(PLO) - Vở “Kiều” mắt gói ghém bao tâm huyết của NSND Anh Tú cùng 60 diễn viên tham gia vở diễn đã chính thức “trình làng” tại tại Nhà hát Kịch Việt Nam (số 1 Tràng Tiền, Hà Nội). Gần 100 ngày qua, đạo diễn và 60 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã phải “ăn ngủ” cùng “Kiều”.
Theo đó, Nhà hát Kịch Việt Nam dàn dựng vở “Kiều” với nhiều lát cắt mới về nghệ thuật: Phản ánh giá trị hiện thực: vở diễn phơi bày bộ mặt xã hội phong kiến bất công, tàn bạo, đồng thời phản ánh nỗi khổ đau, bất hạnh của con người, đặc biệt là người phụ nữ…
“Kiều” ngợi ca vẻ đẹp thiên nhiên, vẻ đẹp con người, là bài ca về vẻ đẹp của tài, sắc, tình, lòng hiếu thảo, trái tim nhân hậu, đức tính vị tha, thủy chung, chí khí anh hùng… “Kiều” cũng là câu chuyện mang tính dự báo: khi quyền lực "bẩn", đồng tiền "bẩn" lên ngôi thì những giá trị về đạo đức, giá trị về con người sẽ bị đảo lộn.
Không dựng lại toàn bộ tác phẩm “Truyện Kiều”, NSND Anh Tú chỉ dừng ở đoạn Kiều nhảy xuống sông Tiền Đường tự vẫn, để bản dựng chỉ gói trong khoảng 120 phút. Với vở chính kịch này, đạo diễn Anh Tú cũng không mang thế mạnh là mảng miếng ra để chinh phục công chúng.
NSND Anh Tú cũng chia sẻ rằng, bản dựng lần này có kết hợp những hình thức hát, múa. Hình ảnh hoa sen của người Việt được sử dụng với hàm ý như cuộc đời một con người: lúc hé mở ban đầu, lúc sung mãn, lúc cao trào, lúc tàn khô, héo úa… nhưng vượt lên trên tất cả chính là sự dâng hiến những cái đẹp, cái tinh túy nhất cho tình yêu, cho cuộc đời…
Bên cạnh đó, anh còn lồng điệu múa bài bông - một điệu múa cổ của đất Thăng Long vào vở diễn.
Gần 100 ngày qua, đạo diễn và 60 diễn viên của Nhà hát Kịch Việt Nam đã phải “ăn ngủ” cùng “Kiều”. Bên cạnh nội dung, vấn đề trang phục của vở diễn cũng được đặt ra, sao cho có sự thuần Việt trong từng chi tiết mà vẫn toát lên tính cách của mỗi nhân vật.
Bên cạnh sự đóng góp của nhà văn Nguyễn Hiếu, họa sĩ thiết kế - NSƯT Lê Sơn, phần âm nhạc được nhạc sĩ Giáng Son chăm chút, khắc đậm chất dân gian mà vẫn có tính đương đại. “Chuyện nàng Kiều” có sự tham gia của các nghệ sĩ trẻ tài năng của Nhà hát Kịch Việt Nam như Diễm Hương vai Thúy Kiều, Khuất Quỳnh Hoa vai Thúy Vân, Tô Dũng vai Kim Trọng, NSƯT Xuân Bắc hóa thân làm Hồ Tôn Hiến.
Nghệ sĩ nhân dân Anh Tú cho biết: “Tư tưởng dựng vở Kiều lần này của Nhà hát Kịch Việt Nam là phải giữ đúng nguyên tác với tất cả những gì tang thương của thân phận người thiếu nữ tài sắc. Tôi rất thích ở truyện Kiều của Nguyễn Du là tính dự báo: Khi đồng tiền và quyền lực không chân chính lên ngôi thì nó làm đảo lộn rất nhiều thứ khác, trong đó có những giá trị đạo đức tốt đẹp. Tôi đi sâu vào vẻ đẹp thiện lương trong mỗi con người”.