50% nạn nhân bị xâm hại tình dục dưới 13 tuổi!

 Một cuộc khảo sát trẻ em bị xâm hại tình dục tại 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2009 đến tháng 6/2010 cho thấy. Trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 13,5% tổng số trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 13 tuổi chiếm 37,2% và số trẻ từ 13 tuổi đến 16 tuổi chiếm 49,3%...

 Số liệu thống kê của Bộ LĐTBXH cho thấy, xâm hại tình dục trẻ  em ngày càng có tính chất phức tạp và độ tuổi bị xâm hại ngày càng thấp. Số trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm 65,9%), đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%).

Hơn 50% trẻ bị xâm hại tình dục dưới 13 tuổi

Theo số liệu của Bộ LĐTB & XH, số trẻ em bị xâm hại tình dục có xu hướng tăng nhanh từ trên 200 em năm 2005 lên 1.427 em vào năm 2008, sau đó giảm xuống 833 em năm 2009 và ước tính năm 2010 là 900 em.

Cần tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em. Ảnh minh họa nguồn Internet

Số liệu này dựa trên số trẻ em bị xâm hại tình dục được trình báo. Trên thực tế, con số này có thể còn cao hơn do công tác quản lý, nắm tình hình chưa chắt chẽ; nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em bị che giấu do tâm lý mặc cảm của gia đình nạn nhân, sợ ảnh hưởng đến tương lai của trẻ hoặc không tố giác do có sự thỏa thuận bồi thường giữa hai bên.

Một cuộc khảo sát trẻ em bị xâm hại tình dục tại 13 tỉnh thuộc Đồng bằng sông Cửu Long từ năm 2009 đến tháng 6/2010 cho thấy. Trẻ dưới 6 tuổi bị xâm hại tình dục chiếm 13,5% tổng số trẻ bị xâm hại tình dục, trẻ từ 6 tuổi đến dưới 13 tuổi chiếm 37,2% và số trẻ từ 13 tuổi đến 16 tuổi chiếm 49,3%.

Trẻ em ở nhà một mình, đi một mình nơi vắng vẻ… là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc trẻ bị xâm hại tình dục (chiếm 51,4% số vụ trẻ bị xâm hại). Một số nguyên nhân trực tiếp khác của đối tượng xâm hại tình dục trẻ em là do: uống rượu say (17,7%); bị kích thích trực tiếp từ băng ảnh, văn hóa phẩn đồi trụy (8,8%)…

Ảnh minh họa nguồn Internet

TS. Nguyễn Hải Hữu – Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc Trẻ em cho biết, việc xâm hại tình dục trẻ em ngày càng có tính chất phức tạp hơn, độ tuổi xâm hại ngày càng thấp hơn. Số trẻ em bị xâm hại tình dục chủ yếu là bị hiếp dâm (chiếm 65,9%), đối tượng phạm tội phần lớn là người gần gũi với nạn nhân (chiếm 56,1%).

Một số vụ xâm hại tình dục trẻ em có tính chất đặc biệt nghiêm trọng. Tình trạng loạn luân (bố đẻ xâm hại tình dục với con gái chiếm 0,6%, bố dượng xâm hại tình dục với con riêng của vợ chiếm 1%) tuy tỷ lệ thấp nhưng cũng ảnh hưởng lớn đến truyền thống đạo đức gia đình và an toàn xã hội.

Trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn và thân thiện

Theo TS. Nguyễn Hải Hữu, hiện việc xâm hại tình dục đối với trẻ em vẫn chưa được cộng đồng chủ động phát hiện sớm và báo cáo cho các cơ quan chức năng xử lý can thiệp kịp thời. Nhận thức về sự nguy hại nhiều mặt và hậu quả lâu dài, nghiêm trọng của các hành vi xâm hại tình dục với trẻ em chưa được cảnh báo đúng mức. Những trẻ em bị xâm hại nếu không được quan tâm chăm sóc đúng cách sẽ có tâm lý thù hận đối với xã hội và sau này khi trưởng thành nhiều em có thể có ứng xử tương tự với người khác.

Vai trò bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của gia đình, cộng đồng chưa được coi trọng. Kiến thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc trẻ và của chính bản thân trẻ chưa đầy đủ dẫn đến năng lực bảo vệ trẻ em của gia đình, cộng đồng còn hạn chế, trẻ em dễ trở thành nạn nhân của xâm hại tình dục.

Bên cạnh đó, sự thiếu hiểu biết về pháp luật, lối sống ích kỷ, thiếu trách nhiệm của một số gia đình đã tạo ra sự mất an toàn cho trẻ ngay trong chính gia đình của mình.

Trẻ cần được sống trong một môi trường an toàn và thân thiện. Ảnh minh họa nguồn Internet

Môi trường xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến trẻ em bị xâm hại tình dục. Công tác quản lý nhà nước về văn hóa thông tin còn bất cập trước sự xuất hiện của những ấn phẩm, internet, phim ảnh ngoài luồng có tính chất bạo lực, khiêu dâm… cùng các hiện tượng tiêu cực khác ngoài xã hội đã tác động mạnh đến tư tưởng, lối sống của trẻ.

Ngoài ra, hệ thống bảo vệ trẻ em ở nước ta vẫn chưa được như các nước khác trên thế giới, do đó việc phòng ngừa, phát hiện sớm, can thiệp kịp thời để giảm thiểu hoặc loại bỏ các nguy cơ  trẻ bị xâm hại tình dục còn chưa hiệu quả.

Vì vậy, việc tạo cho trẻ môi trường thân thiện, với các điều kiện vui chơi, giải trí lành mạnh thực sự cần thiết, nên được quan tâm đúng mức. Cần tăng cường trách nhiệm và năng lực của gia đình, nhà trường, cộng đồng trong việc chủ động phòng ngừa hành vi xâm phạm tình dục đối với trẻ em. Như vậy mới từng bước xóa bỏ tình trạng trẻ em bị xâm hại.

Tùng Anh

Đọc thêm