3 nhà mạng lớn được phép thử nghiệm 5G
Trong nửa đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã cấp phép thử nghiệm 5G cho 3 doanh nghiệp viễn thông: Viettel, VNPT và Mobifone. Tháng 5/2019, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cùng với Tập đoàn Ericsson (Thụy Điển) thực hiện cuộc gọi đầu tiên trên mạng di động 5G ở Việt Nam.
Hiện Viettel đã công bố thử nghiệm 5G tại Hà Nội trong tháng 5/2019 và tiếp tục mở rộng mạng di động 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. VNPT đang khẩn trương thiết lập mạng 5G thử nghiệm tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, còn Mobifone dự kiến thử nghiệm tại Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Bên lề hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Bộ Thông tin và Truyền thông vừa diễn ra, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long đã chia sẻ với báo chí, VNPT được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm mạng 5G từ tháng 5/2019.
Hiện tại, VNPT đang hoàn thiện các khâu cuối cùng để tiến hành thử nghiệm mạng 5G sớm nhất. Là nhà mạng luôn tiên phong cung cấp các dịch vụ di động thế hệ mới, với công nghệ 5G, VNPT đã sớm bắt tay vào thực hiện các công đoạn từ khi khái niệm về thế hệ mạng này được đưa ra.
Theo VNPT, để có thể triển khai mạng 5G thành công cả về công nghệ lẫn kiến trúc mạng lưới, Tập đoàn đã chuẩn bị một lực lượng nghiên cứu và phát triển (R&D) hùng mạnh để có thể làm chủ và tham gia vào hệ sinh thái 5G (từ mạng lưới, nền tảng platform kết nối cung cấp dịch vụ, ứng dụng trên nền 5G, an ninh, bảo mật và an toàn).
Bên cạnh đó, VNPT cũng tăng cường hợp tác với nhiều đối tác công nghệ lớn trên thế giới để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm, thiết lập hạ tầng công nghệ, xây dựng và phát triển nguồn nhân lực.
“Việc thử nghiệm 5G năm 2019 và triển khai thương mại năm 2020 là một tuyên bố của ngành ICT Việt Nam về việc từ nay chúng ta sẽ không tiếp tục đi sau mà sẽ đi cùng nhịp với những nước đầu tiên trên thế giới” – Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhận định.
“SIM rác” có được xử lý triệt để trong năm nay?
Thống kê của Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ghi nhận 21.888 lượt phản ánh tin nhắn rác, giảm 48,7% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lượng phản ánh với VinaPhone là 5.055 lượt (chiếm 23,1%), MobiFone là 2.921 lượt (chiếm 13,3%), Viettel là 2.819 lượt (chiếm 12,9%) và Vietnamobile là 935 lượt (chiếm 4,3%).
Đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông cho thấy, tình trạng SIM rác, mua bán SIM kích hoạt sẵn thông tin thuê bao đã giảm đáng kể nhưng vẫn tái diễn. Bộ đã xử phạt 4 doanh nghiệp là Viettel, VNPT VinaPhone, Mobifone, Vietnamobile về hành vi vi phạm trong công tác quản lý thông tin thuê bao. Bên cạnh đó, Bộ cũng đã ban hành văn bản nhấn mạnh trách nhiệm cá nhân của người đứng đầu các doanh nghiệp viễn thông nếu vẫn còn để xảy ra tình trạng SIM rác.
Để thúc đẩy việc phòng, chống tin nhắn rác và thư rác, Bộ Thông tin và Truyền thông đã vận hành 24/7 hệ thống tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác trên đầu số 456, hệ thống phần mềm thu thập thư rác chuyên dụng và Cổng thông tin chống thư rác.
Bên cạnh đó, Bộ đã thực hiện việc kiểm tra thường xuyên các doanh nghiệp, yêu cầu nộp báo cáo xử lý tin rác hàng tuần. Trong thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cắt giảm 1,85 triệu tài khoản viễn thông do không đủ thông tin thuê bao hoặc bị phát hiện là thuê bao kích hoạt sẵn.
Trước những vấn đề còn tồn tại trong lĩnh vực viễn thông, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng yêu cầu trong 6 tháng cuối năm 2019, phải xử lý triệt để các vấn nạn về rác viễn thông như SIM rác, tin nhắn rác, cuộc gọi rác, thư rác.
Theo số liệu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, tính đến hết tháng 6/2019, Việt Nam có khoảng 134,5 triệu thuê bao di động, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, số thuê bao di động sử dụng dịch vụ 3G, 4G là 128,6 triệu. Số thuê bao điện thoại cố định ở Việt Nam hiện khoảng 4 triệu thuê bao.