50% người di cư gặp khó khăn chỗ ở

(PLO) - Mặc dù gặp khó khăn về chỗ ở, đăng kí hộ khẩu, khám chữa bệnh và tiếp cận các hệ thống an sinh xã hội khác nhưng phần lớn người di cư (NDC) không nhờ đến sự giúp đỡ của chính quyền, các cơ quan, đoàn thể ở nơi đến. Đó là một trong những nội dung kết quả điều tra di cư Quốc gia năm 2015 được Tổng cục Thống kê (TCTK) và Quỹ Dân số Liên Hợp quốc thực hiện vừa công bố.
Vùng Đông Nam bộ là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất nước (trong ảnh: Công nhân tan ca tại Bình Dương).
Vùng Đông Nam bộ là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất nước (trong ảnh: Công nhân tan ca tại Bình Dương).

Đây là lần thứ hai TCTK tiến hành điều tra di cư Quốc gia sau lần đầu thực hiện năm 2004. Điều tra được thực hiện trên phạm vi 20 tỉnh, thành. Kết quả điều tra cho thấy 13,6% dân số cả người là NDC. Tỷ lệ NDC trong nhóm tuổi 15-19 chiếm 17,3%. Có đến 19,7% dân số khu vực thành thị là NDC, trong khi ở nông thôn con số này là 13,4%. Vùng Đông Nam bộ là nơi có tỷ lệ di cư cao nhất nước. So với năm 2004, tuổi của NDC trong điều tra năm 2015 trẻ hơn, trung bình là 29,2 tuổi. Các phân tích điều tra cho thấy có tới 79,1% NDC xuất thân từ nông thôn. Lý do di cư chủ yếu liên quan đến công việc, kinh tế.

Hơn một nửa NDC phải ở nhà thuê mượn

Bà Nguyễn Thị Xuân Mai, Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động (TCTK) cho biết: Kết quả điều tra cho thấy hơn một nửa NDC phải ở nhà thuê mượn, trong khi con số này với người không di cư chỉ chiếm 8,5%. NDC vùng Đông Nam bộ sống trong nhà trọ nhiều nhất do vùng này thu hút nhiều nhân lực đến làm việc tại các khu công nghiệp lớn. Phần lớn NDC phải ở trong những căn nhà có diện tích dưới 6m2/người.

Ngoài ra, những câu hỏi phỏng vấn sâu cho thấy NDC không hài lòng về nơi ở do trả tiền thuê nhà, tiền điện nước cao. Bên cạnh đó, họ thường gặp khó khăn trong tìm kiếm việc làm, khó tiếp cận thông tin, khó khăn về nước sinh hoạt: “Những câu hỏi khảo sát cho thấy NDC phần lớn nhận thức được những khó khăn khi di cư nhưng vẫn di chuyển. Do đó, khó khăn ít ảnh hưởng tới tình trạng di cư”, bà Mai nói.

Vẫn theo bà Mai, trong tất cả những khó khăn gặp phải thì chỗ ở được NDC đề cập nhiều nhất (42,6%). Tuy nhiên, phát hiện đáng chú ý ở chỗ: Với những khó khăn gặp phải, rất ít NDC tìm đến sự giúp đỡ của chính quyền, đoàn thể sở tại. Ngược lại họ chủ yếu dựa vào người thân, gia đình, bạn bè. Và có tới 70% NDC được hỏi nói rằng họ nhận được sự hỗ trợ là động viên tinh thần. Theo bà Mai, điều này cho thấy mạng lưới xã hội đóng vai trò to lớn trong giúp đỡ NDC. Ngược lại, vai trò của chính quyền địa phương trong hỗ trợ NDC gặp khó khăn mờ nhạt.

Cùng quan điểm, PGS.TS Lưu Bích Ngọc - Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho rằng lí do NDC gặp khó khăn ít tìm đến chính quyền, đoàn thể sở tại bởi họ ít được hỗ trợ, hoặc gặp khó khăn về thủ tục hành chính.

Khó khăn đăng ký tạm trú - thường trú

Điểm nhấn nữa trong báo cáo điều tra di cư Quốc gia 2015 đó là tình trạng đăng kí thường trú/tạm trú. Theo đó, tình trạng NDC không đăng kí thường trú/tạm trú, đang có xu hướng tăng lên so với năm 2004 mặc dù tỷ lệ có đăng kí trong điều tra 2015 đạt 86,5%. Kết quả điều tra sau 10 năm cũng cho thấy người nhập cư đã đăng kí hộ khẩu thường trú (KT1 và KT2) hiện nay tăng cao, có tới 46,2% cho biết họ đã có HKTT tại tỉnh, thành tại nơi sinh sống.

Có sự chuyển biến trên theo nhóm chuyên gia do chính sách nhà cho người thu nhập thấp, các điều kiện đăng kí hộ khẩu cởi mở hơn trong những năm gần đây của Nhà nước. Con số khá thú vị đó là tỷ lệ nữ đăng kí tạm trú, thường trú cao hơn nam bởi lý do họ di cư chủ yếu là kết hôn.

So sánh giữa các vùng, Hà Nội là khu vực có tỷ lệ NDC chưa đăng ký thường trú, tạm trú cao nhất. Có 31,7% người di cư đang cư trú ở Hà Nội cho biết họ chưa đăng ký tạm trú hoặc thường trú tại nơi ở hiện tại. Tỷ lệ này cao gấp 2,5 lần ở TP HCM (15%).

Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, tình trạng người nhập cư không đăng ký hộ khẩu hoặc chỉ đăng ký tạm trú chiếm tỷ lệ cao ở hai đô thị lớn nhất cả nước có thể bắt nguồn từ những khó khăn trong thủ tục đăng ký, việc chưa nhận thức được về cần phải đăng ký, hoặc do có nhiều việc làm tạm thời ở các khu vực này:

“Tuy nhiên, do việc đăng ký hộ khẩu giúp chính quyền kiểm soát lượng NDC vào thành phố, tỷ lệ NDC chưa đăng ký hộ khẩu cao là thách thức lớn đối với công tác quy hoạch đô thị của TP HCM và Hà Nội”, chuyên gia TCTK nhấn mạnh.

Báo cáo điều tra cũng chỉ ra NDC gặp phải những khó khăn khi không đăng kí thường trú, tạm trú như: Con cái họ khó tiếp cận hệ thống giáo dục công lập, khó tiếp cận dịch vụ y tế, vay vốn hay như đăng kí xe máy. 

Ví dụ khi đi khám chữa bệnh, để được bảo hiểm y tế trả với mức cao nhất, NDC phải sử dụng dịch vụ ở nơi có hộ khẩu thường trú (tức ở quê). Nếu có chuyển tuyến (thường không dễ dàng) thì họ chỉ được thanh toán với mức thấp hơn quy định. Vì vậy, nhiều NDC sử dụng dịch vụ y tế tư nhân và tự chi trả cho dịch vụ này.

Câu hỏi được nhiều người thắc mắc là tại sao NDC ít đăng kí thường trú mặc dù lợi ích mang lại rất lớn? Đại diện TCTK cho biết các kết quả phỏng vấn sâu cho thấy đối với nhiều NDC thì thủ tục hành chính để đăng ký HKTT phức tạp, mất nhiều thời gian và công sức.

Lý do phổ biến nhất mà NDC chưa đăng ký tạm trú hoặc thường trú theo kết quả điều tra toàn quốc do họ thấy “không cần thiết” chiếm 44,3%. Hoặc NDC cho rằng họ “không thuộc diện được đăng ký” và nhiều người nói rằng họ đã đăng ký nhưng chưa được. Thậm chí nhiều người trả lời không biết đăng kí như thế nào. Chẳng hạn ở Hà Nội, phần lớn NDC trả lời rằng họ “không thuộc diện được đăng ký”: “Phần lớn NDC nói rằng họ gặp khó khăn về thủ tục hành chính khi đăng kí thường trú, tạm trú”, PGS.TS Lưu Bích Ngọc cung cấp.

Từ những phân tích trên, PGS.TS Ngọc là thành viên tổ điều tra khuyến nghị các nhà hoạch định chính sách cần hướng tới mục tiêu xóa bỏ bất bình đẳng giữa NDC và người không di cư: “Ví dụ chế độ BHYT nên bỏ quy định về tỷ lệ hưởng khi khám chữa bệnh đúng tuyến hoặc trái tuyến. Người ta đã mua BHYT thì phải được hưởng như nhau. Hay như thủ tục đăng kí kết hôn không nên bắt buộc phải đăng kí ở nơi đã đăng kí HKTT. Bên cạnh đó chính quyền các địa phương cần phát huy vai trò hỗ trợ NDC hơn nữa”, bà Ngọc nói.

Đọc thêm