thông báo thay đổi nội dung ĐKKD, thông báo mẫu dấu cho cơ quan ĐKKD (chứ không phải xin phép). Thậm chí, dấu do DN sử dụng mà chưa kịp thông báo thì vẫn hợp pháp, có chăng chỉ là vi phạm thủ tục hành chính về mẫu dấu…
“Tôi đánh giá cao tinh thần của Luật DN lần này là giảm tối đa rủi ro cho DN về “tội” KD trái phép. Vì nghề KD ở Việt Nam rủi ro rất cao, không chỉ rủi ro về thương trường, quy định của pháp luật, không chỉ mất tiền bạc mà có khi còn đi tù. Một khi Luật thông thoáng thì DN tin tưởng, KD dài hơn, lớn hơn, không lo trốn tránh, đối phó. Nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, DN không chỉ làm tốt mà còn tạo lòng tin với đối tác nước ngoài, khi đó mới thiết lập mối quan hệ lâu dài, DN Việt Nam mới tham gia chuỗi giá trị  được…” - TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM phân tích.
Doanh nghiệp tăng kỷ lục
Phó Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bùi Anh Tuấn liệt kê một khối lượng công việc khổng lồ mà cơ quan này phải hoàn tất để kịp thời điểm Luật có hiệu lực 1/7/2015. “5 tháng là khoảng thời gian quá ngắn để đánh giá tác động của một đạo luật, song tôi có thể khẳng định về cơ bản Luật DN đã đi vào cuộc sống, được cộng đồng DN đón nhận…”- ông Tuấn khẳng định. 
Số liệu cập nhật của cơ quan quản lý nhà nước về ĐKKD cho thấy sau khi Luật có hiệu lực, số lượng DN thành lập mới tăng liên tục với tốc độ cao ấn tượng, cập nhật đến 20/11 là hơn 41 nghìn DN, nếu tính từ đầu năm là hơn 86 nghìn DN, khả năng năm nay đạt 94 nghìn DN, con số, theo ông Tuấn là “cao nhất trong lịch sử”. Đặc biệt, một tín hiệu đáng mừng là từ khi Luật có hiệu lực đến 20/11, tổng số hồ sơ thay đổi là 134.570 hồ sơ, tăng 151% so với cùng kỳ năm trước, trong đó hơn 1/3 là tăng vốn điều lệ. 
Rào cản
Tuy nhiên, đánh giá về việc thực thi sau 5 tháng Luật có hiệu lực, TS Cung cho rằng, quản lý nhà nước vẫn chưa thay đổi, vẫn là DN chỉ được làm những gì theo quy định, còn không quy định thì không được làm. “DN và người dân có vẻ vẫn chấp nhận điều này. DN và người dân cũng khó vì không có cơ chế nào để kiện lại được và cũng không có cái gì buộc cơ quan nhà nước phải thay đổi, vẫn là có quy định mới được làm, không có quyền tự do kinh doanh. Một môi trường kinh doanh như vậy không sáng tạo được...”- Viện trưởng CIEM thẳng thắn.
Phân tích cụ thể một số quy định tại các nghị định hướng dẫn Luật DN, Luật sư Nguyễn Quang Hưng (Văn phòng Luật sư NH Quang và Cộng sự) cho rằng đã có những điểm trái Luật DN.
Cụ thể tại Nghị định 78/2015/NĐ-CP về đăng ký DN đã thêm một quy định mang tính tùy nghi: “Trường hợp DN có nhu cầu, Phòng ĐKKD cấp Giấy xác nhận về việc thay đổi nội dung đăng ký DN cho DN”. Theo giải thích của Phó Cục trưởng Cục Quản lý ĐKKD Bùi Anh Tuấn, đáng lẽ DN chỉ cần đăng ký thay đổi nội dung đăng ký DN, sau 3 ngày cơ quan ĐKKD không có ý kiến gì là được, nhưng nhiều DN chưa quen, cứ quay lại đòi giấy xác nhận nên đã đưa thêm quy định này vào Nghị định. Tuy nhiên, theo Luật sư Quang, quy định này sẽ dẫn đến việc áp dụng không thống nhất, gây khó khăn cho DN…
Tương tự, Luật DN quy định rất rõ quyền quyết định về hình thức, số lượng và nội dung con dấu, trước khi sử dụng, DN có nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan ĐKKD, thế nhưng Nghị định 78/2015/NĐ-CP lại quy định DN phải thông báo cả “thời điểm có hiệu lực của mẫu dấu”. Theo Luật sư Quang, quy định này không đúng về mục tiêu “tạo tính chủ động cho DN” đối với con dấu, thực tế một số cơ quan ĐKKD yêu cầu DN chỉ được đăng ký thời điểm có hiệu lực của con dấu là sau 3 ngày kể từ ngày thông báo mẫu dấu, nếu DN đăng ký trước sẽ không nhận được hồ sơ thông báo. Thậm chí DN còn được hướng dẫn chỉ được sử dụng con dấu sau khi mẫu dấu được đăng tải trên hệ thống ĐKKD quốc gia.
Ngoài ra, Nghị định 96/2015/NĐ-CP cũng loại bỏ các loại hình DN được thành lập theo các luật: Công chứng, Luật sư, Giám định tư pháp, Kinh doanh bảo hiểm, Chứng khoán và Luật Hợp tác xã trong khi Luật DN không có hạn chế này...
Theo Viện trưởng CIEM, những vấn đề vướng mắc sau 5 tháng thực hiện Luật DN là có thật và cần thiết phải xem xét tính hợp pháp, hợp lý, tương thích với tinh thần cải cách của Luật DN.

Đọc thêm