Gỡ khó kinh phí bảo vệ, phát triển rừng
Tổng cục Lâm nghiệp (TCLN - Bộ NN&PTNT) cho biết, tổng kinh phí huy động để thực hiện phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2016 - 2020 khoảng là 50.231 tỷ đồng, đạt 84,3% kế hoạch. Trong đó, vốn ngân sách nhà nước là 8.756 tỷ đồng, chiểm 17,4% tổng vốn đầu tư. Trong khi đó, vốn ODA và các nguồn khác khoảng 41.485 tỷ đồng.
Theo đánh giá của TCLN, việc thực hiện các chính sách đầu tư về bảo vệ và phát triển rừng (BV&PTR), chế biến và thương mại lâm sản (CB&TMLS) thời gian vừa qua đã và đang phát huy hiệu quả, đạt được nhiều thành tựu tích cực, góp phần bảo vệ và phát triển bền vững vốn rừng hiện có, cải thiện đời sống những người làm nghề rừng, nhất là đồng bào dân tộc ít người, vùng sâu, vùng xa; từng bước khẳng định vị trí, vai trò của ngành lâm nghiệp trong nền kinh tế quốc dân.
Tuy nhiên, mức đầu tư trồng mới rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, hỗ trợ trồng rừng sản xuất, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng còn thấp. Đặc biệt, thiếu chính sách thu hút đầu tư các thành phần kinh tế vào làm giàu rừng và xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên.
Trao đổi với PLVN mới đây, ông Phạm Văn Điển, Phó Tổng cục trưởng TCLN cho hay, kinh phí không hẳn là một vấn đề lớn, nhất là đối với rừng sản xuất. Bởi đây là lĩnh vực được xã hội hóa rất nhanh và nằm trong chuỗi liên kết, do các thành viên tham gia vào chuỗi đó tự quyết định, Nhà nước chỉ hỗ trợ một phần mang tính thúc đẩy quá trình xã hội hóa và duy trì chuối cho tốt… Tuy nhiên, đối với với rừng tự nhiên, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, mặc dù Luật Lâm nghiệp nói rõ Nhà nước có trách nhiệm đầu tư kinh phí để BV&PTR, nhưng thực tế triển khai vẫn còn nhiều hạn chế.
“TCLN đang xây dựng Nghị định tổng thể về đầu tư BV&PTR, CB&TMLS. Đây là lần đầu tiên tại Việt Nam sẽ có một nghị định về tổng thể tất cả các chính sách có liên quan đến hoạt động khai thác khác nhau trong lĩnh vực lâm nghiệp…”, ông Điển cho biết và khẳng định, Nghị định này sẽ là “bản thiết kế” ban đầu để góp phần vào việc giải quyết kinh phí cho BV&PTR, CB&TMLS…
Cuối quý III/2021 sẽ trình dự thảo Nghị định
Theo lãnh đạo TCLN, chính sách đầu tư BV&PTR, CB&TMLS hiện đang được quy định rời rạc tại 68 văn bản. Đây cũng là hạn chế trong việc thu hút các nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực này.
Tại một Hội nghị “Đánh giá chính sách đầu tư BV&PTR, CB&TMLS”, lãnh đạo TCLN cho hay, đơn vị đã đề nghị Bộ NN&PTNT xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép lùi thời gian trình dự thảo Nghị định về chính sách đầu tư BV&PTR, CB&TMLS.
Lý do được đưa ra là năm 2020, Bộ NN&PTNT đang triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm của ngành Lâm nghiệp để trình Chính phủ xem xét, phê duyệt gồm: Chiến lược phát triển lâm nghiệp giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia; Chương trình Phát triển lâm nghiệp bền vững giai đoạn 2021-2015. Đây là những nội dung quan trọng, là cơ sở xác định nguồn lực và phạm vi đầu tư cho đề xuất xây dựng nghị định về chính sách đầu tư BV&PTR, CB&TMLS. Qua đó sẽ kết hợp tổ chức, đánh giá, tổng kết các chính sách hiện hành làm cơ sở xây dựng chính sách mới phù hợp với định hướng phát triển cho ngành…
Trao đổi với PLVN, Phó Tổng cục trưởng TCLN Phạm Văn Điển cho biết, theo văn bản của Văn phòng Chính phủ, Bộ NN&PTNT sẽ trình dự thảo Nghị định này vào cuối quý III/2021. Dự kiến, sau đó mấy tháng, Chính phủ sẽ ban hành. “Khả năng Chính phủ sẽ ban hành vào cuối năm 2021 để có hiệu lực thi hành từ năm 2022…”, ông Điển nói.
Cũng theo lãnh đạo Phó Tổng cục này, hiện TCLN đang trong giai đoạn hoàn thiện đề cương. Từ việc hoàn thiện đề cương này sẽ phải đánh giá tác động của chính sách hiện có, đánh giá độ thiếu hụt của chính sách hiện có, nhu cầu của những chính sách mới để phù hợp với thực tiễn, để từ đó đưa vào dự thảo đầu tiên của Nghị định. Tiếp theo, triển khai theo quy trình xây dựng gồm nhiều bước, trong đó sẽ thu thập thông tin, tổ chức diễn đàn hội thảo, lấy ý kiến các bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, trình Bộ Tư pháp thẩm định.